Đối với các giáo viên ở trường công, sĩ số lớp học ít có sự biến động qua các năm học. Nhưng đối với các trường dân lập, tư thục, mỗi năm, giáo viên sẽ phải chào đón một số học sinh mới gia nhập cộng đồng lớp học. Làm thế nào để những học sinh mới cảm thấy được chào đón? Những nguy cơ có thể xảy đến với học sinh mới là gì? Những lợi thế của học sinh mới là gì? Đó là những vấn đề mà chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài viết này.

Đối với từng cấp học, sẽ có sự khác biệt trong cách chào đón học sinh mới. Với học sinh ở các lớp lớn, đó có thể đơn giản là lời chào của giáo viên, sau đó làm cho học sinh không cảm thấy mình được đối xử khác biệt so với các bạn khác trong lớp. Những học sinh lớp lớn thường không muốn mọi người chú ý đến mình và coi mình “người mới đến”

Đối với học sinh tiểu học, giáo viên cần sự quan tâm, nỗ lực nhiều hơn. Ở độ tuổi này, thường có nhiều nguy cơ tác động đến tinh thần và tình cảm của học sinh. Có thể coi, việc chuyển đến một một trường học mới với các bạn mới, thầy cô mới là một biến cố lớn trong cuộc đời. Bởi lẽ, học sinh đang ở trong giai đoạn hình thành tình bạn với bạn bè đồng trang lứa và mối quan hệ xã hội, ngoài gia đình. Vai trò của ban giám hiệu nhà trường, các nhân viên hỗ trợ, đặc biệt là giáo viên đứng lớp có ý nghĩa to lớn trong việc giúp học sinh thực hiện thành công quá trình chuyển đổi này.

Mục đích của việc giúp học sinh cảm thấy được chào đón

Dưới đây là một số lý do giải thích vì sao chúng ta cần khiến cho những học sinh mới cảm thấy được chào đón trong lớp học:

  • Phát triển mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh: Mối quan hệ giáo viên – học sinh bền chặt sẽ giúp học sinh nhanh chóng tích nghi và có sự tiến bộ trong quá trình học tập. Học sinh cần tin tưởng và làm theo hướng dẫn của giáo viên, đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học, nơi các em chưa có sự tự tin và tâm thế chủ động.
  • Kết quả học tập: Để học sinh tập trung đúng vào việc học, khi các em phải cảm thấy an toàn, và thoải mái trong môi trường lớp học. Nếu không có điều đó, chất lượng học tập của học sinh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
  • Đời sống tinh thần và tình cảm: Đời sống tinh thần và tình cảm của học sinh cũng quan trọng như kết quả và thành tích học tập. Những học sinh mới rất dễ cảm thấy không được chào đón, bị đe dọa, bị cô lập hoặc bị bắt nạt. Nó sẽ gây ra những tổn thương lâu dài về tinh thần của người học.
  • Hình thành mối quan hệ bạn bè tích cực: Việc giáo viên tạo nên không khí chào đón với những học sinh mới sẽ khiến cho những học sinh cũ, đón nhận và dễ dàng kết bạn với học sinh mới. Những học sinh mới cũng cảm thấy thoải mái hơn khi làm quen, kết bạn và thích nghi với một nền văn hóa lớp học mới.

Những thử thách và khó khăn

Dưới đây là một số thử thách và khó khăn để có thể tạo nên cảm giác chào đón đối với những học sinh mới:

  • Các vấn đề về việc đi học và tham gia đầy đủ: Những học sinh mới thường gặp vấn đề trong quá trình tham gia các hoạt động với các bạn. Chúng thường cảm thấy e dè, ngại ngần, cảm giác đó khiến chúng tự cô lập, tách biệt với các bạn trong lớp. Chính các bạn trong lớp lại cảm thấy, điều đó là rào cản cho việc tạo nên sự chào đón đổi với các bạn mới.
  • Các vấn đề về quản lý lớp học: Những học sinh mới đến, thường có xu hướng quan sát và cảm nhận nền văn hóa lớp học mà chúng vừa tham gia. Chúng sẽ hòa nhập, thích nghi và thực hiện theo các nội quy và quy trình nếu như lớp học đó được quản lý tốt. Nhưng nếu, lớp học đó được quản lý kém, tự nó sẽ biến một học sinh ngoan thành một học sinh vô kỷ luật, lười biếng hoặc chống đối.
  • Học sinh trong lớp không có động lực học tập: Học sinh mới cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những bạn cùng trang lứa, những thành viên của lớp học cũ. Một khi những học sinh trong lớp không có động lực học tập, điều này cũng dễ lan tỏa và tác động tiêu cực đến học sinh mới. Trong nhiều trường hợp, học sinh mới sẽ bị ảnh hưởng bởi việc mất động lực học tập này của những học sinh cũ.
  • Niềm tin và sự hỗ trợ: Một học sinh mới khi gia nhập vào một cộng đồng lớp học, chúng có thể gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Thật không may, nếu như niềm tin và sự hỗ trợ của giáo viên không đủ, chúng sẽ rất dễ buông xuôi, tự tách mình hoặc sa sút trong học tập.

Các chiến thuật và biện pháp dành cho giáo viên

Dưới đây là những việc mà giáo viên có thể làm để giúp những học sinh mới cảm thấy được chào đón trong lớp học:

  • Tặng các đồ vật hoặc huy hiệu để chào đón học sinh mới: Một món đồ nhỏ như móc chìa khóa, huy hiệu của lớp học,… có thể giúp những học sinh mới cảm thấy được chào đón trong lớp học.
  • Lời giới thiệu phù hợp: Là giáo viên, bạn cần có hoạt động giới thiệu học sinh mới với phần còn lại của lớp một cách nồng nhiệt, nhưng đừng dành nhiều thời gian cho việc đó, gây quá nhiều sự chú ý đôi khi lại khiến học sinh cảm thấy ngại và xấu hổ.
  • Giải quyết các hành vi tiêu cực: Bất kỳ dấu hiệu nào của hành vi tiêu cực nhắm vào một học sinh mới cần phải được giải quyết và ngăn chặn ngay lập tức.
  • Xây dựng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh: Nếu bạn có thời gian, hãy ăn trưa với những học sinh của mình hoặc ngồi cạnh học sinh mới trong các hoạt động tập thể. Bạn cũng có thể tham gia vào các hoạt động thể thao, sinh hoạt tập thể cùng các học sinh mới.
  • Tạo môi trường cho việc xây dựng mối quan hệ tích cực: Bạn cần kiên định, nhất quán và rõ ràng với những trường hợp học sinh mới vi phạm nội duy. Đồng thời, cần đảm bảo rằng bạn đang theo dõi sự tiến bộ của học sinh mới. Nói chuyện với những học sinh mà bạn tin cậy để có thêm thông tin về những điều đang diễn ra trong lớp học. Hỏi học sinh về những cảm nhận của các em về những học sinh mới. Bạn có thể làm việc này trong giờ nghỉ giải lao hoặc giờ ăn trưa.

Trên đây là một số gợi ý cho giáo viên về những điều cần làm khi chào đón những học sinh mới gia nhập cộng đồng lớp học. Nếu các thầy cô có những kinh nghiệm khác, hãy chia sẻ cùng chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.

Táo Giáo Dục

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *