Trong một bài viết của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh có nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Có lẽ, quan điểm đó vẫn còn nguyên giá trị khi tiếp cận các vấn đề về giáo dục nói chung, vấn đề dạy học phát triển năng lực nói riêng.

Nếu tính từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành năm 2018 cho đến nay, đã 3 năm. Trong 3 năm đó, chúng ta đã có những bước đi mạnh mẽ, tiến hành đổi mới một cách căn bản về nội dung và phương pháp giảng dạy. Nhưng dường như, những đổi mới đó vẫn đang dừng lại đâu đó ở quan niệm của những người làm chương trình, các chuyên gia đào tạo, mới xuất hiện ở các trường dân lập, tư thục, ở các thành thị. Dường như, ở các vùng khác, khu vực khác, những gì mà giáo viên và cả phụ huynh hiểu về dạy học phát triển năng lực vẫn còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến những khó khăn vô cùng lớn trong quá trình dạy và học cũng như quá trình triển khai đồng bộ các yếu tố để có thể đáp ứng được nhu cầu của dạy học phát triển năng lực.

Trong những điều mà giáo viên và các nhà trường cần nhất lúc này, theo tôi, đó chưa hẳn đó đã phải là những lý thuyết về dạy học phát triển năng lực hay những phương pháp dạy học tích cực. Bởi lẽ, với sự phát triển của công nghệ như ngày nay, một cách dễ dàng các giáo viên có thể tiếp cận được nó. Chưa kể, các chương trình đào tạo giáo viên của ETEP, của các sở giáo dục, phòng giáo dục cũng thường xuyên cập nhật cho giáo viên những lý thuyết về dạy học phát triển năng lực. Mà có lẽ, điều cần thiết nhất là một mô hình cụ thể – bằng xương bằng thịt về dạy học phát triển năng lực. Mô hình này cần được thể hiện ở 3 cấp độ.

Thứ nhất, là một hình mẫu hoàn hảo theo đúng định nghĩa của dạy học phát triển năng lực. Trong trường học đó, từ văn hóa trường học, chương trình giảng dạy, đến cách thức tổ chức hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh… phải là minh chứng hoàn hảo nhất về dạy học phát triển năng lực. Mô hình này sẽ được coi như một hình mẫu – đích đến của các trường trên phạm vi cả nước. Là cái đích thành công của cuộc cải cách mà các trường học cùng hướng tới. Tôi biết điều này là rất khó với điều kiện của Việt Nam hiện tại. Nhưng nếu có thể, hãy đưa ra một mô hình một trường phổ thông nào đó của nước ngoài (với đầy đủ tính toàn diện và hệ thống của nó). Chắc chắn, con đường đổi mới của các nhà trường sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Giáo viên sẽ bớt đi sự hoang mang, sẽ biết được rằng đích đến của mình ở đâu? Những tiêu chí nào chứng tỏ mình đã hoàn toàn chuyển đổi sang mô hình dạy học phát triển năng lực?

Thứ hai, là một mô hình có thể triển khai trên thực tế ở Việt Nam. Tôi cho rằng, điều này không phải là điều không tưởng. Bởi lẽ, trong quá trình triển khai dạy học phát triển năng lực, rất nhiều trường học đã có những bước chuyển ngoạn mục. Có những minh chứng rõ ràng và thuyết phục về định hướng phát triển năng lực của mình. Bộ giáo dục có thể lấy những mô hình đó, khái quát thành các đặc trưng, các tiêu chí và bộ công cụ đánh giá để các nhà trường hướng đến. Bộ công cụ và tiêu chí này sẽ dùng để đánh dấu và chấm điểm quá trình chuyển đổi của các trường học. Từ đó, minh chứng mức độ thành công của các phòng giáo dục, các sở giáo dục trong công cuộc cải cách.

Thứ ba, chúng ta dựng lên những mô hình “quá độ” hoặc mô hình “chuyển tiếp” sang dạy học phát triển năng lực. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là, trên lộ trình chuyển đổi sang dạy học phát triển năng lực với các tiêu chí mà chúng ta để cập ở mô hình thứ 2, chúng ta sẽ chọn những mô hình trường với các tiêu chí thấp hơn. Thậm chí, tạo ra những mô hình “kiểu mẫu”, chuyển đổi ở các vùng miền khác nhau: miền núi, đồng bằng, nông thôn, thành thị, nội thành, ngoại thành,… Cũng tương tự như với hai mô hình ở trên, việc dựng lên các mô hình “chuyển tiếp” này sẽ giúp các trường có hình dung được lộ trình chuyển đổi trên thực tế, phù hợp với năng lực của trường mình và đánh giá mức độ thành công một cách chính xác hơn. Khi đó, việc tổng kết đánh giá công cuộc cải cách giáo dục cũng trở nên thuyết phục hơn là những nhận định chung chung mang tính trừu tượng, không thể đo lường và đong đếm.

Vậy làm thế nào để có thể xây dựng được các mô hình như vậy? Theo quan điểm cá nhân tôi, bên cạnh các nghiên cứu và đào tạo mang tính lý thuyết, chúng ta cần tập trung vào việc triển khai thực hành trên thực tế. Chúng ta sẽ có những chuyên gia, phải rời trường đại học và viện nghiên cứu, phải làm việc mật thiết với các giáo viên trong các mô hình trường, sát cánh cùng ban giám hiệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trên thực tế. Từ đó, tổng kết thành các mô hình mang tính thực tiễn. Điều đó, cũng bao hàm cả việc điều chỉnh những nhận thức chưa đúng hoặc chưa thể triển khai trong mô hình dạy học phát triển năng lực.

Có lẽ, chưa bao giờ, chúng ta lại tiến hành một cuộc cải cách giáo dục lớn như cuộc cải cách hiện tại. Nó tạo nên những thay đổi mạnh mẽ, rộng lớn về quy mô, triết lý và phương pháp giáo dục. Nó đáp ứng nhu cầu bức thiết và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện tại và sắp tới. Tuy nhiên, để cuộc cải cách này thành công, thay vì nói quá nhiều về lý thuyết, thay vì tập trung đào tạo “dạy học phát triển năng lực là gì?”, có lẽ đã đến lúc chúng ta tập trung vào câu hỏi thứ hai, đó “làm như thế nào?” và câu hỏi thứ ba “tiêu chí chuyển đổi thành công sang mô hình dạy học phát triển năng lực là gì?”. Bởi lẽ, điều nguy hiểm nhất, đó không phải là vấn đề đổi mới hay không, mà đó là khi chúng ta muốn đến một mô hình giáo dục hiện đại và khai phóng, nhưng chúng ta lại mù mờ về con đường để đi đến nó.

Táo Giáo Dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *