Là giáo viên, chúng ta được sinh ra với một sứ mệnh là dạy học. Sứ mệnh đó, vô hình chung đã biết chúng ta trở thành những người giải quyết vấn đề. Mỗi khi học sinh có một vấn đề gì đó, ngay lập tức chúng ta sẽ đưa ra lời khuyên. Mỗi khi học sinh chia sẻ một điều gì đó, phản ứng tự nhiên của chúng ta sẽ là bảo học sinh nên thế này hay thế khác. Mỗi khi học sinh than vãn hay kể lể một điều gì đó, ngay lập tức chúng ta sẽ giảng đạo và thuyết pháp… vâng, chúng ta làm điều đó với tất cả sự hồn nhiên, vui vẻ, tâm thế thoải mái như thể chúng ta vừa hoàn thành một sứ mệnh rất thiêng liêng của người Thầy.

Trong cuốn 7 thói quen hiệu quả của Tiến sĩ Stephen Covey, ông đã giải thích rất rõ về những cách phản hồi thuần túy chủ quan của con người. Thông thường, khi học sinh chia sẻ với chúng ta một điều gì đó, chúng ta thường có 4 cách phản ứng cơ bản. Chúng ta đánh giá – đồng ý hoặc không đồng ý với những gì học sinh làm. Chúng ra thăm dò – đặt ra các câu hỏi, khai thác câu chuyện của học sinh từ khung tham chiếu của bản thân. Chúng ta khuyên bảotư vấn, chỉ bảo dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Chúng ta diễn giải – nỗ lực lý giải nguyên nhân dẫn đến hành vi của học sinh, động cơ mục đích mà học sinh làm việc đó dựa trên động cơ và hành vi của chính mình.

Nhưng

Đã khi nào chúng ta bình tĩnh lại xem, học sinh có thật sự cần lời khuyên của chúng ta. Có khi nào chúng ta nhận ra rằng, điều mà một đứa trẻ cần đó là sự lắng nghe và đồng cảm hơn là thuyết pháp và giảng dạy đạo lý. Có khi nào chúng ta nhận thấy, học sinh cần sự chia sẻ, thấu cảm hơn là việc đáp lại bằng những giải pháp mà chính đứa trẻ cũng có thể nghĩ ra.

Vâng, vậy đấy, dạy học thật khó, thật phức tạp, không phải bất cứ khi nào lời khuyên hay sự động viên chia sẻ cũng có thể giải quyết được vấn đề. Tôi vẫn nhớ câu chuyện mà thầy Minh Niệm viết trong cuốn “Hiểu về trái tim” – khi có một người đàn ông nhìn thấy một con cò đang bị thương vì một sợi dây quấn vào cổ, người đàn ông chỉ muốn mau chóng bắt lấy con cò, gỡ sợi dây ra. Nhưng con cò thì hoảng sợ, đập cánh loạn xạ và muốn bỏ đi, còn sợi dây thì siết chặt hơn vào cổ. Hẳn lúc đó, người đàn ông sẽ nghĩ. Mình đã cố gắng giúp nó rồi mà. Tại nó không biết cách đón nhận mà thôi. Vâng, vấn đề chính là ở chỗ đó. Không phải lúc nào lòng thương hại, sự giúp đỡ cũng dễ dàng được đón nhận.

Vậy thì chúng ta phải làm thế nào bây giờ? Lời khuyên của tôi là không làm gì – chỉ lắng nghe mà thôi. Vâng, bạn không nghe nhầm đâu – hãy nhớ, chỉ lắng nghe, đừng nói hay làm bất cứ điều gì. Hãy lắng nghe với tất cả mong muốn được nghe, hãy lắng nghe bằng cả trái tim chân thành bằng tình yêu thương và sự bao dung. Hãy lắng nghe và mong muốn những điều tốt đẹp đến với học sinh của mình.

Về kĩ thuật, cách làm đó được gọi là lắng nghe đồng cảm. Nó có nghĩa là bạn chỉ cần lắng nghe học sinh với sự tập trung chú ý hoàn toàn và sau đó diễn đạt lại những gì học sinh đã nói bằng lời của bạn. Nếu bạn đang diễn đạt đúng cảm xúc của học sinh, học sinh sẽ nó “Đúng, đó là những gì con đang trải qua”. Nếu điều đó không đúng, học sinh sẽ nói, “Không, đó không phải là những gì con muốn nói”.

Lắng nghe đồng cảm được sử dụng khi học sinh đang chia sẻ với bạn về một điều gì đó mà chúng cảm thấy khó chịu. Ví dụ, nếu học sinh nói với bạn: “Cô ơi, con buồn quá, con mèo của con vừa chết hôm qua”. Khi đó, bạn hãy nói: “Hằn là con đang rất buồn vì con mèo của con vừa mới chết”. Nó khác hoàn toàn với việc bạn đưa ra giải pháp hay lời khuyên để giải quyết vấn đề, ví dụ như “Con hãy ra chợ/siêu thị mua một con mèo khác.” Lắng nghe đồng cảm sẽ giúp bạn hiểu học sinh đang cảm thấy thế nào và học sinh cũng cảm nhận được rằng, bạn đang ở bên họ, chia sẻ cùng họ.

Bạn thấy đấy, điều này thật đơn giản phải không. Bạn không cần làm gì cả, chỉ lắng nghe thật tập trung, không bình luận, nhận xét, giải thích, đánh giá hay đưa giải pháp gì cả. Bạn chỉ cần lắng nghe và nhắc lại những gì mà học sinh chia sẻ với bạn. Vậy đã là điều vô cùng tuyệt vời rồi. Cách làm này tuy đơn giản, nhưng có giá trị vô cùng to lớn. Nó sẽ mở ra cánh cửa, dẫn bạn đến với thế giới của học sinh. Nó sẽ cho bạn chạm đến những điều mà học sinh đang cố giấu hoặc không đủ sức để diễn đạt được bằng lời.

Tôi đã áp dụng kĩ thuật lắng nghe đồng cảm và thấy nó rất hiệu quả. Và tôi muốn, bạn hãy thử thực hành cùng tôi, sau đó chia sẻ kết quả với chúng tôi trong phần bình luận bên dưới.

Nguyễn Hữu Long

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *