Bạn có nhớ ngày đầu tiên đi làm ở trường mới không?

Cho dù ban giám hiệu và giáo viên đồng nghiệp của bạn có thân thiện và gần gũi đến đâu, bạn vẫn có một vài khoảnh khắc bối rối.

Nhưng thật đáng buồn, nếu bạn không nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Nó sẽ khiến cho mọi thứ diễn ra không hề suôn sẻ chút nào – và thậm chí có thể dẫn đến một số tình huống thật tồi tệ.

Thành công của trường học dựa trên thành công của giáo viên. Và điều này chỉ có được khi giáo viên nhận được sự hỗ trợ. Dưới đây là một số gợi ý dành cho ban giám hiệu để giúp đỡ và hướng dẫn giáo viên mới.

8 CÁCH HỖ TRỢ GIÁO VIÊN MỚI TRONG TRƯỜNG CỦA BẠN

  1. Giáo viên mới cần một người cố vấn

Thực tế đã chứng minh vai trò của một giáo viên cố vấn là vô giá đối với các giáo viên trẻ trong năm đầu tiên đi dạy tại một trường học mới.

Tôi sẽ không thể sống sót trong năm đầu tiên đi dạy mà không có người cố vấn. Cô đưa tôi đi tham quan các lớp học, chỉ cho tôi thấy những việc phải làm, dạy tôi cách thực hiện kế hoạch bài học, làm thế nào để hỗ trợ học sinh và làm thế nào để có thể sống sót qua những ngày làm việc kiệt sức.

Giáo viên cố vấn của tôi đã nhắc nhở tôi về các cuộc họp giáo viên, các deadline, đưa ra lời khuyên về cách xử lý các vấn đề kỷ luật và cho tôi biết làm sao để làm việc hiệu quả với phụ huynh. Quan trọng nhất, cô đã ở đó bất cứ khi nào tôi có câu hỏi, hướng dẫn tôi và thúc đẩy tôi tiếp tục cố gắng.

Nếu trường của bạn không có sự phân công người cố vấn, hướng dẫn, hãy bắt đầu đề nghị với ban giám hiệu về việc đó. Hoặc chủ động tìm kiếm một người mà bạn thấy đủ sự tin tưởng.

  1. Truyền đạt các quy định của trường và đặt ra những kỳ vọng rõ ràng

Giáo viên phải đối mặt với vô số vấn đề trong suốt năm học. Nếu không có những kỳ vọng rõ ràng, giáo viên có thể xử lý sai các hồ sơ, bỏ qua các quy trình, kế hoạch bài học và đánh giá sai vào sổ điểm điện tử.

Ban giám hiệu và giáo viên cố vấn có thể giúp giáo viên mới tránh các vấn đề như vậy bằng cách cung cấp cho mỗi giáo viên mới một cuốn sổ tay.

Hãy giúp giáo viên mới biết về cách thức và phương tiện giao tiếp trong trường: email, văn bản hay trực tiếp?

Giáo viên cần biết làm thế nào để xử lý các vấn đề kỷ luật của học sinh sau giờ học mà không lấn sang giờ ăn của học sinh. Khi nào thì phải cho học sinh ra khỏi lớp, khi nào thì không được phép làm như vậy…

Những điều đơn giản này lại chính là điều mà các giáo viên mới cần nắm vững ngay khi mới vào trường.  Và nếu trường học không có những công cụ giúp họ nhận thức được điều này, sẽ khó mà mong đợi giáo viên làm việc hiệu quả mà không gặp khó khăn nào.

  1. Giúp giáo viên mới nắm được các “quy ước riêng” của trường

Một giáo viên đã mô tả về trường hợp, lớp học của cô là lớp duy nhất không tham dự buổi chào cờ. Lý do vì trường học đó có “quy ước riêng” là tiến hành tiết chào cờ vào sáng thứ 2 cuối cùng trong tháng. Trong khi giáo viên đó lại không nhận được thông báo qua email từ hiệu trưởng.

Ban giám hiệu hoặc các giáo viên cố vấn có thể giúp giáo viên mới theo kịp những gì đang diễn ra trong trường bằng việc cung cấp đầy đủ các “quy ước” lịch trình của các hoạt động có sẵn và lặp đi lặp lại. Nếu có một sự kiện mới phát sinh, ngoài việc liên hệ qua email, ban giám hiệu cần gặp trực tiếp để truyền đạt thông tin.

  1. Hãy biến việc dự giờ trong tiết học đầu tiên trở thành một sự hỗ trợ

Việc một hiệu trưởng đến lớp và dự giờ sẽ khiến bạn lo lắng đến phát hoảng. Tại sao cô ấy ở đây? Tại sao cô ấy lại vào trong lớp? Tại sao cô lại xem vở ghi học sinh? Cô ấy đang đánh giá tiết dạy của mình,…!

Hãy làm cho giáo viên cảm thấy bớt đi sự căng thẳng bằng cách hỗ trợ hơn là đánh giá. Hãy nhơ rằng, các giáo viên mới luôn cần có sự hướng dẫn.

Làm dịu tâm trí của giáo viên bằng cách đầu tiên đến thăm lớp học của họ như những người ủng hộ, không phải người đánh giá.

  1. Trao đổi với giáo viên mới một cách chuyên nghiệp

Nếu bạn quan tâm đến các vấn đề của giáo viên mới và cùng họ ngồi lại thảo luận và tìm cách giải quyết, bạn sẽ tạo ra một môi trường hợp tác hiệu quả.

Giáo viên mới cảm thấy an tâm khi họ có thể tự do đặt câu hỏi.

Giao tiếp là điều cần thiết đối với giáo viên mới, khi được giao tiếp, các giáo viên mới sẽ cảm nhận được sự chia sẻ và đồng hành.

  1. Tổ chức các khóa đào tạo trước khi năm học bắt đầu

Một ngày trước khi chính thức bắt đầu năm học, hãy tổ chức một khóa đào tạo giáo viên mới. Tại khóa đào tạo này, các giáo viên mới có thể gặp nhau. Từ đó, vun đắp các mối quan hệ và cùng nhau thành công.

Các chủ đề liên quan đến giáo viên mới: thời gian chuông báo hết giờ, các quy trình, các nhiệm vụ đánh giá học sinh, lịch học và ngày trả lương – đó là những điều quá quen thuộc với giáo viên cũ nhưng lại là những điều rất cần thiết cho giáo viên mới.

  1. Thực hiện các cuộc họp đúng giờ và có mục đích

Thời gian là tài nguyên quý giá nhất của giáo viên.

Giáo viên cảm thấy có giá trị và đánh giá cao ban giám hiệu khi các cuộc họp diễn ra theo kế hoạch. Nếu các cuộc họp luôn bắt đầu muộn và kết thúc muộn, điều này sẽ truyền đi thông điệp về sự thiếu chuyên nghiệp và khiến giáo viên cảm thấy không được tôn trọng.

Các cuộc họp cũng phải phục vụ một mục đích cụ thể. Giáo viên nên biết lý do tại sao họ cần có mặt trong cuộc họp, lý do gì khiến họ phải hy sinh thời gian cá nhân để tham gia cuộc họp.

Hãy đảm bảo rằng bạn cung cấp cho giáo viên mới những thông tin cần thiết để họ có thể hiểu được những nội dung đang diễn ra. Tránh những cách nói như “mọi việc vẫn như lần trước nhé các thầy cô”. “Lần trước” và “năm ngoái” các giáo viên mới chưa có ở đây và họ sẽ không thể hiểu được.

Các cuộc họp được lên kế hoạch cẩn thận, có tính mục đích nhằm lôi cuốn sự tham gia của giáo viên, thúc đẩy họ trong việc thể hiện quan điểm.

  1. Giúp các giáo viên mới có thông tin về lớp học sớm

Giúp giáo viên mới chuẩn bị tốt cho lớp học trước ngày đầu tiên của năm học mới. Bất kể trình độ, kinh nghiệm và năng lực của họ, những giáo viên mới sẽ phải thực hiện theo những quy định của trường.

Đối với những giáo viên mới, nên tránh phải nhận những lớp có nhiều học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Điều này có thể khiến họ cảm thấy hoang mang và kiệt sức.

Sau đó, các giáo viên mới cần được nắm được các thông tin ‘đặc biệt’ về y tế của học sinh. Điều này sẽ giúp họ chuẩn bị tốt cho học sinh.

Hãy để các giáo viên mới được sớm tiếp cận với các lớp học, bảng thông báo, lịch trình,… càng sớm bao nhiêu, giáo viên mới sẽ càng tự tin và chuẩn bị tốt hơn bấy nhiêu.

Trên đây là những điều đơn giản mà một giáo viên mới thực sự cần từ ban giám hiệu và cũng là điều mà ban giám hiệu có thể làm để hỗ trợ các giáo viên mới. Nếu bạn có thêm những kinh nghiệm nào khác, hãy chia sẻ cùng chúng tôi.

https://thuviengiangday.com