Bạn đặt một câu hỏi, cả lớp đồng thanh hô: Dạ có ạ, Đúng ạ, Sai ạ!. Bạn rát cổ bỏng họng để giải thích để đưa câu hỏi, còn học sinh thì nói những câu trả lời cộc lốc, gọn lỏn… Đó hẳn không phải là điều gì đó xa lạ trong lớp học của bạn? Nguyên nhân là do đâu? Nó xuất phát từ chính những câu hỏi mà bạn đặt ra cho học sinh của mình ở trên lớp – những câu hỏi đóng! Liệu bạn có thường xuyên đặt ra các câu hỏi loại đó? Làm thế nào để thay đổi được cách đặt câu hỏi? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn những gợi ý hữu ích.

Trong quá trình dạy học, ngoài việc giúp học sinh hiểu được nội dung kiến thức của bài, chúng ta mong muốn học sinh có thể mở rộng câu trả lời, diễn đạt một cách trôi chảy, mang tính học thuật. Chúng ta không thể đánh giá được năng lực ngôn ngữ, khả năng trình bày cũng như mức độ nắm kiến thức của người học khi học sinh chỉ nói những từ đơn, gọn lỏn và cộc lốc. Đó là lý do tại sao cần đặt ra các câu hỏi mở cho học sinh. Những câu hỏi đòi hỏi học sinh phải nói nhiều hơn là chỉ “có” hoặc “không”. Những loại câu hỏi này khiến học sinh nói, sử dụng các thuật ngữ mà chúng mới học được, diễn đạt theo một cách chuyên nghiệp hơn.

Tại sao bạn nên tránh những câu hỏi đóng?

Câu hỏi đóng có gì sai? Thưa rằng, nó không có gì sai, cũng chẳng phải vấn đề gì ghê gớm quá mức. Nhưng những câu hỏi kết thúc mở luôn là lựa chọn tốt hơn, và đây là lý do tại sao:

1.1 Yêu cầu câu trả lời dài hơn

Câu hỏi đóng sẽ được câu trả lời có dạng “có / không” “Đúng/sai” có câu hỏi. Đó là tất cả những gì giáo viên sẽ nhận được từ học sinh. Trong khi chúng ta muốn học sinh phải nói câu dài, phải biết sắp xếp ý tưởng, phải biết cách sử dụng những cấu trúc câu, những phong cách diễn đạt theo văn phong học thuật.

1.2 Cho phép câu trả lời sáng tạo hơn

Câu hỏi đóng còn là những câu hỏi với đáp án cố định, chính xác. Nó bị giới hạn số câu trả lời. Câu hỏi kết thúc mở cho phép học sinh nhiều cơ hội hơn để chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng cá nhân. Nó cho phép học sinh có được những câu trả lời sáng tạo hơn. Học sinh sẽ không phải trả lời những điều đơn giản kiểu như: Bầu trời có màu xanh phải không? hay Điều này đúng hay sai?… mà phải tư duy: Bầu trời có thể có những màu sắc nào? Trong những trường hợp nào?…

1.3 Phát triển ngôn ngữ

Các câu hỏi mở rất tốt cho việc phát triển ngôn ngữ của học sinh. Ngôn ngữ đó có thể là các từ mới (trong tiếng Anh) hoặc các từ chuyên ngành (trong các môn học khác) hoặc một cấu trúc ngữ pháp cụ thể. Bạn đưa ra các câu hỏi kết thúc mở để xem năng lực ngôn ngữ mà học sinh sử dụng mà không cần phải qua một bài kiểm tra. Từ đó hiểu chính xác hơn về mức độ nắm kiến thức cũng như năng lực tư duy của người học.

1.4 Tham gia, chứ không dừng lại ở quan sát

Câu hỏi đóng là những câu hỏi ngắn và thường chỉ yêu cầu một học sinh trả lời. Câu hỏi kết thúc mở vượt xa điều đó. Nó cho phép nhiều học sinh có cơ hội để chia sẻ ý tưởng và đóng góp cho cuộc thảo luận trong lớp. Nó cũng dành chỗ cho những ý kiến ​​khác nhau giữa các học sinh. Việc học sinh được trao đổi, thảo luận với nhau ở cùng một chủ đề là phương pháp học tập hiệu quả. Bằng cách này, học sinh tham gia vào cuộc thảo luận nhiều hơn, chứ không dừng lại ở việc ngồi yên và quan sát các bạn.

  1. Làm thế nào để bạn tránh các câu hỏi đóng?

Chắc hẳn bạn đã đồng ý với tôi rằng các câu hỏi kết thúc mở thường có giá trị hơn các câu hỏi đóng. Nhưng làm thế nào để giáo viên biết rằng họ đang hỏi đúng câu hỏi trong lớp? Dưới đây là một số mẹo để đảm bảo bạn đang sử dụng hiệu quả từng câu hỏi trên lớp”

2.1 Đừng sử dụng câu hỏi kết thúc bằng từ “không?”

Bạn không nên sử dụng các câu hỏi có – không, những câu hỏi dạng như “Amstrong là người đầu tiên bay lên mặt trăng có phải không?” “Hình vuông có hai đường chéo vuông góc có đúng không?”… Hãy đặt những câu hỏi bắt đầu bằng “tại sao” “như thế nào” “tưởng tượng” “dự đoán”… Hay tối thiểu bạn cũng nên đặt các câu hỏi có dạng: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào. Học sinh sẽ phải tư duy và trả lời nhiều hơn một từ đơn.

2.2 Tránh những câu hỏi như “Con có hiểu không?

Tránh hỏi học sinh những câu hỏi như “Các con có hiểu không?” Những câu hỏi này ít khi khiến học sinh phải suy nghĩ. Học sinh có thể không hiểu câu hỏi và do đó không thể đưa ra một câu trả lời chính xác. Ngoài ra, học sinh có thể hiểu những gì bạn đã nói nhưng chúng không thể tự sử dụng được cách diễn đạt mang tính học thuật.

2.3 Tránh những câu hỏi quá đơn giản

Tránh hỏi những câu hỏi quá đơn giản có sẵn trong sách giáo khoa và học sinh chỉ việc đọc lại hoàn toàn một nội dung nào đó. Ngay cả khi các câu hỏi này bắt đầu với cụm từ: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao hoặc như thế nào, các câu hỏi này vẫn chỉ có một đáp án cố định và học sinh vẫn thường trả lời bằng một từ. Thay vào đó, hãy thử đặt câu hỏi có nhiều hơn một câu trả lời đúng. Ví dụ như: Điều gì góp phần gây ô nhiễm không khí? thay vì câu hỏi “Ô tô có gây ô nhiễm không khí không? Thậm chí tốt hơn, hãy đặt những câu hỏi sẽ phân hóa được mức độ nhận thức ​​trong câu trả lời. Ví dụ, “các biện pháp tốt nhất để ngăn chặn những người trẻ tuổi hút thuốc là gì?”

2.4 Cố gắng không đặt câu hỏi

Bạn không nghe nhầm đâu. Hãy cố gắng không hỏi một câu hỏi nào mà thay vào đó, hãy bắt bằng một câu mệnh lệnh “Cô muốn cả lớp suy nghĩ và cho cô biết…”. Những cụm từ này sẽ khiến học sinh phải suy nghĩ và có trách nhiệm nhiều hơn với câu hỏi. Nếu bạn vẫn chưa nhận được câu trả lời chính xác, hãy yêu cầu học sinh tiếp tục giải thích rõ hơn.

2.5 Thời gian chờ đợi

Đôi khi học sinh từ chối trả lời, nói rằng “con không biết” hay “dạ vâng” chỉ vì chúng không có đủ thời gian để suy nghĩ hay cảm thấy không có trách nhiệm trong việc phải đưa ra một câu trả lời dài. Hãy dành cho học sinh thời gian suy nghĩ dài hơn, hãy để học sinh phải sắp xếp ý tưởng để đưa ra một câu trả lời tốt. Đó là cách hiệu quả để học sinh tránh những câu trả lời dạng có/không.

Nếu bạn luôn nghĩ rằng câu hỏi là yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học. Nếu bạn cho rằng, câu hỏi mở sẽ mang lại hiệu quả trong việc giúp học sinh tư duy và phát triển năng lực ngôn ngữ, thì từ bây giờ, hãy thay đổi thói quen. Hãy lựa chọn những câu hỏi mở hiệu quả để thay thế cho những câu hỏi đóng mà bạn đã từng sử dụng trước đây. Tôi chắc chắn rằng, kết quả sẽ khiến cho bạn phải ngạc nhiên.

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nó đến với các đồng nghiệp và những người đang làm công việc giảng dạy. Hãy nói cho chúng tôi biết về việc đặt câu hỏi của bạn đã thay đổi như thế nào trong phần bình luận bên dưới.

SUSAN VERNER

https://thuviengiangday.com dịch