Tôi đã chứng kiến rất nhiều thành công trong mô hình học tập truyền thống và trở nên mệt mỏi với những nỗ lực thay đổi cách tiếp cận. Nhưng cho đến khi bắt đầu làm việc tại Trường tiểu học Red Bank, tôi ngay lập tức nhận ra rằng các học sinh ở đây có sự khác biệt rất lớn. Chúng là những học sinh luôn tích cực và chủ động với việc học của bản thân. Chúng luôn hào hứng và có động lực học tập. Đó là những gì tôi chưa từng thấy trước đây. Vâng, tôi đã từng thành công trong việc đào tạo ra những học sinh đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, và tôi băn khoăn, liệu những điều tôi đã làm trước kia có thực sự là thành công? Tôi bắt đầu nghĩ về tất cả những học sinh mà tôi đã dạy trước đây và nhận ra, những khoảng trống trong học tập. Tôi đặt câu hỏi, rằng tôi đã làm gì? hay chí ít là đã nỗ lực như thế nào để khỏa lấp những khoảng trống đó? Tôi nghĩ về những học sinh đạt điểm cao, nhưng điểm cao rồi sao nữa? làm thế nào tôi có thể giúp học sinh của tôi đi xa nhất có thể trong quá trình học tập? Mặc dù tôi mong muốn có một phương pháp giảng dạy phù hợp cho tất cả học sinh và thích nghi với các phong cách học tập khác nhau, nhưng thực sự tôi vẫn cảm thấy mình chưa làm được điều đó.

Sau khi nghiên cứu về dạy học phát triển năng lực và nghe những câu chuyện khó tin về thành công của học sinh, tôi đã quyết định thay đổi tất cả. Tôi chưa bao giờ hình dung rằng, dạy học phát triển năng lực đã làm thay đổi cách tiếp cận của tôi về dạy học đến như thế.

Dạy học phát triển năng lực là phương pháp thực hành giảng dạy tốt nhất. Nó giúp giáo viên đáp ứng nhu cầu của từng học sinh. Mặc dù có thể rất khó khăn và suy nghĩ một cách logic để có thể đạt hiệu quả trong việc đáp ứng các phong cách, tốc độ và nhu cầu học tập của mỗi đứa trẻ, nhưng đó thực sự là cách hiệu quả nhất để đảm bảo rằng mọi trẻ em đều tận dụng tối đa thời gian trong lớp học.

Điểm tương đồng và khác biệt trong mô hình dạy học phát triển năng lực so với mô hình học tập truyền thống:

Giống như mô hình học tập truyền thống, dạy học phát triển năng lực tập trung vào các năng lực cụ thể. Sự khác biệt đến từ mô hình truyền thống thường tập trung dạy theo một cách, với một kết quả đầu ra cho tất cả các đối tượng học sinh. Kết quả học tập sẽ được đánh giá trong một bài kiểm tra duy nhất. Học sinh được cho điểm số để đánh giá mức độ làm chủ kiến thức.

Tuy nhiên, day học phát triển năng lực lại tạo ra những lộ trình học tập khác nhau cho từng đối tượng học sinh. Như chúng ta đã biết, các mục tiêu của chương trình được tạo ra để tạo điều kiện cho một đứa trẻ học tập. Trong một hệ thống dạy học phát triển năng lực, các đánh giá được tiến hành thường xuyên bằng nhiều công cụ khác nhau và dựa trên những mục tiêu có thể đo lường được. Các đánh giá theo cách này làm cho việc học trở nên minh bạch và cho phép học sinh và giáo viên xác định những bước tiếp theo trong quá trình học tập. Khi một học sinh thể hiện sự thành thạo trong một số kĩ năng/năng lực, chúng mới tiếp tục chuyển sang các lớp tiếp theo. Học sinh phải thực sự làm chủ được những nội dung đã học.

Nếu một giáo viên chưa bao giờ làm việc trong một mô hình giáo dục tương tự có thể đặt ra câu hỏi về vấn đề nhịp độ học tập? Liệu rằng những học sinh kém hơn có bị tụt lại phía sau so với các học sinh khác? Câu trả lời là không, nếu giáo viên duy trì kỳ vọng cao và khuyến khích học sinh đặt các mục tiêu SMART (Cụ thể, Đo lường được, Có thể đạt được, phù hợp và giới hạn thời gian). Lý tưởng nhất là tất cả học sinh đạt được tiến bộ theo nhịp độ của giáo viên hoặc nhanh hơn. Quản lý một lớp học với những học sinh có nhịp độ học tập khác nhau dường như là điều không thể, nhưng nó sẽ trở thành hiện thực khi học sinh có quyền sở hữu việc học tập của bản thân.

Đầu tiên, giáo viên phải phân tích dữ liệu học sinh từ năm học trước. Dữ liệu này có thể bao gồm các điểm kiểm tra hoặc các sản phẩm học tập. Giáo viên sẽ xác định điểm đầu vào phù hợp trong quá trình học tập cho mỗi học sinh và thiết lập các lộ trình học tập riêng. Điều quan trọng là giáo viên giúp học sinh nhận ra nhịp độ học tập của bản thân mình. Mục tiêu là để học sinh duy trì tốc độ phù hợp và tiếp cận từng mục tiêu cho đến khi hoàn thành tất cả các mục tiêu mà giáo viên đưa ra.

Công nghệ phải được triển khai một cách đồng bộ để giúp học sinh duy trì và kiểm soát được tốc độ mà giáo viên đặt ra cho mỗi học sinh. Giáo viên phải tạo ra các lộ trình học tập có hệ thống để học sinh tuân theo để có được sự cân bằng trong các nhóm học tập và đảm bảo hiệu quả trong thời gian giảng dạy trực tiếp trên lớp. Mỗi lộ trình học tập được lên kế hoạch trước và dựa trên một bộ mục tiêu học tập cụ hể cho từng chủ đề hoặc bài học. Những lộ trình học tập này có thể bao gồm các bài học đi kèm với các video hỗ trợ, các tài liệu đọc thêm, thời gian thực hành, bài tập luyện tập yêu cầu học sinh phải thể hiện năng lực của bản thân. Điều cần thiết là học sinh trở nên thành thạo trong việc làm chủ việc học của chính mình. Việc học phải hoàn toàn minh bạch. Học sinh cần có khả năng xác định các mục tiêu học tập cụ thể mà chúng đang thực hiện, cách chúng sẽ tiếp cận việc học và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong quá trình học.

Dạy học phát triển năng lực hỗ trợ nhiều đối tượng học sinh: những học sinh xuất sắc, những học sinh cần nhiều thời gian hơn, cũng như những học sinh có tiến bộ ổn định. Điều quan trọng là phải hiểu rằng không phải tất cả học sinh đều tiến bộ với cùng một tốc độ. Ngay cả khi có những công cụ hỗ trợ hoàn hảo cũng không thể đảm bảo chắc chắn rằng tất cả những học sinh gặp khó khăn sẽ bắt kịp. Mục tiêu cuối cùng là thu hẹp khoảng cách giữa các học sinh tồn tại trong quá trình học tập và nỗ lực trong cách tiếp cận. Đồng thời, giáo viên phải nhận thức được khi nào việc học của học sinh bị sa sút, đình trệ và thúc đẩy học sinh tiến lên trong quá trình học tập.

Ví dụ, một học sinh đã đạt và vượt các mục tiêu mà giáo viên đã đặt ra trong lộ trình học tập, giáo viên sẽ chuyển học sinh đó lên một nhóm mới hoặc một lớp cao hơn để học sinh đó không cảm thấy việc học là quá dễ.

Công việc của giáo viên trong mô hình dạy học phát triển năng lực so với dạy học truyền thống

Cụm từ mà giáo viên ghét phải nghe nhất là khối lượng công việc nhiều hơn. Tôi muốn lập luận rằng dạy học phát triển năng lực không phải là công việc nhiều hơn. Đây là yêu cầu để giáo viên được tổ chức tốt, luôn luôn theo dõi nhịp độ của việc học của mỗi học sinh. Trong toàn trường, các giáo viên hợp tác và xác định từng nhu cầu của học sinh, không chỉ trong lớp học mà còn ở cả cấp lớp. Giáo viên gặp gỡ thường xuyên để thảo luận về sự tiến bộ của học sinh và chịu trách nhiệm về việc học của chúng. Đôi khi, giáo viên từ các lớp gặp nhau để xác định năng lực học sinh đang ở mức trên hoặc dưới nhịp độ chung của cấp lớp và xác định phương pháp tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó. Lý tưởng nhất, mục tiêu học tập đã chuyển từ điểm số và cấp lớp sang tập trung vào sự tiến bộ và khả năng làm chủ quá trình học tập.

Để tạo dựng một môi trường học tập như vậy là một quá trình, nó không thể xảy ra trong một đêm. Nó đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực ngay từ đầu năm học, tập trung vào tầm nhìn chung của lớp học, tầm nhìn chung của toàn trường và quy tắc hợp tác. Dạy học phát triển năng lực có thể hơi khác so với dạy học truyền thống, nhưng về bản chất, các nguyên tắc cơ bản là giống nhau. Điểm khác biệt lớn nhất chỉ là việc trao quyền cho học sinh để chúng sở hữu việc học tập của bản thân.

Lauren Vann và John Paul Sellars

https://thuviengiangday.com dịch