Là những nhà giáo dục, thuật ngữ “lớp học lấy người học làm trung tâm” chẳng xa lạ gì với chúng ta. Và nhiều nhà giáo dục trên thế giới đồng ý rằng, khi nhân loại bước sang thế kỉ 21, lớp học lấy người học làm trung tâm nhất định sẽ là phương pháp học tập tốt nhất.
Cho dù bạn dạy học sinh lớp một hay sinh viên đại học, chúng ta cần dành thời gian để suy nghĩ về những điều như: đâu là không gian học tập bạn sẽ tạo ra, đâu là nơi học sinh có tiếng nói, cùng nhau đoàn kết trong các hoạt động và được trao cơ hội để đưa ra các chọn lựa.

Học sinh là trung tâm của hoạt động dạy học

CÁC CÂU HỎI DẪN DẮT
Hãy sử dụng các câu hỏi sau để suy ngẫm về môi trường học tập mà bạn tạo ra cho học sinh:
• Đâu là phương pháp để học sinh cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy có giá trị và thấy mình là một phần của tập thể lớp học?
• Đâu là phương pháp mà học sinh trở thành chủ nhân thực sự của lớp học. Đã bao giờ học sinh được tự quyết định về nội dung học tập, không gian lớp học hoặc việc sử dụng thời gian? Nếu có thì bao giờ? Có thường xuyên không?
• Đâu là thời điểm học sinh được thoải mái thể hiện bản thân mình, thể hiện những suy nghĩ và ý tưởng của chúng? Và đâu là thời điểm mà chúng không có được những điều trên?
• Đã bao giờ bạn hỏi học sinh về những nhu cầu của chúng? Bạn có thường xuyên làm điều đó không? Bạn có thường xuyên kiểm tra việc hiểu bài và điều chỉnh phương pháp, nội dung giảng dạy cho phù hợp?
• Chỗ ngồi và bàn ghế được sắp xếp như thế nào? Liệu học sinh có được ngồi đối diện nhau? Liệu chúng có nhiều cơ hội mỗi tuần để chia sẻ với bạn cùng lớp, và chia sẻ được với nhiều bạn cùng lớp?
• Là giáo viên, đâu là “giờ phát thanh” của tôi trong mỗi tiết học? Có bao nhiêu những chỉ dẫn trực tiếp và giảng giải trong đó? Làm thế nào tôi có thể chuyển sang gợi mở cho học sinh thay vì giảng giải quá nhiều.
CÂN BẰNG VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN
Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về câu hỏi cuối cùng ở trên, đặc biệt là sự đối lập giữa cách dạy giảng giải và cách dạy hướng dẫn. Khi xem xét nhiều phương pháp dạy học, cân bằng chính là chìa khóa. Trong các nghiên cứu của Grant Wiggins và Jay McTighe, cũng như cuốn sách với tựa đề “Understanding by Design (UbD),” tác giả đã gợi ý cho các nhà giáo suy ngẫm về những vai trò của sự cân bằng dựa trên ba yếu tố của việc giảng dạy:
• Gợi mở: đưa ra câu hỏi mở, đặt vấn đề, hỏi các câu hỏi kiểu Socratic và điều tra có hướng dẫn.
• Hướng dẫn trực tiếp: Thuyết minh, minh họa, và thuyết trình.
• Tập luyện: cung cấp phản hồi, thảo luận và thực hành có hướng dẫn.
Làm thế nào để bạn có thể biết được vai trò của giáo viên trong việc giảng giải đã cân bằng với vai trò hướng dẫn hay chưa? Khi thiết kế bài học cho học sinh của bạn, hãy luôn ghi nhớ trong đầu rằng: Cần có sự cân bằng giữa việc giải thích cho học sinh và hướng dẫn của giáo viên.
Nói cách khác, bạn cần nói với chúng rằng việc cung cấp đáp án, hoặc cầm tay chỉ việc không thực sự có ý nghĩa cho các em. Thay vào đó, giáo viên cần hướng dẫn cho chúng làm thế nào để hoàn thành các nhiệm vụ. Bạn cũng cần để học sinh tự khám phá, thử nghiệm, và thực hành ngay cả khi chúng không được điểm hoặc chưa chắc chắn. Các nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, tất cả học sinh cần thời gian để mắc lỗi và khám phá những nội dung, ý tưởng và các khái niệm mới với một vài hướng dẫn và định hướng, nhưng cũng cần để chúng làm việc độc lập.
Còn bạn thì sao nhỉ? Hãy chia sẻ với chúng tôi cũng như những đồng nghiệp về những ý tưởng và cách thức mà bản đã sử dụng để giúp học sinh trở thành trung tâm của lớp học.

(Người dịch: Nguyễn Văn Vương – Nguyễn Hữu Long)
(Nguồn:https://www.edutopia.org)