Sau một thời gian dài, việc học được tổ chức nhằm phục vụ cho các kì thi (nói đơn giản là học để thi), đến nay, nhiều người lại khá dị ứng với điều đó. Thậm chí, để phù hợp với chủ trương của các cuộc cải cách giáo dục, người ta còn tổ chức, vận động các giáo viên và nhà trường tẩy chay các kì thi và điểm số. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc dạy để thi không phải là một điều hoàn toàn xấu, miễn là chúng ta đang làm điều đó một cách đúng đắn và vì những lý do đúng đắn.

Và một trong những lý do để các kì thi vẫn nên tồn tại là nó giúp cho học sinh thể hiện được những kiến thức và kỹ năng mà chúng đã học. Tôi đang đề cập đến việc thiết kế các bài giảng theo hướng đánh giá năng lực để tìm các minh chứng cho việc làm chủ các kiến thức và kỹ năng của người học. Việc kiểm tra đánh giá này không nên chỉ dừng lại ở các câu hỏi trắc nghiệm hay một bài kiểm tra tổng kết trong một vài giờ đồng hồ. Nó có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: một dự án, một bài luận hay một thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Trong Understanding by Design, của tác giả Wiggins và McTighe có nhấn mạnh rằng, trước khi giảng dạy người giáo viên cần thiết kế khung năng lực và lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá trước.

Đáng buồn thay, điều này nó vẻ “nói dễ hơn làm”, hình dung thì dễ hơn là thực hiện, ngay cả với chính bản thân tôi. Thông thường, tôi sẽ dạy một bài học, và sau đó tôi kiểm tra lại những gì tôi đã dạy. Quá trình này diễn ra phổ biến ở tất cả các cấp lớp. Nguyên nhân của nó, chủ yếu là do thiếu thời gian và năng lượng để các giáo viên có thể lên kế hoạch. Tuy nhiên, phương pháp đánh giá truyền thống này không giúp cho các giáo viên và học sinh trong việc duy trì sự tập trung vào những kĩ năng/ năng lực cần phải học. Trước các kỳ thi học sinh được mài luyện khả năng ghi nhớ, tái hiện và cố gắng diễn đạt kiến thức theo một mô hình nào đó, rồi sau đó nhanh chóng quên hết tất cả.

Đi ngược kế hoạch

Việc đánh giá và các bài thi đúng với ý nghĩa của nó, chúng ta cần phải tạo ra một bản kế hoạch giảng dạy trước. Trong bản kế hoạch đó, giáo viên sẽ xác định tất cả những kiến thức và kỹ năng chúng ta mong muốn học sinh có thể đạt được. Đồng thời cũng cần chỉ ra làm sao để ta có thể hướng dẫn học sinh đạt được những điều đó. Trong các kỳ thi quốc gia, giáo viên phải có kế hoạch tổng thể về những năng lực học sinh cần có để có thể đáp ứng được các yêu cầu trong kỳ thi.

Vấn đề là đôi khi chúng ta quên mất một điều rằng, các kỳ thi quốc gia chỉ là một kỳ kiểm tra chất lượng tối thiểu. Nhưng người ta lại biến nó thành một bài kiểm tra quá khó (thậm chí mang tính đánh đố học sinh). Và điều đó, lại như một vòng xoáy, cuốn giáo viên vào việc giảng dạy phục vụ thi cử. Đáng lẽ ra, các bài kiểm tra quan trọng nhất phải là những đánh giá của giáo viên trên lớp học và những đánh giá đó phải là công cụ học tập giúp học sinh có thể cải thiện các năng lực của bản thân. Chúng ta thường nói nhiều về các đánh giá quá trình, nhưng nó không đủ cụ thể để thực sự giúp giáo viên hiểu được mục đích của nó và làm thế nào để sử dụng trong quá trình giảng dạy.

Đánh giá quá trình

Tôi đã tìm thấy một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để có thể vừa giúp học sinh học tốt và vẫn giúp chúng vượt qua các kì thi. Mỗi ngày, tôi đứng ở cửa lớp và chào đón tất cả học sinh với một câu hỏi. Sau vài ngày nhận được cùng một câu hỏi, học sinh đã biết học hỏi từ sai lầm của mình và sửa đổi sai lầm đó. Học sinh cảm thấy tốt về bản thân, và tôi cũng cảm thấy tốt hơn về sự tiến bộ của chúng. Đánh giá quá trình phải cung cấp các thông tin phản hồi kịp thời và cụ thể để học sinh hiểu về những lỗi sai của chúng và có thể yêu cầu sự giúp đỡ/hỗ trợ từ giáo viên. Việc đánh giá quá trình được thực hiện liên tục với phản hồi cụ thể, kịp thời, sẽ giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên sâu của học sinh.

Bạn đã đạt được thành công gì trong các kỳ kiểm tra đánh giá để nâng cao kiến thức và kỹ năng? Hãy chia sẻ trong phần bình luận bên dưới.

Xem thêm tại sao tôi thiết kế lại chương trình giảng dạy mỗi năm

ben-johnson

TÁO GIÁO DỤC dịch