Có nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy học sinh trong lớp học mà bạn cần quan tâm. Dưới đây là ba kỹ thuật để thúc đẩy học sinh học tập một cách có động lực.

  1. Để học sinh tự đặt mục tiêu

Điều bạn muốn làm trong cuộc sống là gì? Những điều bạn ưu tiên là gì? Nếu bạn không xác định được điều mình muốn làm, điều gì là quan trọng nhất bạn sẽ rất khó để hoàn thành được các chúng. Điều này cũng giống như khi chúng ta đặt ra tất cả các mục tiêu cho lớp học. Vâng, chúng ta có thể biết rất rõ những gì học sinh cần đạt và cách hoàn thành những mục tiêu đó. Nhưng học sinh cũng muốn có tiếng nói của chính chúng. Khi chúng ta để học tự thiết lập các mục tiêu, chúng sẽ có động lực hơn.

Bạn cũng không phải làm cho việc thiết lập mục tiêu của học sinh trở nên phức tạp. Đơn giản như công thức K / W / L ở đầu mỗi bài học sẽ cung cấp cho học sinh một cái nhìn rõ nét về những gì chúng cần phải đạt vào cuối giờ.

Khi bắt đầu mỗi bài học, hãy dành thời gian để học sinh suy nghĩ về những gì chúng đã biết về chủ đề này. Cho học sinh viết vào các tờ giấy note hoặc viết trực tiếp trên đầu bảng hoặc viết vào các mảnh giấy có chia thành ba cột. Ở K (Know – biết) học sinh viết về những gì chúng đã biết liên quan đến “núi lửa” chẳng hạn? Quá trình này sẽ khiến học sinh suy nghĩ về các khái niệm đã biết. Sau đó, chuyển sang cột thứ hai W (Want to know – muốn biết). Đây là một cách tinh tế để học sinh đặt mục tiêu của riêng chúng. Bạn sẽ biết những gì học sinh muốn học, và bạn có thể giúp học sinh trả lời được câu hỏi của riêng chúng. Khi bài học kết thúc, bạn cho học sinh điền vào cột cuối cùng L (Learnt – đã học được). Đây là thời điểm tốt để xem mức đọ nắm kiến thức và tôn vinh nỗ lực của người học.

Có nhiều cách tốt hơn để cho học sinh đặt mục tiêu cho bản thân. Hãy thử phỏng vấn học sinh để tìm hiểu những gì học sinh muốn làm, những chủ để học sinh muốn học hoặc yêu cầu học sinh chia sẻ mục tiêu học tập theo cách khác.

  1. Cung cấp thông tin phản hồi thay vì điểm số

Gần đây tôi đã đọc một kết quả nghiên cứu so sánh ba cách khác nhau để đánh giá học sinh. Một nhóm chỉ nhận được các phản hồi mà giáo viên không cho điểm (cho đến khi dự án hoàn thành). Phản hồi bao gồm những gì học sinh đang làm tốt và cách học sinh có thể cải thiện, sửa chữa. Nhóm thứ hai có phản hồi và có cho điểm. Các phản hồi, giống như nhóm đầu tiên, bao gồm các ý kiến ​​về những gì học sinh đang làm tốt và cách để cải thiện. Nhóm thứ ba chỉ được điểm mà không có bất kì phản hồi hay nhận xét nào khác.

Các học sinh trong nhóm đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ học tập ở mức cao hơn nhiều so với các nhóm khác. Và điều thú vị là nhóm vừa có phản vừa có điểm số đã làm tốt hơn nhóm chỉ có điểm. Nghiên cứu tiếp tục cho chúng ta đi đến kết luận rằng điểm số không thúc đẩy học sinh học tập tốt hơn.

Điều này cho thấy rằng động lực tốt nhất là động lực học tập bên trong. Học sinh muốn học và thực hiện các bước để cải thiện bản thân;

Để thúc đẩy học sinh, hãy thử đưa ra các nhận xét định kỳ trong đó bạn không cho điểm. Học sinh vẫn sẽ biết những gì chúng đã làm đúng và những gì chúng sai, và cho học sinh gợi ý những cách để cải thiện.

Nếu bạn đang thực hiện một dự án dài hơi hơn như báo cáo nghiên cứu, bài trình chiếu hoặc thuyết trình, hoặc đọc một cuốn tiểu thuyết, thay vì cho điểm, hãy thảo luận với học sinh về những gì học sinh đang làm tốt và những điểm cần cải thiện khi học sinh hoàn thành dự án. Vào cuối dự án, có một hoạt động tổng kết với mỗi học sinh và hỏi chúng xem chúng đã học được những gì. Nếu không, khuyến khích học sinh suy nghĩ về các khía cạnh của việc học, học sinh sẽ nhanh chóng mất đi động lực thực sự của việc học.

  1. Lắng nghe những suy nghĩ của học sinh, ngay cả khi đó là về việc giảng dạy của bạn

Có thể khó để kiên nhẫn lắng nghe học sinh nói, nhất là khi chúng kêu ca phàn nàn hoặc chê bai tiết dạy của giáo viên. Tuy nhiên, hãy thử cho học sinh cơ hội để có tiếng nói về cách thức và những nội dung mà học sinh muốn học.

Một số lớp thích học thông qua các trò chơi. Những người khác lại thích được xem các bộ phim. Một số học sinh lại muốn làm việc độc lập hoặc làm việc với các hướng dẫn online. Hãy cho học sinh của bạn một cách thức để nói lên điều chúng muốn, sẽ khiến chúng yêu thích việc học hơn.

Một cách đơn giản là có một “chiếc hộp gợi ý” để học sinh có thể viết ra những gợi ý cho những nội dung chúng muốn học, những hoạt động chúng thích hoặc không thích, và những điều chúng muốn trong tương lai. Nếu bạn muốn làm điều này nghiêm túc hơn, hãy làm một cuộc khảo sát định kỳ và yêu cầu học sinh trả lời từng câu hỏi đó. Có thể trong giờ sinh hoạt, hãy thảo luận trên lớp về những gì học sinh cảm thấy đang hiệu quả, và ghi chú lại những gì học sinh nói. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, hãy chuyển sang những điều mà học sinh cảm thấy không tốt. Một lần nữa, hãy viết tất cả xuống. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh công việc giảng dạy cho phù hợp hơn với học sinh.

Thúc đẩy động lực học tập của học sinh không phải là điều dễ dàng nhưng nó là điều bắt buộc nếu chúng ta muốn học sinh thực sự HỌC.

Khi học sinh được thúc đẩy từ bên trong chứ không phải bằng điểm số hay thậm chí là sự trừng phạt, học sinh sẽ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động học tập, chịu trách nhiệm về việc học, cảm thấy rằng mình có thể thành công và cố gắng nhiều hơn nữa. Hãy thử một trong số những kỹ thuật này và bạn sẽ thấy được sự thay đổi của học sinh.

SUSAN VERNER 

https://thuviengiangday.com dịch