Chúng ta là giáo viên, và chắc chắn không thể tránh khỏi việc phải đối mặt và giải quyết những xung đột trong công việc. Đôi khi có cảm giác như chúng ta là một chuyên gia tâm lý và trưởng ban hòa giải hơn là một giáo viên. Đôi khi, việc giúp học sinh nhận ra và hóa giải những mâu thuẫn, xung đột là một thách thức và cũng là khía cạnh thú vị nhất của công việc.
Nhưng trong nhiều trường hợp, xung đột của học sinh không phải là vấn đề duy nhất mà chúng ta phải giải quyết. Chúng ta còn bị vướng vào rất nhiều xung đột khác. Ai trong chúng ta chắc cũng đã từng bị phụ huynh phàn nàn, hay bị ban giám hiệu phê bình… Điều này thường khiến chúng ta cảm thấy khó khăn và bực bội hơn.
Bất kể những xung đột đến từ đâu thì chìa khóa quan trọng nhất để xử lý nó là suy nghĩ tích cực theo hướng cả hai bên cùng có lợi. Khái niệm win-win không có gì mới, nhưng nó chắc chắn vẫn rất có giá trị và cần thiết trong lớp học. Stephen Covey đã đề cập đến nó trong cuốn sách “7 thói quen của ngững người làm việc hiệu quả”.
Phải mất một thời gian để chúng ta thực sự hiểu làm thế nào để suy nghĩ win-win và làm thế nào để áp dụng nó trong lớp học. Chỉ cần thực hiện nó, chắc chắn chúng ta sẽ tạo nên sự khác biệt!
Vì vậy, làm thế nào để áp dụng nguyên tắc win-win trong lớp học của bạn? Hãy cùng tham khảo các kinh nghiệm dưới đây nhé:
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT BẰNG TƯ DUY CÙNG THẮNG
- Luôn xác định, tất cả chúng ta đều cùng chung một chiến hào
Giáo viên, phụ huynh, học sinh và ban giám hiệu – tất cả chúng ta đều cùng chung một chiến hào. Chúng ta có một mục tiêu chung: chúng ta muốn học sinh có môi trường học tập tốt nhất, có cơ hội phát triển và thành công. Trước khi chúng ta có thể giải quyết xung đột, chúng ta phải tự mình nhận ra được điều này. Khi có cách nhìn như vậy, chúng ta cảm thấy dễ dàng chia sẻ, đồng cảm và cùng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.
- Đối xử với những người khác giống như những người bạn đồng minh
Nhận thức thôi chưa đủ, bạn cần phải hành động. Bạn cần phải nhìn nhận những người xung quanh bạn là những người bạn đồng minh. Bạn cần chủ động trong việc xây dựng mối quan hệ, chủ động lắng nghe, giao tiếp và hợp tác để những mâu thuẫn ít xảy ra nhất có thể.
Khi một tình huống mâu thuẫn xảy ra, hãy nhớ rằng, họ là những người bạn – chứ không phải kẻ thù. Hãy mở cánh cửa giao tiếp, cư xử bằng sự tôn trọng, chắc chắn bạn sẽ hóa giải được mâu thuẫn.
- Đừng phòng thủ
Tôi biết thiên hướng của tất cả chúng ta là bảo vệ bản thân mình, nhưng đây không phải là cách tiếp cận tốt nhất. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng cách cố gắng thực sự hiểu mối quan tâm của người khác.
Để có được một chiến thắng, trước tiên bạn phải hiểu những gì mà ban giám hiệu / phụ huynh / đồng nghiệp và học sinh thực sự mong muốn. Sau đó, bạn có thể giải thích lý do của bạn và tìm một giải pháp sẽ có lợi cho tất cả.
- Tìm nguyên nhân sâu xa của vấn đề
Thường thì vấn đề chúng ta nhìn thấy đôi khi lại thực sự không phải là vấn đề. Vấn đề thực sự là lại bị ẩn dưới rất nhiều những yếu tố khác mà chúng ta không dễ nhận ra.
Tôi nhớ một vấn đề nảy sinh giữa hai học sinh trong lớp của tôi. Khi đó, một em học sinh đã lấy bút chì của bạn mình. Nhưng vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó, tôi không thể nhớ được những chi tiết cụ thể của tình huống này. Nhưng nguyên nhân của vấn đề này lại xuất phát từ cuộc cãi vã giữa hai học sinh diễn ra từ đầu tuần. Và việc lấy chiếc bút chì chỉ là hệ quả sau đó.
Để giải quyết xung đột, chúng ta phải tìm ra những yếu tố ẩn bên dưới vấn đề. Nếu chỉ chú ý đến những lý do hoặc hiện tượng bên ngoài, chúng ta sẽ khó có thể chấm dứt được xung đột.
- Tìm kiếm giải pháp sáng tạo
Nếu bạn đã làm theo các bước trên, thường thì các xung đột dường như đã tự được giải quyết. Nhưng đôi khi, một giải pháp vẫn có vẻ khó mà giải quyết được triệt để,
Trong trường hợp này, bạn cần phải sáng tạo. Hãy suy nghĩ bên thoát khỏi những giới hạn đề tìm ra giải pháp tốt nhất cho mọi người. Mời người khác đề xuất ý tưởng, tìm kiếm lời khuyên và dành thời gian để suy nghĩ về những điều tốt đẹp.
- Nói sự thật bằng sự chân thành và yêu thương
Trong suốt cuộc trò chuyện, hãy thể hiện sự chân thành bằng tình yêu thương thực sự. Cả hai phần đều quan trọng như nhau. Hãy nói sự thật – hãy cởi mở và trung thực, và nói những điều khó nói. Nhưng nói trong tình yêu. Lòng tốt và sự hiểu biết sẽ giúp bạn đi xa hơn để hiểu rõ về nhau.
Khi chúng ta nói chuyện với học sinh, thói quen thường thấy của giáo viên là trách mắng. Nhưng sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta dừng lại, gặp trực tiếp học sinh để nói chuyện với chúng về vấn đề đã xảy ra. Giúp học sinh thấy được lý do đằng sau quyết định của bạn, lắng nghe và trả lời câu hỏi của chúng.
Tôi tin rằng, bằng những cách đơn giản như vậy, bạn có thể hóa giải được những mâu thuẫn ở trường. Cho dù đó có là mâu thuẫn với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp hay bất kì ai đi chăng nữa.
https://thuviengiangday.com