Trong một cuộc nói chuyện với giáo viên, chia sẻ về các ý tưởng và phương pháp giảng dạy mới, một đồng nghiệp chia sẻ với tôi rất thành thật: Em đã hướng dẫn học sinh rồi mà mãi học sinh vẫn không làm được thầy ạ.

Tôi hỏi lại: Vậy chị hướng dẫn thế nào?

Cô giáo đó trả lời: Làm nói đúng như thầy nói, xong rồi học sinh vẫn không biết làm…

Sau đó chị làm thế nào?

Không còn thời gian nên em nói luôn cho nhanh thầy ạ, đợi học sinh mất thời gian quá.

Có lẽ, đây là một trong những vấn đề khá phổ biến mà nhiều giáo viên gặp phải khi chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống sang mô hình dạy học phát triển năng lực. Khi giáo viên thay vì thuyết giảng, trình bày kiến thức thì phải tổ chức hoạt động, hướng dẫn học sinh cách thực hiện. Khi mà thành công của quá trình dạy học không còn được đo bằng độ dài của vở ghi hay độ khó của các bài tập mà được tính bằng khả năng chiếm lĩnh và làm chủ kiến thức của học sinh. Khi mà giáo viên không còn là yếu tố quyết định hoàn toàn đến hiệu quả dạy học mà còn phải có sự phối hợp từ việc học sinh. Khi việc dạy học không còn là việc thầy đọc trò chép mà là quá trình tương tác hai chiều…

Vậy phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Tôi đã nói với cô giáo đó: Hướng dẫn thôi là chưa đủ, phải hướng dẫn chi tiết và cụ thể, chi tiết và cụ thể vẫn chưa đủ, học sinh phải xác nhận điều mà giáo viên hướng dẫn. Học sinh xác nhận thôi vẫn chưa đủ, mà phải bắt đầu thực hiện. Học sinh thực hiện giáo viên phải đồng hành, hỗ trợ, chỉnh sửa. Hỗ trợ chỉnh sửa thôi vẫn chưa xong, phải kiểm tra, đánh giá và đặt mục tiêu mới… Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là về nhận thức, giáo viên cần phải xác định rõ các vấn đề sau trong quá trình tổ chức, hướng dẫn các hoạt động dạy học:

– Hướng dẫn học sinh trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học phải trải qua nhiều khâu, nhiều bước, nhiều giai đoạn và nhiều thao khác (không chỉ có nghĩa là nói)

– Để hướng dẫn học sinh không phải chỉ có nói một lần mà học sinh làm được ngay (đó là một quá trình đi từ nhận thức đến hành động)

– Giáo viên cần phải xác định trách nhiệm của mình trong mỗi thao tác, nếu học sinh không thể thực hiện được, hãy xem lại hướng dẫn đã chi tiết chưa hoặc có sai lầm nào về mặt phương pháp đưa hướng dẫn hay không?

– Nếu không bình tĩnh, kiên trì, hướng dẫn chi tiết tỉ mỉ (sợ mất thời gian), các thầy cô sẽ tiếp tục lặp lại những vấn đề này trong các tiết học sau đó.

Dưới đây, tôi sẽ đưa ra các bước để giúp các thầy cô đưa hướng dẫn cho học sinh một cách hiệu quả trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học.

  1. Tập trung chú ý của học sinh

Rất nhiều trường hợp, học sinh không có sự chú ý giáo viên đã đưa hướng dẫn. Khi đó các hướng dẫn, chỉ dẫn của giáo viên có chi tiết, cụ thể đến như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng học sinh vẫn không thể thực hiện được các nhiệm vụ. Trong một số trường hợp, giáo viên quá tập trung vào việc đưa hướng dẫn và chạy đua với thời gian, nên không chú ý đến việc học sinh có thực quan tâm đến những điều mình vừa hướng dẫn hay không. Để khắc phục tình trạng này, các thầy cô có thể tham khảo một số kĩ thuật lôi cuốn sự tập trung chú ý của học sinh mà không làm gián đoạn tiết học mà chúng tôi đã đề cập ở một số bài viết trên website https://thuviengiangday.com.

  1. Đưa hướng dẫn chi tiết và cụ thể

Hướng dẫn bằng lời nói: Giáo viên cần đảm bảo, hướng dẫn trong lời nói của mình có đầy đủ các thành phần cơ bản sau

– AI: cụ thể là đối tượng học sinh nào, cá nhân hay nhóm, nhóm nào…

– LÀM GÌ: Học sinh phải thực hiện Hành động cụ thể nào? Nói, viết, kể, vẽ, làm,…

– LÀM NHƯ THẾ NÀO: Hợp tác với ai, viết cái gì, nói cái gì,…

– DỰA VÀO ĐÂU ĐỂ LÀM: Dựa vào sách giáo khoa, phiếu học tập hay thảo luận với bạn,…

– TRẢ LẠI SẢN PHẨM NHƯ THẾ NÀO: Viết được mấy câu, làm theo mấy cách, yêu cầu cụ thể

– LÀM TRONG THỜI GIAN BAO LÂU:

– Hướng dẫn kênh chữ, Trong một số trường hợp, việc hướng dẫn bằng lời nói quá nhanh khiến học sinh không thể theo kịp, vì vậy giáo viên cần dùng các phương tiện hỗ trợ bằng kênh chữ. Giáo viên có thể viết các hướng dẫn vào phiếu để học sinh có thể đọc hoặc đưa hướng dẫn lên slide bài giảng để học sinh có thể theo dõi trong quá trình thực hiện

Hướng dẫn bằng hình ảnh minh họa. Nhiều đối tượng học sinh lại cảm thấy dễ dàng và trực quan hơn nếu có các hình ảnh minh họa. Nếu có thể, giáo viên hãy sử dụng các hình ảnh phù hợp để minh họa cho các thao tác, các bước làm, các nhiệm vụ mà học sinh cần thực hiện.

– Hướng dẫn kèm theo làm mẫu, điều quan trọng nhất mà giáo viên nên làm để đảm bảo các hướng dẫn, chỉ dẫn của mình đó là làm mẫu. Nếu giáo viên giao một nhiệm vụ học tập mới, nếu đa phần học sinh trong lớp vẫn chưa hình dung một cách chính xác và cụ thể những công việc cần thực hiện và yêu cầu cần đạt, không còn cách nào khác, giáo viên nên dừng lại một khoảng thời gian đủ lâu để làm mẫu cho học sinh. Các bước và thao tác của việc làm mẫu tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết khác.

  1. Học sinh xác nhận nhiệm vụ

Sau khi đã đưa ra hướng dẫn chi tiết và cụ thể, giáo viên nên dừng lại và yêu cầu học sinh “xác nhận nhiệm vụ”. Giáo viên có thể thực hiện bước này bằng các câu hỏi như:

– Các em đã hiểu rõ nhiệm vụ phải làm chưa?

– Có điểm nào các em còn chưa rõ?

– Có điểm nào các em cần phải giải thích thêm không?…

  1. Khẩu lệnh thực hiện và đặt thời gian

Sau khi học sinh xác nhận nhiệm vụ, giáo viên sẽ đặt thời gian và ra khẩu lệnh để học sinh bắt đầu thực hiện. Bước làm này rất quan trọng. Vì nó cho học sinh biết tín hiệu để thực hiện nhiệm vụ một cách nghiệm túc đồng thời, đảm bảo sự thống nhất về thời gian thực hiện nhiệm vụ. Điều này sẽ tránh được việc có học sinh hoàn thành xong trước trong khi có học sinh vẫn chưa bắt đầu.

Khi đặt thời gian, giáo viên nên đặt đồng hồ trên slide bài giảng để học sinh tiện theo dõi, giáo viên nên nhắc học sinh khi sắp hết thời gian, để học sinh có sự khẩn trương đồng thời phân bố thời gian thực hiện các công việc hợp lý hơn.

Nếu trong trường hợp, quá nửa học sinh vẫn chưa hoàn thành, giáo viên có thể cân nhắc về việc cho học sinh thêm thời gian. Tuy nhiên, việc làm này cần phải kiên định và nhất quán, tránh để thời gian thực hiện hoạt động kéo dài vô tận.

  1. Theo dõi, hướng dẫn, đồng hành, hỗ trợ

Trong quá trình học sinh thực hiện nhiệm vụ, điều quan trọng để hoạt động thành công là có sự theo dõi đồng hành và hỗ trợ của giáo viên,

Giáo viên có sự theo dõi đối với tất cả học sinh, quan sát tất cả các nhóm, để nhận ra những học sinh đang gặp khó khăn, những học sinh nào cần hỗ trợ, những học sinh nào cần nhắc nhở điều chỉnh.

Giáo viên phải hướng dẫn lại đối với một vài học sinh chưa hiểu hoặc chưa có khả năng thực hiện nhiệm vụ. Đối với những học sinh hiểu nhầm hoặc hiểu sai yêu cầu của giáo viên.

Đồng hành, liên tục xác nhân, động viên, ghi nhận, khích lệ, khen thưởng những học sinh đang thực hiện tốt nhiệm vụ.

Hỗ trợ đối với những học sinh đang gặp vướng mắc và khó khăn, khơi thông những vướng mắc vào rào cản để học sinh có thể thực hiện nhiệm vụ tốt nhất có thể.

  1. Suy ngẫm, nhận xét, đánh giá, củng cố, rút kinh nghiệm sau khi thực hiện hoạt động

Cuối cùng, giáo viên cần dành một khoảng thời gian để học sinh suy ngẫm về quá trình thực hiện hoạt động của mình, về những điều học sinh đã học được, về những điều học sinh còn cảm thấy khó khăn, về cách vận dụng, áp dụng trong các trường hợp khác, môn học khác.

Cùng với thời gian suy ngẫm, giáo viên cũng đưa ra các đánh giá, nhận xét, phản hồi về chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của học sinh, để từ đó học sinh rút kinh nghiệm cho những lần thực hiện sau.

Trên đây là các bước cơ bản trong quá trình đưa hướng dẫn khi tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Mỗi khi, học sinh không thể thực hiện các nhiệm vụ mà chúng ta giao, hãy quay trở lại 6 bước cơ bản này, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra cách hướng dẫn hiệu quả hơn.

Nguyễn Hữu Long