Cô giáo em lúc có người dự giờ!

Mỗi lần có dịp dự giờ giáo viên trong các tiết “giáo viên giỏi” hay xem một video trên youtube về một tiết dạy, tôi đều nhận thấy một giọng điệu rất “lạ” của giáo viên (mà thường là của các cô giáo). Nếu không tin các thầy cô có thể tái hiện lại một tiết dự giờ của đồng nghiệp trong trường mình. Tôi chắc chắc rằng, các thầy cô đều ít nhất một lần được nghe “chất giọng” rất đặc biệt này.

Chúng ta thử dừng lại một nhịp để mô tả, tái hiệu về giọng điệu này:

Đầu tiên là độ cao thấp của giọng. Việc ngân nga, lên xuống có lẽ cũng là điều bình thường trong quá trình dạy học. Nhưng không hiểu sao, trong các tiết dự giờ nó được đẩy lên thành những “cung bậc” kỳ diệu, lên bổng xuống trầm. Khi lên cao, khi thì xuống thấp, lúc khoan lúc nhặt. Khi cao thì vút tận mây xanh, khi xuống thấp là là mặt đất. Nghe giọng giảng bài mà tôi cứ ngỡ đang ngồi trong một nhà hát, hay một diễn viên nhạc kịch đang biểu diễn trước hàng vạn khán giả hay nghe đang nghe một chính trị gia đang diễn thuyết trước đông đảo quần chúng.

Thứ hai là tính khuôn mẫu của những ngôn ngữ được sử dụng. Tôi thừa nhận, con người, ai cũng muốn phô ra những điều tốt đẹp và giấu đi những điều xấu của mình. Vì thế, tiết dự giờ thao giảng, các thầy cô muốn phô ra thật đầy đủ những tình cảm tốt đẹp của mình cho học sinh. Chúng ta nói với học sinh bằng những ngôn ngữ hết sức khuôn sao “cô mời em nào…” “Cô cảm ơn em…” “cảm ơn em, mời em ngồi xuống”… Sự khuôn mẫu, lặp đi lặp lại của ngôn ngữ, cùng với giọng điệu lên xuống như cộng hưởng với nhau, làm tăng thêm sự “diễn” của tiết dạy.

Thứ ba là các cử chỉ đi kèm với ngôn ngữ. Cũng giống như lời nói, cử chỉ đi kèm cũng rất “điệu”, nhưng cánh tay đưa lên nhẹ nhàng, khi thì đặt lên môi, khi thì đặt lên ngực trái, lúc thì bàn tay đưa khẽ về phía học sinh, lúc thì đôi mắt nhắm hờ, khi thờ mở thật to… cũng thật “lạ” phải không thầy cô?

(Ví dụ minh họa một tiết dạy)

Nhưng giọng điệu này thường xuất hiện ở đâu? Và khi nào? Nó thường xuất hiện trong các tiết có người dự giờ, trong các buổi hội giảng hay trong các trường hợp cần minh họa và phô diễn (quay video tiết dạy).

Không hiểu sao, tôi khá dị ứng với giọng điệu của giáo viên như vậy. Tôi có cảm giác rằng, đó là những tiết dạy không thật, những cảm xúc và hành động không thật. Nó chỉ được diễn để cho người khác xem, để chứng tỏ bản thân mình mà không thực sự hướng đến hiệu quả của việc dạy học hay mức độ nắm kiến thức của học sinh.

Đối với học sinh, hẳn các em cũng sẽ thấy rất lạ, như thể có một cô giáo khác đã nhập vào thân xác thường ngày của cô giáo mà chúng vẫn thấy. Dường như, chưa bao giờ cô lại dạy theo kiểu đó, cách đó, giao tiếp với học sinh như vậy.

Về phía các giáo viên, chính các đồng nghiệp và giáo viên đó cũng không thích cảm giác phải điệu, phải diễn như vậy. Họ thấy rằng những gì họ làm cũng không đúng với thói quen và bản chất của họ. Tôi tin rằng, khi xem lại các video bài giảng đó, nhiều giáo viên cũng cảm thấy “xa lạ” với chính bản thân mình.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi điều này. Đã đến lúc chúng ta cần thành thật hơn với chính mình, học sinh và đồng nghiệp của mình. Đã đến lúc, chúng ta cần biết mỗi tiết dạy bình thường được chuẩn bị công phu như tiết dự giờ. Và mỗi tiết dạy dự giờ cung giống như tiết dạy bình thường.

Tôi biết, các thầy cô sẽ nói với tôi rằng: Khó lắm, vì sếp thế này, tổ trưởng thế kia, rồi các trường khác họ cũng như vậy… tôi hiểu và rất hiểu về điều đó. Nhưng các thầy cô hãy dũng cảm là chính bản thân mình, hãy nói tiếng nói từ bên trong của mình, hãy nỗ lực hàng ngày để không phải diễn trong tiết dự giờ. Khi đó, các thầy cô chắc chắn sẽ có được niềm vui và niềm hạnh phúc thực sự với công việc giảng dạy. Khi đó, học sinh của các thầy cô cũng sẽ cảm thấy việc học thực sự là điều hấp dẫn và thú vị đối với chúng. Và khi đó, các thầy cô cung sẽ tự tin và thoải mái để nói, làm và dạy theo cách mà mình vẫn đang làm, ngay cả khi có người dự giờ lớp học – cho dù người đó có là bộ trưởng đi chăng nữa!

Táo Giáo Dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *