Một trong những hệ thống dạy học phổ biến nhất mà giáo viên ngày nay đang sử dụng được gọi là dạy học toàn não bộ. Chiến thuật dạy học toàn não bộ nhấn mạnh việc học tập tích cực chủ động. Kiểu tiếp cận dạy học này bắt nguồn từ việc học tập diễn ra khi bạn sử dụng cả hai bán cầu não (trái và phải), người học sẽ có sự liên hệ tốt hơn. Trong chiến thuật dạy học toàn não bộ, giáo viên có thể mở nhạc trong khi dạy hoặc sử dụng những liệu pháp được chỉ định để giúp tạo lập một không gian thư giãn, trong khi học sinh được khuyến khích hình dung tưởng tượng, vẽ và thực hành những gì họ đang học. Thực chất, chiến thuật dạy học toàn não bộ đang khai thác cách não bộ hoạt động tốt nhất. Chiến thuật dạy học được kích hoạt khi bạn sẵn sàng sử dụng nó theo cách mới, độc đáo.
Có 7 bước quan trọng trong dạy học toàn não bộ mà giáo viên phải kết hợp trong lớp học. Sau đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu từng bước.
Bước 1 – Chiến thuật lôi kéo sự chú ý: Cả lớp – Có!
Trước khi bắt đầu mỗi tiết dạy, giáo viên phải thu hút sự chú ý của học sinh. Giáo viên phải hô “Cả lớp” theo bất kì cách nào hoặc tông giọng nào mà cô ấy muốn, sau đó học sinh phải bắt chước giọng nói của giáo viên và trả lời “Có”. Bạn có thể thực hiện một số cách: Giáo viên nói một hoặc hai lần. Ví dụ, “Cả lớp, cả lớp”, và học sinh sẽ trả lời “Vâng, vâng.” Một lựa chọn khác là biến đổi từ (chẳng hạn như “Cả lớp ơi”) và nói ba hoặc bốn lần, các học sinh sẽ trả lời “Có em”. Sau khi giáo viên đã có được sự chú ý của học sinh, bạn chuyển sang bước 2.
Bước 2 – Nội quy lớp học
Có 5 quy định trong lớp mà học sinh phải tuân theo. Trước tiết học, giáo viên phải thông qua 5 quy tắc để đảm bảo tất cả học sinh hiểu. Mỗi quy tắc đi kèm một cử chỉ.
- Quy tắc 1 – Thực hiện thật nhanh theo hướng dẫn (di chuyển bàn tay hoặc ngón tay của bạn trong chuyển động bơi về phía trước).
- Quy tắc 2 – Giơ tay khi muốn phát biểu (giơ tay lên và làm một cử chỉ mở miệng).
- Quy tắc 3 – Giơ tay khi muốn ra khỏi chỗ (giơ tay lên và vẫy các ngón tay).
- Quy tắc 4 – Lựa chọn thông minh (gõ nhẹ vào thái dương của bạn).
- Quy tắc 5 – Làm giáo viên hài lòng (Dùng hai tay để kéo miệng thành một nụ cười).
Bước 3 – Dạy học/ Vâng
Đây là phần hướng dẫn của tiết học. Giáo viên chia học sinh thành các nhóm và dạy các phần thông tin nhỏ trong khi sử dụng cử chỉ hoặc một số cử động nào đó. Trong thời gian đó, có thể sử dụng các bài hát hoặc bài thơ. Khi giáo viên thực hiện xong phần đầu của bài học, họ hô lên “Dạy học” và học sinh trả lời bằng “Vâng”, sau đó các học sinh quay sang bạn cùng nhóm và giảng lại những gì giáo viên vừa dạy. Trong thời gian này, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức. Sau đó, giáo viên chuyển sang phần tiếp theo của bài học, và lặp lại quá trình tương tự một lần nữa.
Bước 4 – Đổi lượt
Bước này được sử dụng kết hợp với bước 3. Khi học sinh “dạy” cho các bạn cùng lớp, họ phải luân phiên sử dụng các cử chỉ và bắt chước các cử chỉ. Một cách đơn giản để thực hiện điều này là đánh số học sinh 1 và 2. Bây giờ bạn chỉ cần nói “Đổi lượt” và tự khắc học sinh sẽ biết mình đến lượt làm ngược lại những gì họ vừa làm.
Bước 5 – Động cơ thúc đẩy: Bảng điểm
Bảng điểm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của học sinh. Dưới đây là hai ví dụ.
Mặt cười / Mặt mếu (Mẫu giáo – 4 tuổi)
Học sinh nhận được một mặt cười hoặc một mặt mếu tùy thuộc vào việc họ thực hiện tốt hay chưa tốt. Mỗi lần giáo viên cho mặt cười / mếu (mỗi mặt tương đương tối đa 3 điểm), giáo viên làm một cử chỉ và / hoặc hô “Lại lần nữa nào” khi họ làm tốt, và “Aww” khi họ làm chưa tốt. Sau đó, các học sinh đáp lại bằng cách vỗ tay 1 lần và hô “Yeah” hoặc “Aww”, tùy thuộc vào sự thể hiện của họ. Cuối buổi học, nếu số mặt cười nhiều hơn mặt mếu, học sinh sẽ có thêm thời gian chơi.
Giáo viên và Học sinh (5 – 12 tuổi)
Các quy tắc tương tự áp dụng cho nhóm tuổi này, sự khác biệt duy nhất là giáo viên được cho điểm và không có mặt mếu. Phần thưởng có thể là bất cứ điều gì từ thêm giờ nghỉ đến không có bài về nhà.
Bước 6: Tập trung tay và mắt
Sẽ có lúc giáo viên cần lấy lại sự chú ý của học sinh. Khi đó, giáo viên sẽ nói “Tay và mắt”, đồng thời ra hiệu. Các học sinh sẽ làm theo.
Bước 7: Cái gương
Để học sinh thực sự tập trung vào bài học, giáo viên có thể nói “Cái gương”, đi kèm với một cử chỉ. Sau đó, học sinh sẽ bắt chước giáo viên. Bước này có thể được sử dụng bất cứ lúc nào trong suốt bài học.
Phương pháp dạy học toàn não bộ có thể được sử dụng với tất cả các bước nói trên, hoặc chỉ với một vài bước. Nhiều giáo viên thấy rằng họ thích kết hợp các bước thu hút sự chú ý và bước Dạy học/ Vâng. Trong khi những người khác chọn sử dụng bước chấm điểm hoặc tất cả các bước. Việc lựa chọn tùy thuộc vào phong cách giảng dạy tốt nhất của bạn, cũng như cách học sinh của bạn học tốt nhất.
Bạn nghĩ gì về dạy học toàn não bộ? Bạn có sử dụng phương pháp này trong lớp học của bạn không? Hãy chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của bạn trong phần bình luận dưới đây, chúng tôi rất muốn lắng nghe những ý kiến của bạn.
Đặng Thanh Hiền dịch
Tác giả: Janelle Cox
Tham khảo video về phương pháp dạy học toàn não bộ: