Việc tạo cho học sinh cơ hội để học hỏi từ những sai lầm trong quá trình học tập có ý nghĩa quan trọng với sự trưởng thành của người học

Giáo viên có nên cho phép học sinh có những trải nghiệm thất bại?

Có nhiều quan điểm khác nhau từ hai phía giáo viên và học sinh khi trả lời câu hỏi này. Mặc dù trách nhiệm và sứ mệnh tự nhiên của mỗi giáo viên trong lớp học là để giúp học sinh thành công nhưng có thể việc cho phép học sinh được thất bại cũng có rất nhiều tác dụng tích cực. Mỗi thất bại có thể là một bài học giá trị về cuộc sống.

Thông qua thất bại, học sinh có thể suy ngẫm, phân tích và xác định những sai lầm của mình. Việc tự đánh giá này có thể tăng cường quyết tâm để đưa đến những thành công trong thời gian tới.

Thất bại cho phép học sinh học hỏi từ những sai lầm, mở rộng giới hạn của sự sáng tạo và tìm cách vượt qua những trở ngại. Thất bại mang đến cho học sinh và giáo viên những cơ hội và động lực cho sự trường thành, cải thiện các kỹ năng và hành vi.

Cho phép học sinh thất bại không có nghĩa là giáo viên giảng dạy kém hay giáo viên không hỗ trợ, động viên khích lệ người học. Thay vào đó, giáo viên phải làm việc vất vả hơn để cung cấp cho học sinh một cách khéo léo những cơ hội để học hỏi từ những sai lầm, tạo ra trách nhiệm giải thích và suy ngẫm về các kinh nghiệm được rút ra. Hãy dạy cho học sinh biết rằng: sai lầm là một quá trình tự nhiên và điều quan trọng là phải “đứng dậy từ khi ngã”.

Thành công đôi khi đến từ những thất bại

Sau đây là cách mà giáo viên có thể giúp học sinh học hỏi từ những sai lầm trong quá trình học tập:

– Cho phép những sai lầm: Tạo ra một môi trường học tập tích cực, trong đó học sinh cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi mắc sai lầm. Nơi đó những từ ngữ như “thất bại” không có cơ hội tồn tại. Thất bại được coi là một phần trong chặng hành trình của thành công. Nó mang đến cho học sinh những cơ hội để trải nghiệm.

– Hỗ trợ học sinh trong học tập: Để giúp học sinh nhận ra đâu là lỗi sai, giúp học sinh nhận ra “tại sao và như thế nào” trong những sai lầm cũng như “những gì để học hỏi những sai lầm đó.

– Xây dựng động lực bên trong: Khuyến khích học sinh tìm kiếm những giải pháp, cách thức tiếp cận mới sau những thất bại của bản thân. Mỗi khi vượt qua được sai lầm, học sinh cần xây dựng động lực bên trong và tự tin để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn.

– Cung cấp phản hồi kịp thời: Giúp học sinh xác định và giải quyết mọi trở ngại có thể gặp phải trong quá trình học tập thông qua việc đưa ra các phản hồi. Cung cấp phản hồi một cách kịp thời, tích cực giúp học sinh học tập tốt hơn và có sự điều chỉnh cho các sai lầm.

– Khuyến khích sự cố gắng, nỗ lực: Cho phép học sinh làm việc theo cách của họ, kể cả đôi khi chúng ta đã nhìn thấy những sai lầm, từ đó có thể tạo nên động lực học tích cực. Khuyến khích học sinh thực hiện việc xác định lỗi sai và sửa lỗi thường xuyên.

Đôi khi sai lầm trong quá trình giảng dạy lại không phải là sai lầm. Và ngược lại, sự hoàn hảo quá mức sẽ khiến đứa trẻ không còn sự sáng tạo và khả năng suy nghĩ độc lập. Việc học từ thất bại có thể giúp học sinh tăng quyết tâm và đạt đến thành công cá nhân trong quá trình học tập nói riêng và tương lai nói chung.

– Nguyễn Hữu Long dịch 

(Nguồn: www.K12teacherstaffdevelopment.com)