Trong dạy học phát triển năng lực, các phương pháp “học tập tích cực” sẽ được áp dụng một cách phổ biến nhằm lôi cuốn sự tham gia của học sinh vào quá trình học tập. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra là bốn lý do và cũng là 4 rào cản phổ biến ngăn cản quá trình tham gia của học sinh vào tiết học. Từ đó, đưa ra các giải pháp giúp học sinh tham gia tích cực và hiệu quả hơn, đồng thời làm cho bài học trở nên sinh động và hấp dẫn.
Nguyên nhân # 1: Nội dung lặp lại
Giải pháp #1: Đánh giá kiến thức nền tảng
Điều này có thể đơn giản như hỏi học sinh, “Các con biết gì về chủ đề bài học?” và viết câu trả lời của học sinh lên bảng. Giáo viên cũng có thể xây dựng một bài kiểm tra nhỏ trước hoặc một sơ đồ nội dung kiến thức… Mục tiêu là tìm ra những gì học sinh đã biết (hoặc nghĩ rằng mình biết) và điều chỉnh nội dung, tiến trình và nhịp độ của bài học sao cho phù hợp và lôi cuốn học sinh
Giải pháp #2: Chia nhóm dựa trên các kĩ năng
Chia lớp học thành các nhóm dựa trên những kỹ năng mà học sinh cần luyện tập – các nhóm này không phải cố định mà có thể được duy trì trong một hoặc hai tiết học, để học sinh có thể tập trung vào những gì chúng thực sự cần giúp đỡ. Giáo viên sẽ dành thời gian để di chuyển giữa các nhóm và đưa ra những công cụ hỗ trợ cũng như những nhận xét, phản hồi cần thiết. Giải pháp này sẽ giúp nhiều học sinh tham gia vào bài học hơn và có thời gian cũng như cơ hội để thực hành tập trung vào một số các kĩ năng cụ thể.
Giải pháp #3: Để học sinh dạy lẫn nhau
Giải pháp này đặc biệt hiệu quả trong các bài ôn tập trước khi kiểm tra. Giáo viên có thể chia lớp thành các nhóm và phát cho mỗi nhóm một chủ đề. Đưa ra một số hướng dẫn, đặt ra một số nguyên tắc và sau đó để học sinh tự dạy lẫn nhau. Khuyến khích học sinh thực hiện các hoạt động thú vị như thiết kế đề kiểm tra, nhận xét phản hồi cho nhau, thiết kế trò chơi để kiểm tra đánh giá, v.v. Sau đó, giáo viên sẽ di chuyển và đánh giá từng nhóm về độ chính xác của nội dung, tính sáng tạo trong cách tiếp cận cũng như mức độ hợp tác làm việc nhóm.
Nguyên nhân #2: Nội dung quá khó
Giải pháp #1: Cho phép học sinh được đặt ra các câu hỏi
Đặt một “hộp câu hỏi” để học sinh có thể gửi câu hỏi hay thắc mắc bất cứ lúc nào. Đưa cho mỗi học sinh một thẻ để học sinh viết các kiến thức và kĩ năng mà chúng đã sử dụng để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Nếu học sinh không có câu hỏi, hãy hướng dẫn học sinh cách viết nhận xét về sản phẩm học tập của mình. Thu thập các thẻ và sử dụng các thẻ này để tạo ra một cuộc thảo luận trong lớp. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra những kiến thức, kĩ năng mà học sinh còn thiếu sót mà học sinh không cảm thấy ngại.
Giải pháp #2: Để học sinh làm việc cùng nhau
Khi học sinh làm các nhiệm vụ học tập trên lớp hoặc trong các bài tập về nhà, hãy cho chúng được làm việc theo cặp đôi. Khuyến khích học sinh thay đổi nếu câu trả lời của bạn mình chưa hoàn toàn chính xác. Khi học sinh hoàn thành hoạt động theo cặp, hãy tổ chức các hoạt động đánh giá trên quy mô toàn lớp. Khi đó học sinh sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi tham gia, bớt cảm thấy lúng túng khi chia sẻ câu trả lời của mình.
Giải pháp #3: Kĩ thuật mảnh ghép
Nếu bạn đang giới thiệu nội dung mới và khó, hãy chia lớp thành các nhóm và yêu cầu mỗi nhóm chỉ tập trung tìm hiểu một phần nội dung trong một khoảng thời gian. Yêu cầu học sinh đọc và tìm hiểu về nội dung được phân công – để trở thành “chuyên gia” của lớp về chủ đề đó. Sau đó, chia lớp học thành các nhóm mới bao gồm một “chuyên gia” về mỗi chủ đề. Yêu cầu các nhóm mới này làm việc cùng nhau để viết một bài luận hoặc hoàn các phiếu học tập về nội dung bài học. Học sinh sẽ học hỏi lẫn nhau trong quá trình này.
Nguyên nhân #3: Có quá nhiều thông tin và quá ít thời gian
Giải pháp #1: Chia nhỏ bài học
Nếu bạn có quá nhiều nội dung phải trình bày trong bài học, hãy cấu trúc lại nội dung bài học. Bạn không được phép nói/giảng liên tục quá 10 – 15 phút. Hãy chia nhỏ các khái niệm, cho học sinh tìm hiểu về lý thuyết và hướng dẫn trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó học sinh cần bắt tay vào thực hiện hoạt động. Cách làm này sẽ tạo điều kiện để học sinh tham gia tích cực hơn đồng thời làm chủ nội dung bài học tốt hơn.
Giải pháp #2: Duy trì sự bận rộn
Đừng cho phép học sinh chỉ ngồi và nghe giáo viên giảng bài. Đừng để học sinh ngồi thiền, mắt nhìn chằm chằm vào không gian khi giáo viên đang chia sẻ nội dung bài học. Hãy cung cấp cho học sinh một hoạt động nào đó để duy trì kết nối. Hãy thử “điền vào chỗ trống” hay ghi chép lại nội dung bài giảng. Giáo viên cũng có thể xóa các từ và cụm từ trong nội dung bài học, biến thành bài tập điền vào chỗ trống, sau đó, yêu cầu học sinh điền các phiếu học tập trong khi giáo viên giảng bài.
Giải pháp #3: Hoạt động dự đoán
Trước khi bắt đầu nội dung bài học, hãy cho học sinh một hoạt động dự đoán. Ví dụ, Bài học hôm nay sẽ học về chủ đề “Biến đổi khí hậu” và yêu cầu học sinh dự đoán những gì giáo viên sẽ nói, hoặc đưa ra một tập hợp các câu đúng / sai và yêu cầu học sinh đưa ra dự đoán của mình. Khi bài giảng kết thúc, hãy tổ chức một hoạt động thảo luận và đánh giá mức độ chính xác của các dự đoán của học sinh.
Nguyên nhân #4: Giáo viên làm chủ tiết học chứ không phải học sinh
Giải pháp #1: Luôn tạo công ăn việc làm cho học sinh
Hãy tưởng tượng lại lớp học của bạn như một không gian mà học sinh lúc nào cũng có công việc để làm, lúc nào cũng bận rộn với các nhiệm vụ, hoạt động. Hãy làm cho các hoạt động “giảng bài” giáo viên nói, học sinh nghe càng ít càng tốt. Hãy xây dựng các phiếu học tập, các hoạt động thảo luận, các dự án nhỏ… Khi đó, giáo viên sẽ di chuyển từ học sinh sang học sinh khác hoặc nhóm này sang nhóm khác để sửa chữa, đánh giá hoặc cung cấp phản hồi.
Giải pháp #2: Sử dụng các hoạt động nhóm
Để học sinh làm việc theo nhóm là một trong những cách tốt nhất để tăng sự tham gia của học sinh. Đừng lúc nào cũng cho học sinh làm việc trong cùng một nhóm cố định – hãy kết hợp các hình thức hoạt động nhóm đa dạng, hãy tạo nên các nhóm linh hoạt dựa trên năng lực, nhu cầu hoặc sở thích của học sinh. Chắc chắn khi đó, học sinh sẽ tham gia tích cực và hiệu quả vào bài học.
Giải pháp #3: Cho học sinh tiếng nói và sự lựa chọn
Học sinh có bao giờ được có “tiếng nói”, được thể hiện quan điểm cá nhân trong lớp học của bạn không? Học sinh sẽ cảm thấy nhàm chán và không muốn tham gia nếu chúng cảm thấy như những ý tưởng của chúng không được coi trọng. Hãy cho học sinh thấy, ý kiến của chúng rất có ý nghĩa và giá trị trong lớp học, chắc chắn chúng sẽ chú ý hơn và phát biểu nhiều hơn trong lớp.
Mặc dù bạn đã áp dụng những kĩ thuật trên, nhưng sẽ luôn có những học sinh không tham gia, thậm chí là làm ngược lại so với những gì mà bạn kì vọng. Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn dừng lại những nỗ lực của mình đúng không? Tôi tin rằng, nếu bạn có đủ sự kiên trì, có đủ nỗ lực, chắc chắn học sinh sẽ có sự thay đổi. Sẽ đến một ngày bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên về những học sinh của mình.
Nếu bạn có thêm những kinh nghiệm khác trong việc lôi cuốn sự tham gia của học sinh trong tiết học, hãy chia sẻ cùng chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.
https://thuviengiangday.com
Tham khảo bộ tài liệu:
1. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC: Ý TƯỞNG VÀ CÔNG CỤ
2. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC: LÝ THUYẾT ĐẾN CÁC BƯỚC THỰC HIỆN