Mặc dù ai cũng biết tầm quan trọng các phản hồi có ý nghĩa. Nhưng còn một khía cạnh quan trọng của việc đưa phản hồi đó là thường xuyên kiểm tra xem học sinh sẽ phản ứng thế nào với phản hồi mà họ nhận được.
Một khảo sát mới đây trên 195 học sinh cho thấy việc học sinh tham gia vào sự phản hồi như thế nào quan trọng ngang với cách mà giáo viên đưa phản hồi đến học sinh. Tác giả – TS. Naomi Winstone nói rằng: Khi tập trung cao độ vào việc đưa ra phản hồi có chất lượng, các vấn đề xoay quanh việc làm sao để người học hiểu và sử dụng phản hồi dường như bị bỏ qua trong nghiên cứu. “Nếu chúng ta muốn phản hồi có ảnh hưởng tối đa đến sự phát triển của người học, thì làm thế nào để người học kiên trì và thực hiện phản hồi cũng quan trọng như chất lượng và thời gian của chính phản hồi đó”, bà nói, “Dù phản hồi có chất lượng đến đâu, nó sẽ không có được ảnh hưởng lớn nếu chúng ta không hỗ trợ người học trở thành chủ thể tiếp nhận phản hồi”.
Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp người học trở thành chủ thể tiếp nhận? Dưới đâu là một số bí kíp.
  1. Hiểu được những trở ngại đối với sự tham gia phản hồi tích cực
Một lí do khiến học sinh khó tham gia vào việc phản hồi, theo Winstone, là sự phản ứng của cảm xúc đối với phản hồi đó. “Trong nhiều trường hợp, phản hồi có thể bị xem là một đe dọa đối với lòng tự trọng của chúng ta và chúng ta thường bảo vệ bản thân bằng cách hạn chế tham gia bình luận”.
Trong một số nghiên cứu gần đây, Winstone và TS. Rob Nash nêu ra 4 trở ngại chủ yếu đối với sự tham gia phản hồi tích cực:
  • Nhận thức được ý nghĩa và mục đích của phản hồi: Người học có thể không hiểu nhiều về mục đích của phản hồi hoặc ngôn ngữ được dùng để viết phản hồi.
  • Kiến thức về chiến thuật đưa ra các phản hồi: Chúng ta trang bị cho người học nhiều kĩ năng hữu ích nhưng chúng ta có thường xuyên dạy họ một cách bài bản làm thế nào để sử dụng phản hồi không?
  • Nhân tố tác động đến các chiến thuật thực hiện: Phản hồi không phải lúc nào cũng thực hiện được hoặc đáng ghi nhận. Ví dụ, người học có thể cảm thấy phản hồi về một phần công việc lại không liên quan mấy đến các phần khác.
  • Sự sẵn sàng nghiên cứu kĩ lưỡng phản hồi và các chiến thuật thực hiện: Sử dụng phản hồi là một việc khó. Nó đòi hỏi nhiều nỗ lực để cải thiện các kĩ năng và kĩ thuật.
Một khi hiểu được những trở ngại này, giáo viên có thể thiết lập sự phản hồi khiến người học thấy rõ không chỉ những gì cần cải thiện mà còn những bước tiến cần đạt được và lợi ích của những điều này trong tương lai.
  1. Giúp học sinh phát triển các kĩ năng để sử dụng tốt những phản hồi
Winstone cho rằng học sinh thường xuyên cần sự hỗ trợ trong việc phát triển các kĩ năng tham gia và thực hiện phản hồi. Bà và tiến sĩ Nash đã xác định 4 kĩ năng quan trọng mà họ gọi là “các kĩ năng tiếp nhận”.
Tự đánh giá: Học sinh cần có khả năng tự đánh giá các kĩ năng, năng lực và điểm yếu của bản thân họ.
Đánh giá nhận thức: Học sinh cần hiểu các tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá, từ đó biết được “hoàn thành tốt” là như thế nào.
Thiết lập mục tiêu: Học sinh cần có năng lực đặt mục tiêu cho bản thân và điều khiển quá trình nhằm đạt được các mục tiêu đó.
Sự kiên trì và động lực: Học sinh cần sự kiên trì và động lực để bắt tay vào thực hiện những công việc khó khăn do yêu cầu của phản hồi.
Một khi học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc cải thiện một lĩnh vực chuyên môn, động lực để cải thiện sẽ tự nhiên nảy sinh. Vì thế, hãy bắt đầu bằng việc cung cấp những ví dụ rõ ràng về công việc có chất lượng rồi sau đó, cho học sinh cơ hội đối chiếu với công việc của chính họ để xem những lĩnh vực đó có cần cải thiện không.
  1. Tạo cơ hội cho học sinh thực hiện phản hồi
Ngoài việc giúp học sinh phát triển các kĩ năng tham gia phản hồi, điều quan trọng là phải tạo cơ hội sử dụng phản hồi.
Winstone nói rằng nhiều giáo viên ở Anh sử dụng Thời gian cải thiện và phản hồi chuyên dụng, công việc này đòi hỏi sử dụng thời gian lên lớp để giúp người học đem các phản hồi họ nhận được ra thực hành. Trong suốt khoảng thời gian này, học sinh có thể thực hiện một phần công việc của họ, vận dụng các nhận xét mà họ nhận được hoặc luyện tập một kĩ nằng cụ thể cần phải cải thiện. Việc chỉ định thời gian thực hiện phản hồi giúp học sinh nhận thấy tầm quan trọng của việc tham gia phản hồi hơn là chỉ đọc chúng một cách thụ động.
  1. Giúp học sinh thấy sự cải thiện đó là có thể đạt được
Mặc dù các nghiên cứu của Winstone tập trung nhiều vào cách mà phản hồi được sử dụng và thực hiện, bà lưu ý rằng vẫn còn một nơi để tạo ra và khuyến khích sự phản hồi.
Khi viết phản hồi, giáo viên có thể truyền đạt những ẩn ý mà có thể tác động đến sự tham gia của người học”, bà nói, “Điều quan trọng là người học nhận được những thông điệp ngầm ẩn hoặc rõ ràng rằng sự cải thiện là có thể đạt được”. Ví dụ, thay vì nói:‘Em toàn sai lỗi này. Hãy đọc lại chương X trong sách bài tập đi’, bạn có thể đưa ra một phản hồi tương đương nhưng khích lệ hơn kiểu như “Vẫn còn vài lỗi ở đây nhưng cô có thể nói rằng em đã có tiến bộ trong bài tập này. Hãy tập trung vào chương X, em sẽ hiểu rõ hơn”.
Mặc dù vậy, hãy nhớ rằng kể cả phản hồi đúng chỗ và đúng lúc nhất cũng không thể hiệu quả nếu học sinh không dùng đến nó. Vì vậy, cung cấp phản hồi cho học sinh chỉ là bước đầu tiên. Chúng ta còn cần thúc đẩy họ chủ động trong học tập bằng cách trang bị cho họ những kĩ năng cần thiết để tham gia và thực hiện phản hồi.
Tác giả:Marianne Stenger
Người dịch: Đặng Thanh Hiền