Quản lý lớp học là một trong những vấn đề khó khăn đối với các giáo viên trẻ. Trên thực tế, nó có thể là trở ngại cho cả những giáo viên nhiều năm kinh nghiệm. Cụ thể hơn, chính việc kỷ luật học sinh gây ra quá nhiều sự sợ hãi và phản tác dụng. Nhiều giáo viên nhầm lẫn giữa quản lý lớp học với kỷ luật học sinh. Khi các giáo viên nói, “Tôi thực sự gặp rắc rối với việc quản lý lớp học”, có nghĩa là họ muốn nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan tới hành vi của học sinh.

Vậy, tại sao tôi lại viết về kỷ luật học sinh và quản lý lớp học khi tiêu đề của mục này là để tìm hiểu học sinh? Sự thật là, việc xây dựng mối quan hệ tích cực với học sinh là cách số một để ngăn chặn các vấn đề hành vi phát sinh trong lớp học. Khi học sinh tôn trọng giáo viên cũng đồng nghĩa với việc chúng viết cách cư xử đúng mực hơn trong lớp học.

Mỗi giáo viên khi đặt chân vào lớp học, họ thường kì vọng sự tôn trọng của học sinh. Họ cho rằng “Tôi là giáo viên, vì vậy các em phải tôn trọng tôi”. Đây chẳng phải là điều quá đơn giản sao? Thật không may, học sinh  của chúng ta lại không cùng chung  quan điểm, đặc biệt là các học sinh lớp lớn. Chúng luôn đặt ra các câu hỏi: “Tại sao tôi phải tôn trọng giáo viên?”…

Chúng ta hãy nghĩ về điều này một chút. Điều gì khiến bạn tôn trọng một người mà bạn chỉ vừa mới gặp? Thông thường, tôi phải mất một khoảng thời gian để làm điều này. Nếu như hành động của người đó nhất quán theo thời gian thì cuối cùng sẽ thu được sự tin tưởng và ngưỡng mộ của tôi. Vậy tại sao chúng ta lại mong đợi nhận được sự tôn trọng ngay lập tức từ phía  học sinh?

Hãy trở thành nhà giáo dục biết lắng nghe!

Xây dựng mối quan hệ tích cực với học sinh bằng cách  dành thời gian cho chúng. Các giáo viên nên dành thời gian mỗi ngày để làm quen với học sinh. Chúng ta nên dành thời gian để tìm hiểu xem mỗi em đang làm gì và nói chuyện riêng với từng em. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dưới đây là một số ý tưởng để giúp bạn chuẩn bị khi làm việc với những học sinh đầy tinh nghịch ấy:

Trước tiên, sắp xếp thời gian trong kế hoạch bài giảng của bạn để đi vòng quanh phòng và làm quen với mỗi học sinh. Tôi lên lịch trình trong 5 phút đầu tiên trước khi vào bài dạy. Trong khi  học sinh đang tập trung vào nhiệm vụ ghi bài tập về nhà vào vở, tôi mang theo bìa kẹp hồ sơ và đi xung quanh lớp học. Tôi kiểm tra các nhiệm vụ đã được phân công, đảm bảo học sinh đều chép bài tập về nhà trong vở ghi, và chào hỏi một cách nhanh chóng. Nó cho tôi cơ hội để đánh giá trạng thái tình cảm của học sinh và xem liệu chúng đã trải qua nững cảm xúc như thế nào.

Nếu một học sinh trông có vẻ mệt mỏi như một điều gì đó không tốt đang xảy ra, tôi sẽ dành thời gian để dừng lại và hỏi “hôm nay em có khỏe không? Nhìn em có vẻ buồn. Em muốn nói điều gì không?  Hãy nói chuyện trước khi mọi người vào lớp học nhé!”.  Điều đó cho phép học sinh biết rằng tôi chú ý, tôi quan tâm, và tôi sẵn sàng dành thời gian để nói chuyện. Một số sẽ không muốn nói, nhưng số khác thì lại rất mong muốn. Đó là tín hiệu để bắt đầu mối quan hệ.

Thứ hai, thực sự dành thời gian để nói chuyện với học sinh và nhận biết mỗi một em là một cá nhân riêng biệt. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều cá tính khác nhau trong một lớp học. Bằng cách tìm hiểu những tính cách này, bạn sẽ có hiểu biết tốt hơn về cách học sinh tương tác với nhau. Sự hiểu biết đó sẽ giúp bạn trong việc lập kế hoạch nhóm, làm xoa dịu những tình huống có thể xảy ra và dễ dàng đương đầu với những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn.

Nếu luôn đánh giá học sinh của mình dưới dạng nhóm, bạn sẽ chỉ tập trung vào tính cách nhóm mà thiếu sự đánh giá cá nhân. Làm thế nào bạn có thể đối phó với hai học  sinh đang tranh cãi? John có tính cách khá trầm lắng, cậu ta chỉ đánh nhau nếu bị trêu chọc quá nhiều. Sal có tính cách hiếu thắng và liên tục quấy nhiễu những bạn ngồi gần. Giả sử April đến với bạn và nói, “John vung tay và đánh Sal trong khi bạn đang nói chuyện với một giáo viên khác. Bạn sẽ làm gì? Nếu bạn không biết rõ tính cách của từng học sinh, bạn sẽ có chiều hướng nghĩ rằng John đã cố ý đánh Sal mà không có lý do, ngay lập tức bạn sẽ đưa cậu ấy đến văn phòng. Điều đó có thể dẫn đến việc John cảm thấy bị  phạt một cách không công bằng và có cảm giác oán giận đối với bạn. Sal có thể mừng là anh ấy đã lừa được bạn. Woo hoo! Bây giờ, bạn phải làm sao đây?

Tuy nhiên, nếu bạn đã phát triển mối quan hệ học sinh, và biết được cá tính của mỗi em, bạn có thể trao đổi vấn đề với họ tốt hơn và đưa ra quyết định về những hậu quả có thể xảy ra. John có lẽ sẽ nhận hình phạt vì đánh Sal, nhưng  có thể cậu ta sẽ không bị trừng phạt nghiêm khắc như phải nhận. Sal sẽ nhận hình phạt vì chọc tức John và hiểu rằng hành vi này là không được chấp nhận trong lớp học của bạn. Bạn thấy đó, sự am hiểu về các cá nhân trong tình huống này có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của người giáo viên?

Thứ ba, dành thời gian để cho học sinh thấy rằng bạn quan tâm đến những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng. Khi bạn thấy một trong những học sinh của mình buồn, hãy tìm hiểu những gì đang xảy ra với chúng. Đưa ra một chủ đề có liên quan và cố gắng hỏi để hiểu được trọng tâm của vấn đề. Cho chúng thấy sự cảm thông và giúp chúng biết được rằng bạn luôn lắng nghe khi chúng cần bạn. Thường chỉ là hành động đơn giản – dành thời gian để lắng nghe là đã đủ để tỏ rõ cho  một học sinh biết bạn quan tâm đến chúng như thế nào.

Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bạn sẽ có những học sinh quấy rối bạn, thách thức bạn, và không tin bạn. Đó là những học sinh sống trong hoàn cảnh mà không có niềm tin nơi gia đình hoặc bị gia đình coi thường và ngược đãi. Nếu gia đình đối xử tệ với họ, thì tại sao bạn lại quan tâm? Bạn không có mối quan hệ ruột thịt với học sinh, vậy tại sao bạn lại mất công, chịu khó để giúp đỡ họ? Nhiều học sinh đã coi giáo viên là sự thách thức đối với chính bản thân chúng. “Không ai trong cuộc đời quan tâm đến tôi, vì vậy tôi sẽ đi tiếp và đẩy giáo viên này ra khỏi tầm nhìn. Bằng cách đó, tôi sẽ không bị bất kì tổn thương nào nữa”.

Khi bạn gặp một học sinh có thái độ gây hấn, chọc phá, hoặc cố làm cho bạn khốn đốn, đó là lúc mà bạn cần phải kiên định trong cách thể hiện sự quan tâm của mình. Bạn hãy hỏi học sinh đó mỗi ngày. “Ngày hôm nay của em thế nào?”

Học sinh: “Cô quan tâm làm gì?”

Giáo viên: “Ngày hôm nay của em thế nào?”

Học sinh: “Được rồi, em đoán…”

Dù phản ứng như thế nào đi chăng nữa, cứ tiếp tục hỏi. Hãy thực hiện điều đó như những gì bạn muốn làm cho một người bạn thân, cho dù thế nào đi chắng nữa. Hãy để học sinh biết, “Cho dù em nói hay làm gì, tôi vẫn quan tâm đến em”.

Bây giờ các học sinh ấy sẽ thúc đẩy và kiểm tra xem liệu những gì bạn nói có đúng không. Chúng muốn biết bạn sẽ giữ được sự quan tâm này bao lâu? Nếu bạn có thể tồn tại sau cuộc thử nghiệm, bạn sẽ giành được sự tôn trọng và niềm tin tuyệt đối của học sinh. Rất có thể sau đó sẽ có một người ngưỡng mộ bạn suốt đời. Bạn sẽ thấy các vấn đề về hành vi dần lắng xuống vì học sinh đó đang ở bên bạn.

Đừng bỏ rơi học trò của bạn. Hãy biết rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt  và không chỉ đơn giản là một học sinh. Bạn có thể sẽ khá ngạc nhiên khi biết được những suy nghĩ tuyệt vời đang nảy ra trong đầu học sinh. Trong suốt sự nghiệp của mình dạy học, bạn sẽ tìm thấy nhiều người như bạn và nhiều học sinh tốt nghiệp sẽ tiếp tục quay lại thăm bạn. Bạn cũng sẽ thấy các vấn đề về hành vi ngày càng giảm. Điều đó không có nghĩa là chúng sẽ hoàn toàn biến mất. Sau tất cả, trẻ con là cũng chỉ là đứa trẻ. Tuy nhiên, bạn không phải đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối như trước đây. Tại sao? Theo thời gian, việc dành thời gian để nói chuyện, lắng nghe, và chăm sóc, bạn đã giành được sự tôn trọng từ học sinh.

Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nghe thấy một học sinh lớp trên nói với những học sinh nhỏ tuổi hơn mình. “Này, hy vọng em sẽ được học thầy……….. năm tới, mặc dù thầy khá nghiêm khắc nhưng thầy ấy là một giáo viên tuyệt vời!” Cô _____ nghiêm khắc, nhưng cô ấy đúng là số 1! ” Cuối cùng, bạn sẽ được các học sinh nhớ đến, yêu mến vì bạn xứng đáng được như vậy.

Nguyễn Vĩnh Thụy dịch

Nguồn: http://www.educationworld.com/a_curr/columnists/mcdonald/mcdonald013.shtml