Trong thời đại công nghệ ngày nay, việc thu hút và duy trì sự tập trung chú ý lắng nghe của học sinh khó hơn nhiều so với trước đây. Dường như trong tâm trí học sinh của chúng ta ngập tràn những dòng status, tin nhắn, email, cập nhật trên mạng xã hội và những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng. Việc giúp học sinh thực sự tham gia vào việc lắng nghe tích cực trong quá trình học tập là một thách thức đối với tất cả những người đang làm công việc giảng dạy. Làm sao quá trình học tập có thể diễn ra khi học sinh thậm chí con không muốn/cần/thèm lắng nghe giáo viên? Nhiều giáo viên dùng các biện pháp kỉ luật hoặc hình phạt với mong muốn học sinh ngồi yên, khoanh tay, trật tự – nhưng có lẽ ngay cả khi đó, học sinh cũng không thực sự lắng nghe. Dưới đây là 10 chiến lược giảng dạy để giúp học sinh cải thiện kĩ lắng nghe trong quá trình học tập.

  1. Là hình mẫu của kĩ năng lắng nghe hiệu quả

Nhiều khi chúng ta đòi hỏi học sinh phải lắng nghe những gì mình nói, nhưng chúng ta lại không thực sự lắng nghe học sinh. Những áp lực về thời gian và khối lượng kiến thức khiến chúng ta nghe trong sự vội vàng và nhanh chóng phản hồi để chuyển sang nội dung khác. Liệu chúng ta có thực sự dừng lại, lắng nghe toàn tâm toàn ý, chú ý đến từng từ mà học sinh đang nói? Liệu chúng ta có thể trình bày/diễn đạt lại được câu trả lời của học sinh? Nếu chúng ta chưa làm được điều đó thì có lẽ, đã đến lúc bắt tay vào thực hành. Chỉ khi giáo viên là hình mẫu về kĩ năng lắng nghe, học sinh của chúng ta mới có thể học theo và tập trung vào những gì giáo viên nói.

  1. Hiểu đối tượng học sinh

Sự quan tâm, lắng nghe luôn bắt đầu từ sự đồng cảm và thấu hiểu. Các nghiên cứu cho thấy, học sinh sẽ lắng nghe các giáo viên đã dành thời gian để làm quen với chúng tốt hơn so với những giáo viên không dành thời gian tìm hiểu và xây dựng mối quan hệ với học sinh. Chính vì thế, hãy dành thời gian để thực sự tìm hiểu học sinh của bạn, hãy tìm hiểu những sở thích, bạn bè và các mối quan hệ cá nhân của học sinh, v.v.

  1. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Một cách tuyệt vời để rèn luyện kỹ năng nghe đó là sử dụng ngôn ngữ cơ thể để phản hồi lại giáo viên. Khi giáo viên đưa ra một yêu cầu hoặc nhiệm vụ, hãy cho học sinh được dùng ngôn ngữ cơ thể (kí hiệu bằng tay) để phản hồi. Ví dụ: Sau khi nghe cô hướng dẫn, nếu như các bạn đã hiểu được nhiệm vụ, các bạn sẽ giơ ngón tay cái hướng lên (like), nếu các bạn chưa hiểu, các bạn sẽ đưa ngón tay cái hướng xuống (dislike). Chiến lược này sẽ yêu cầu tất cả học sinh phải tập trung vào những gì bạn nói. Nếu không, chúng sẽ không thể đưa ra phản hồi đúng.

  1. Nói ít đi

Giáo viên sinh ra với một bản năng cố hữu là nói, chúng ta luôn sợ rằng học sinh sẽ không hiểu nếu chúng ta không nói. Nhưng hãy tưởng tượng, nếu chúng ta nghe một ai đó nói quá nhiều, liệu rằng chúng ta có hiểu hết những gì mà họ nói? Liệu rằng chúng ta có muốn lắng nghe họ nói? Chính vì thế, hãy nói ít đi. Khi giáo viên nói ít đi, học sinh sẽ có cơ hội để nói nhiều hơn. Và quan trọng hơn, khi giáo viên nói ít đi, học sinh sẽ chú ý hơn đến những gì giáo viên nói.

  1. Sử dụng công nghệ

Chúng ta thường muốn học sinh nghe mình nói, nhưng điều này lại là nguyên nhân khiến học sinh cảm thấy nhàm chán và sao nhãng. Vậy tại sao bạn lại không sử dụng công nghệ. Hãy chọn một đoạn video minh họa, một bài giảng của giáo viên khác hoặc có thể là một đoạn clip ghi lại chính bài giảng của bạn? Sự mới lạ trong hình thức cùng những ứng dụng công nghệ sẽ làm cho học sinh tập trung chú ý lắng nghe hơn.

  1. Nhiệm vụ nghe

Một cách khác để giúp học sinh lắng nghe tích cực là giao các nhiệm vụ liên quan đến việc lắng nghe. Giáo viên có thể cho học sinh làm việc theo kĩ thuật bể cá. Yêu cầu học sinh quan sát và lắng nghe hoạt động trao đổi, thảo luận của các bạn trong nhóm “bể cá” và sau đó thảo luận, phản hồi lại về những gì học sinh đã được. Ví dụ, bạn có thể cho một nhóm ngồi ở giữa lớp học thảo luận về nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các học sinh ngồi xung quanh sẽ lắng nghe nội dung thảo luận và đưa ra nhận xét vào cuối giờ.

  1. Trao đổi, thảo luận với bạn bên cạnh

Sẽ có lúc học sinh bỏ sót những gì bạn đã nói, và thay vì ngắt lời bạn để đặt câu hỏi, bạn có thể cho học sinh trao đổi với bạn bên cạnh. Mỗi ngày hãy cho học sinh một vài phút để so sánh vở ghi hoặc trao đổi, thảo luận với bạn bên cạnh của mình về bất cứ điều gì mà chúng đã bỏ lỡ hoặc cần làm rõ…

  1. Làm cho học sinh có trách nhiệm với việc lắng nghe

Nếu bạn thực sự muốn học sinh lắng nghe bạn khi bạn nói, bạn phải khiến chúng có trách nhiệm/bắt buộc phải lắng nghe. Thay vì cung cấp cho học sinh tất cả các kiến thức, khái niệm,… hãy chỉ cung cấp một nửa những thông tin cần thiết trong tài liệu. Một nửa còn lại học sinh sẽ phải lắng nghe thì mới có được đầy đủ các thông tin. Bằng cách cung cấp cho học sinh một dàn ý để dễ dàng theo dõi, chắc chắn rằng học sinh sẽ lắng nghe cẩn thân hơn.

  1. Lắng nghe và đặt câu hỏi

Dù đang sử dụng phương pháp giảng dạy nào, trước khi cho học sinh làm việc, xem video, sử dụng một thiết bị/đồ dùng học tập… hãy để học sinh biết được mục đích của những yêu cầu mà bạn đưa ra. Khi học sinh có mục đích, chúng có xu hướng tập trung lắng nghe hơn. Sau khi học sinh lắng nghe, hãy cho học sinh viết ra ít nhất một câu hỏi về những gì mà chúng vừa nghe.

  1. Phá vỡ sự nhàm chán

Không có gì khiến học sinh buồn ngủ và mệt mỏi hơn việc phải nghe giáo viên nói một cách nhàm chán và buồn tẻ. Hãy thay đổi phong cách của bản thân. Hãy học cách để trở nên hài hước. Hãy đưa năng lượng vào lời nói. Hãy học cách nhấn nhá, giữ nhả khi trình bày một vấn đề. Bằng cách trở thành một người thuyết trình cuốn hút, học sinh sẽ tập trung chú ý lắng nghe những gì bạn nói.

Táo Giáo Dục

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *