Bạn có nhận thấy, một số học sinh cảm thấy ngại ngùng trước màn hình camera?

Chúng ta đều hiểu mục đích của việc yêu cầu tất cả học sinh cùng bật cam trong tiết học online. Tuy nhiên, ở một góc nhìn nào đó, chúng ta hãy thử cân nhắc xem, liệu việc làm đó có những tác động tiêu cực nào không? Liệu chúng ta có cách nào khác để vẫn thu hút được sự tham gia của học sinh mà không cần yêu cầu học sinh bật cam hay không?

Sự riêng tư

Mỗi học sinh được sinh ra trong một gia đình vời hoàn cảnh cách nhau. Nhiều học sinh có thể cảm thấy “hơi ngại” về điều kiện sống của mình so với các bạn khác trong lớp. Nhiều khi đó không hẳn sự phân biệt giàu nghèo, sự chênh lệch về điều kiện kinh tế mà là do sự xuất hiện của các thành viên trong gia đình hay sự gọn gàng, sạch sẽ. Nhiều học sinh để có được không gian yên tĩnh, có thể học online trong nhà vệ sinh, phòng tắm hoặc tủ quần áo. Nhiều học sinh có khi đang đăng nhập từ một quán café hay một không gian nào đó khác biệt. Những học sinh này đều cảm thấy ngại ngùng trước những câu hỏi, sự tò mò của các bạn trong lớp. Cảm thấy xấu hổ trước những lời nhận xét, bình luận của thầy cô và các bạn.

Tinh thần và cảm xúc của học sinh

Hầu hết học sinh đều đang ở độ tuổi vị thành niên, các em có ý thức rất rõ về bản thân mình và cách mà mọi người đang nhìn mình. Hãy thử tưởng tượng việc, một học sinh bị 40 cái nhìn chằm chằm trong 1 tiết học hay phải đối diện với những nhận xét tiêu cực từ các bạn mình. Cùng với đó, tốc độ của việc yêu cầu đưa ra câu trả lời, sự chờ đợi của các bạn trong lớp sẽ làm cho cảm giác lo lắng và căng thẳng tăng lên. Hiệu ứng gương – khi học sinh có thể nhìn rõ thái độ, cảm xúc của những người khác đối với sự xuất hiện của mình sẽ làm học sinh cảm thấy phân tâm và lo lắng nhiều hơn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sự tham gia của học sinh.

Bộ não con người rất thành thạo trong việc giải mã và tổng hợp các tín hiệu giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để tạo ra một bức tranh giao tiếp hoàn chỉnh. Trong một buổi học online, bộ não bị cản trở khả năng thu thập thông tin này vì nó chỉ có thể nhìn thấy một phần hình ảnh của người đang nói chuyện. Khi đó, bộ não sẽ cố gắng tìm ra cách đọc và giải mã ngôn ngữ cơ thể của những cái đầu ngơ ngác trước mặt nó… Lúc đó, bộ não đơn giản là không thể giải mã và “hiểu” được. Khi bộ não gặp khó khăn trong việc “giải mã” các tín hiệu, chúng sẽ rất nhanh trở nên mệt mỏi. Vì thế, sau một ngày học online, nhiều học sinh (và cả giáo viên) đều cảm thấy mình kiệt sức về tinh thần và thể chất.

Cách thu hút học sinh ngay cả khi tắt camera

  1. Xây dựng mối quan hệ

Trong bất kỳ lớp học nào, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Càng có sự hỗ trợ tích cực, học sinh càng có nhiều khả năng tham gia vào bài học. Trong một lớp học online, hãy sử dụng tàu các hoạt động “khởi động” “phá băng” để làm quen với nhau và tìm ra điểm chung.. Làm cho học sinh cảm thấy hào hứng, thoải mái và tự nhiên, chúng sẽ tự muốn bật camera và tham gia một cách dễ dàng. Một số trò chơi có thể khuyến khích sự tham gia của học sinh như: mảnh ghép, trò đố chữ hoặc kahoot.

 

Bên cạnh đó, hãy xây dựng sự kết nối tích cực bằng cách thiết lập một bộ quy tắc ứng xử. Bằng cách đối thoại trung thực về những gì được mong đợi và trách nhiệm mà mọi người phải thực hiện, tất cả các thành viên trong lớp sẽ cùng nhau tạo dựng một môi trường học tập an toàn (ngay cả một môi trường ảo). Để phát huy hơn nữa vai trò của những mối quan hệ này, hãy yêu cầu học sinh được lựa chọn những người mà chúng muốn làm việc cùng trong các nhóm. Điều này nhằm hai mục đích: tăng sự lựa chọn của học sinh, từ đó có thể tăng khả năng sử dụng camera để tham gia và nó có thể cho phép giáo viên xác định những học sinh có kĩ năng giao tiếp tốt, những học sinh có khả năng tham gia tích cực để khuyến khích những học sinh khác bật camera.

Nếu một số học sinh vẫn chống lại việc bật camera, giáo viên nên đồng cảm và cố gắng hiểu những rào cản mà học sinh đang phải đối mặt. Bằng cách nhận từng học sinh vào lớp thông qua phòng chờ ảo, giáo viên có một chút thời gian để củng cố mối quan hệ tích cực và hỏi xem học sinh có cảm thấy thoải mái khi tiếp tục bật camera hay không? Nếu không, giáo viên có thể cảm ơn những học sin này và cho phép chúng bật tính năng này để nói xin chào và tắt camera đi.

  1. Bật camera đối với các bài tập tùy chọn

Khuyến khích sự tham gia bằng cách cung cấp các bài tập/hoạt động cho phép học sinh tùy chọn bật camera. Một cách để kết hợp sự lựa chọn của học sinh là giao các dự án nhóm nhỏ trong đó học sinh có thể quyết định cách cộng tác dựa trên tài liệu được chia sẻ, trò chuyện video, nhắn tin, v.v. Thay vì yêu cầu tất cả học sinh bật camera liên tục trong cuộc họp lớp, giáo viên có thể thử tổ chức các buổi hội thảo Socrate trong đó “vòng trong” bật camera trong khi phần còn lại của lớp bình luận và phê bình thông qua chức năng trò chuyện khi tắt camera.

  1. Sử dụng nhiều loại công cụ

Lời biện minh thường được sử dụng nhất cho việc bắt buộc học sinh bật camera là giáo viên không thể “nói” nếu học sinh đang tắt camera. Điều khó khăn là làm thế nào để khi bật camera, học sinh vẫn có thể thoải mái như khi ngồi trong lớp học thông thường. Hãy sử dụng nhiều công cụ khác nhau để đảm bảo rằng tất cả học sinh đều tham gia vào quá trình học tập.

Trong khi tiến hành hoạt động đánh giá, hãy sử dụng các công cụ thăm dò ý kiến trực tuyến như Poll Everywhere, Mentimeter hoặc Micropoll hoặc các trò chơi học tập như Kahoot, GimKit hoặc Quislet Live. Các phản hồi nhanh, tự do cũng có thể được đưa ra thông qua các tính năng trò chuyện và thăm dò ý kiến được tích hợp trong các phần mềm dạy và học onine. Một số tính năng bổ sung như PearDeck hoặc Nearpod có thể được sử dụng để tạo ra sự tương tác. Lợi ích của các công cụ này là giáo viên có thể lên  kế hoạch trước và có bằng chứng về sự tham gia của từng học sinh sau khi lớp học kết thúc.

  1. Ghi trước video sản phẩm học tập

Một cách khác để cho phép học sinh lựa chọn khi học online là cho phép học sinh được quay trước các video để trả lời các câu hỏi hay hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Giáo viên sẽ giao các nhiệm vụ, đưa hướng dẫn, học sinh sẽ hoàn thành nhiệm vụ và chủ động quay lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình và chia sẻ với giáo viên (hoặc cả lớp). Flipgrid là một công cụ trong đó học sinh ghi lại các video phản hồi ngắn có thể được chia sẻ với cả lớp mà giáo viên vẫn có thể theo dõi được.

Bạn hãy tưởng tượng đến một lớp học thông thường, khi một người giáo viên “độc đoán” lúc nào cũng bắt học sinh phải nhìn chằm chằm vào mình – mắt ngay cổ thẳng, miệng ngậm tự nhiên, liệu đó có phải là điều quá đáng? Liệu đó có phải là sự thất bại của phương pháp và sự lạm dụng “quyền lực hợp pháp” quá mức? Nếu vậy, các thầy cô hãy thử cân nhắc xem, liệu có cách nào khác để học sinh cảm thấy thoải mái hơn khi bật camera khi học online không? Nếu thầy cô chịu khó suy nghĩ và tìm kiếm, tôi tin là thầy cô sẽ có cách riêng của mình.

Táo Giáo Dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *