Trong bối cảnh nhiều trường học cố gắng chuyển đổi mô hình từ dạy học truyền thống sang dạy học phát triển năng lực, lấy học sinh làm trung tâm và cá nhân hóa người học, báo cáo dưới đây sẽ đưa ra những gợi ý giúp giáo viên bắt kịp những đổi mới đó.
Trong bài viết “Chuyển đổi sang mô hình dạy học phát triển năng lực: Sự tăng trưởng, phát triển và giữ chân các giáo viên” từ iNACOL – một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ việc dạy học phát triển năng lực, đã đưa ra những biện pháp giúp giáo viên có thể hoàn thành tốt các công việc của họ trong mô hình dạy học phát triển năng lực là “lấy người học làm trung tâm, định hướng công bằng và học tập suốt đời”. Báo cáo nhấn mạnh: các lớp học trong mô hình dạy học phát triển năng lực – thường được định nghĩa là môi trường mà học sinh nhận được hỗ trợ đến từng cá nhân và có được tiến bộ thông qua các tài liệu học tập, theo nhịp độ riêng. Điều này có thể vừa tạo nên những thuận lợi và cả những thách thức đối với giáo viên, vì nó đòi hỏi sự cân bằng và đa dạng trong phong cách giảng dạy.
“Khi chúng ta nói về mô hình giáo dục phát triển năng lực và học tập cá nhân hóa, chúng ta không chỉ đề cập đến những thay đổi về mặt kỹ thuật, chính sách hay công nghệ. Trước và trên hết, chúng ta nói đến sự thay đổi về con người.” Tác giả báo cáo Katherine Casey phát biểu trong một hội thảo trên website. “Những gì chúng ta biết là dạy học phát triển năng lực yêu cầu giáo viên và học sinh tư duy kiểu mới và làm việc theo những cách mới. Vì vậy, việc làm chủ mô hình mới này là điều vô cùng cần thiết.” Báo cáo của iNACOL đã chia sẻ 15 chiến thuật hữu ích cho giáo viên và các lãnh đạo trường học. Dưới đây là một vài điểm nổi bật:
- Đa dạng hóa con đường trở thành giáo viên
Báo cáo khuyến nghị rằng, con đường trở thành giáo viên nên được đa dạng hóa. Nghĩa là những người muốn trở thành giáo viên nên có nhiều cách tiếp cận với nghề nghiệp. Các quốc gia nên thúc đẩy hợp tác với lãnh đạo địa phương để đưa ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp và đảm bảo các tiêu chuẩn này được thực hiện nghiêm ngặt và công bằng. Các chương trình đào tạo giáo viên cần phản ánh thực tiễn dựa trên nghiên cứu và có các tiêu chuẩn rõ ràng. Khi một người chuyển sang công việc làm giáo viên, họ cần có nhiều lựa chọn hỗ trợ, chẳng hạn như cố vấn hoặc thu hẹp quy mô lớp học trong vài năm đầu giảng dạy.
- Trách nhiệm tương ứng và sự tiến bộ
Báo cáo cho biết tất cả những người có liên quan đến giáo dục – từ giáo viên, ban giám hiệu đến lãnh đạo địa phương và chính phủ – đều có trách nhiệm trong mô hình dạy học phát triển năng lực. Hệ thống trách nhiệm phải cung cấp hỗ trợ cho các bên liên quan, để họ có đủ điều kiện thành công. Ví dụ, nếu các giáo viên phải thay đổi phong cách giảng dạy khi chuyển sang mô hình dạy học phát triển năng lực, họ cần được cung cấp các nguồn tài nguyên.
- Phát triển văn hóa hòa nhập và tích cực
Cả giáo viên và học sinh nên cảm thấy rằng, mình thuộc về trường học, bất kể nền tảng văn hóa và điều kiện xuất thân. Điều này đòi hỏi các giáo viên phải tôn trọng sự đa dạng và khác biệt trong sở thích, cá tính cũng như phong cách học tập của học sinh. Các trường học sẽ tuyển giáo viên có nguồn gốc đa dạng và ưu tiên dành thời gian để giáo viên kết nối với phụ huynh, học sinh. Việc tạo dựng các mối quan hệ này giúp giáo viên hiểu mục tiêu học tập của học sinh và phát triển các cách để kết nối với phụ huynh.
- Tăng tính linh hoạt trong các hoạt động thực hành lấy người học làm trung tâm
Các quyết định trong trường học không nên chỉ dừng lại với những người có thẩm quyền cao nhất mà còn với học sinh, giáo viên và gia đình. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt, chẳng hạn như việc thiết kế bài học, sử dụng các đánh giá và lựa chọn dự án. Tuy nhiên, tính linh hoạt không nên làm suy giảm chất lượng học tập và lãnh đạo nhà trường phải đảm bảo các nhà giáo dục tiến hành giảng dạy tốt cũng như tuân thủ các mục tiêu học tập chung.
- Thiết lập cấu trúc lãnh đạo phân quyền và hợp tác
Lãnh đạo trong một môi trường dạy học phát triển năng lực không thể theo mô hình từ trên xuống của hệ thống trường học truyền thống, nơi giáo viên nhận được chỉ thị từ hiệu trưởng, hiệu trưởng nhận chỉ thị từ lãnh đạo cấp phòng, sở. Thay vào đó, giáo viên phải có vai trò lãnh đạo, dù điều đó phải thông qua các ủy ban hoặc hội đồng nhằm hỗ trợ và chia sẻ thực tiễn giảng dạy tốt nhất. Hợp tác là một phần quan trọng của quá trình này, như vậy giáo viên mới có thời gian để thiết kế bài học, chia sẻ chúng với đồng nghiệp và nhận phản hồi.
- Tạo điều kiện học tập chuyên môn giúp cải thiện việc giảng dạy
Việc phát triển chuyên môn nên kết nối với chương trình giảng dạy, các tiêu chuẩn và bài kiểm tra của nhà trường, cũng như nhu cầu của giáo viên. Kiến thức về khoa học giáo dục cũng là một phần quan trọng trong các chương trình đào tạo, phát triển chuyên môn. Báo cáo khuyến nghị rằng hoạt động này được kết hợp với công tác đào tạo tại chức, nâng cao trình độ để giáo viên có thể thực hành những gì họ học.
Kate Stringer
https://thuviengiangday.com dịch