Bộ não người không được thiết kế nhằm phục vụ nền giáo dục công nghiệp.

Nó được định hình qua hàng triệu năm thích ứng tuần tự để đáp ứng nhu cầu môi trường luôn thay đổi. Theo thời gian, bộ não phát triển cả về kích cỡ và độ phức tạp; các cấu trúc cũ được bảo tồn và các cấu trúc mới xuất hiện. Khi chúng ta tiến hóa thành những sinh vật xã hội, bộ não của chúng ta đã trở nên vô cùng nhạy cảm với thế giới xã hội xung quanh.

Sự kết hợp các quá trình bảo tồn, thích ứng và đổi mới đã tạo ra một bộ não phức tạp đáng kinh ngạc, có khả năng làm mọi thứ từ việc điều khiển việc hít vào thở ra đến tạo dựng nên văn hóa. Sự phức tạp hơn ấy đi kèm với một điều kiện. Những hệ thống này không những phải phát triển và kết nối mà còn phải cân bằng và phối hợp đúng cách để đạt hiệu suất tối ưu.

Lịch sử tiến hóa này đặt ra thách thức cho các nhà giáo dục. Mặc dù các phát hiện về thần kinh học xã hội có thể cung cấp một số chỉ dẫn ban đầu cho giáo viên, nhưng chúng không thể thay thế cho sự linh hoạt cần thiết trong lớp học nhằm đáp ứng tập thể học sinh. Học sinh và giáo viên không phải là những nguyên liệu thô sơ hàng loạt hoặc các công nhân trong dây chuyền lắp ráp mà là một bộ sưu tập đa dạng về những con người đang sống, đang hít thở, với lịch sử tiến hóa phức tạp, nguồn gốc văn hoá và các câu chuyện đời thường.

Nếu tiếp tục, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng mô hình giáo dục rập khuôn cho tất cả các học sinh và giáo viên sẽ thất bại.

Thông qua hiểu biết về hoạt động não bộ của học sinh và việc sử dụng kiến thức đó nhằm mang lại lợi ích cho việc học trên lớp, chúng ta có thể tác động tích cực đến giáo dục trong lớp học và chuẩn bị cho học sinh đối mặt với tương lai không thể biết trước. Dưới đây là 9 thông tin khoa học mà các nhà giáo dục cần ghi nhớ.

  1. Bộ não là một cơ quan xã hội.

Bộ não của chúng ta đòi hỏi sự kích thích và kết nối để tồn tại và phát triển. Một bộ não không giao tiếp với các bộ não khác và không có đủ thách thức sẽ co lại và cuối cùng sẽ chết – ngoài ra, môi trường chính của con người hiện đại là ma trận các mối quan hệ xã hội. Kết quả là, các mối quan hệ hỗ trợ, thân thiết sẽ kích thích những cảm xúc tích cực, sự giãn nở thần kinh và học tập.

Đó là lý do tại sao giáo viên cần phải tạo ra những trải nghiệm xã hội tích cực trong lớp học. Từ quan điểm thần kinh học, vai trò của giáo viên rất giống vai trò của cha mẹ trong việc phát triển não bộ của đứa trẻ. Sự lạc quan, động viên, cho người khác thấy lợi ích của sự nghi ngờ (nhằm đánh giá thấu đáo một vấn đề) đã được chứng minh là có tác động tích cực đến kết quả. Sự quan tâm chu đáo và tích cực đối với học sinh cũng có tác động tương tự. Khuyến khích các chương trình học tập cảm xúc – xã hội làm giảm sự xung đột giữa các học sinh và tạo môi trường xã hội tích cực trong lớp học là những việc làm đáng quý đối với sự học tập.

  1. Chúng ta có hai bán cầu não.

Các bán cầu não khác biệt với nhau, phát triển các chức năng và kỹ năng chuyên biệt. Nói chung, bán cầu não trái đảm nhiệm việc xử lý ngôn ngữ, suy nghĩ tuyến tính và hoạt động xã hội, trong khi bán cầu phải chuyên về xử lý không gian thị giác, cảm xúc mãnh liệt và kinh nghiệm cá nhân.

Tuy nhiên, hầu hết các nhiệm vụ có sự đóng góp của cả hai bán cầu não. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết làm thế nào vận dụng được cả hai bán cầu não trong không gian lớp học.

Các giáo viên có trực giác tốt nắm bắt điều này ở học sinh của họ, tìm cách cân bằng cảm xúc và nhận thức, khuyến khích học sinh tự ý thức và khám phá cảm xúc của bản thân trong khi giúp học sinh phát triển khả năng nhận thức của bán cầu não trái, từ đó, điều chỉnh cảm xúc.

Hoạt động kể chuyện có thể hữu ích trong trường hợp này, vì những câu chuyện có thể đóng vai trò công cụ tổ chức mạnh mẽ trong việc kết nối mạng lưới thần kinh. Một câu chuyện được kể lại, chứa đựng những mâu thuẫn, giải pháp và suy nghĩ gắn liền với cảm xúc, sẽ định hình bộ não và kết nối mọi người.

  1. Học sớm là điều nên làm.

Phần lớn việc học tập về cảm xúc và giao tiếp quan trọng nhất xảy ra trong những năm đầu tiên của cuộc đời, khi các mạng thần kinh sơ khởi của chúng ta được kiểm soát. Những kinh nghiệm ban đầu định hình các cấu trúc theo phương thức có ảnh hưởng suốt đời lên ba lĩnh vực quan trọng nhất trong học tập: sự gắn bó, sự điều tiết cảm xúc và lòng tự trọng. Ba lĩnh vực học tập tạo cho chúng ta khả năng kết nối với người khác, đối phó với căng thẳng, và cảm thấy bản thân mình có giá trị.

Mỗi khi trẻ hành xử theo cách mà chính chúng (hoặc chúng ta) không hiểu, giáo viên có cơ hội để khám phá thế giới bên trong của họ. Khi những trải nghiệm đau đớn có thể được suy nghĩ một cách có ý thức, gọi tên và đặt vào một câu chuyện mạch lạc, trẻ sẽ có khả năng tái kết nối các mạng nơ-ron liên quan đến ảnh hưởng, nhận thức và ý thức về cơ thể.

Khuyến khích học sinh viết nhật ký về những trải nghiệm của họ, vì nó khiến học sinh hiểu bản thân hơn và giảm bớt lo lắng, căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy rằng viết về kinh nghiệm của bạn có thể làm tăng các hành vi tốt và giúp điều chỉnh cảm xúc, điều mà có thể đã bị bỏ lỡ trong những trải nghiệm chấn động ban đầu.

  1. Nhận thức tự giác và không tự giác xảy ra với tốc độ khác nhau, thường là đồng thời.

Nhận thức tự giác và trí nhớ rõ ràng chỉ là một phần nhỏ trong số lượng lớn các chu trình thần kinh xảy ra trong mỗi mili giây.

Hãy suy nghĩ xem có bao nhiêu điều bạn làm mà không phải suy nghĩ về chúng: thở, đi bộ, điều hòa, thậm chí viết cú pháp của một câu, những việc đó đều được xử lý tự động. Bộ não có thể xử lý thông tin đầu vào, phân tích nó dựa trên kinh nghiệm sống, và trình bày trong nửa giây. Bộ não sau đó tạo ra ảo giác rằng những gì chúng ta trải qua đang xảy ra ngay bây giờ và rằng chúng ta đang đưa ra các quyết định dựa trên các quy trình suy nghĩ có ý thức của chúng ta.

Vì lý do này, điều đặc biệt quan trọng là dạy học sinh hoài nghi những giả định của chính họ, những ảnh hưởng có thể có của những kinh nghiệm trong quá khứ cùng những thành kiến ​​không tự giác trong cảm xúc và niềm tin của họ.

Điều này đặc biệt đúng khi đề cập đến thành kiến. Do điều kiện sợ hãi không đòi hỏi nhận thức tự giác nên phản ứng của não đối với các cá thể thuộc chủng tộc khác không liên quan đến thái độ có ý thức của chúng ta. Buổi thảo luận mở và trình bày sự liên kết chủng tộc có thể biến sự ủng hộ thành kiến thành những niềm tin có ý thức và hành vi tiêu cực.

  1. Tâm trí, não, và cơ thể có quan hệ mật thiết với nhau.

Hoạt động thể chất có tác động kích thích lên toàn thể bộ não để giữ cho nó hoạt động ở mức tối ưu. Tập thể dục đã được chứng minh là kích thích sự ra đời của các tế bào thần kinh mới trong vùng hồi cá ngựa (một bộ phận của não) và bơm nhiều oxy đến não hơn, kích thích sự phát triển của mao mạch và sự dẻo dai của thùy trước.

Chế độ dinh dưỡng thích hợp và ngủ đủ giấc cũng rất cần thiết cho việc học. Mặc dù não chỉ chiếm một phần của trọng lượng cơ thể, nó tiêu thụ khoảng 20% năng lượng, có chế độ dinh dưỡng tốt là một phần quan trọng đối với học tập. Ngủ làm tăng hiệu suất nhận thức và tăng cường học tập, trong khi thiếu ngủ hạn chế khả năng của chúng ta trong việc duy trì sự cảnh giác và chú ý. Thiếu ngủ cũng được chứng minh là làm giảm sự linh hoạt trong suy nghĩ và ra quyết định.

Nhận thức về những thực tế sinh học này có thể dẫn đến thay đổi thời gian đến trường, chế độ ăn trưa, và thời gian nghỉ. Giáo viên có thể dạy học sinh về tầm quan trọng của giấc ngủ và đưa ra gợi ý về các thói quen để ngủ ngon hơn, như cách tạo ra một môi trường tốt cho việc ngủ và tạo sự thư giãn. Chế độ dinh dưỡng tốt và tập thể dục thường xuyên có thể được kết hợp vào môi trường học đường. Giảng dạy về sự liên kết giữa não bộ, cơ thể, và cách chúng ta học hỏi sẽ cung cấp cho học sinh kiến ​​thức khoa học quan trọng, có thể cải thiện thành tích học tập và sức khoẻ thể chất.

Ngoài ra, việc học tập có thể bị cản trở bởi những điều kiện môi trường nhất định. Cơ sở vật chất không đầy đủ, âm thanh kém, tiếng ồn bên ngoài, và ánh sáng lớp học không đầy đủ đều dẫn đến kết quả học tập kém hơn. Ghế được thiết kế không phù hợp sẽ không hỗ trợ việc lưu thông máu lên não và cản trở nhận thức, trong khi nhiệt độ trên 74-77 độ F đã được kiểm chứng là tương ứng với điểm tập đọc và điểm toán thấp hơn. Một bầu không khí ham học có thể hữu ích đối với học sinh nếu đáp ứng được các nhu cầu cơ thể.

  1. Bộ não có khoảng tập trung ngắn, cần sự lặp lại và tiếp nhận qua nhiều kênh để việc học tập được chuyên sâu.

Sự tò mò, sự thôi thúc khám phá và khuyến khích tìm kiếm điều mới lạ đóng một vai trò quan trọng đối với sự sống. Chúng ta được phú cho sự ham học hỏi nhờ có dopamine và opioids (các chất tạo cảm xúc tốt trong não), được kích thích khi đối mặt với một điều mới mẻ. Bởi vì bộ não của chúng ta trở nên luôn cảnh giác với một môi trường liên tục thay đổi, chúng ta học tốt hơn trong các khoảng thời gian ngắn.

Đây có thể là một trong những lý do tại sao sự thay đổi về mặt vật chất, sự nghỉ ngơi, thậm chí cả giấc ngủ ngắn cũng giúp việc học tập dễ dàng hơn. Có thể là giáo viên cần phải tái thiết lập sự chú ý của học sinh cứ 5-10 phút một lần và tiếp tục chuyển sự tập trung đến các chủ đề mới.

Học tập cũng liên quan đến việc tăng cường sự liên kết giữa các nơ-ron thần kinh. Các nhà thần kinh học cho biết: “Các tế bào thần kinh bắt lửa cùng nhau”, đó là lý do tại sao sự nhắc lại kiến thức hỗ trợ việc học, nếu không có sự lặp lại thì các kết quả phát sinh sẽ trở nên rời rạc. Giáo viên cố gắng đảm bảo rằng họ lặp lại những điểm quan trọng trong bài giảng để việc học được khắc sâu hơn.

Các mạng thần kinh cảm xúc, giác quan, điều khiển đều chứa hệ thống bộ nhớ riêng của chúng, việc học tập đa kênh được ứng dụng vào mỗi mạng này làm tăng khả năng lưu trữ và hồi tưởng. Chúng ta có khả năng tuyệt vời trong việc ghi nhớ hình ảnh và thông tin bằng văn bản viết hoặc nói kết hợp với thông tin thị giác nhằm hồi tưởng tốt hơn. Có nhiều khả năng rằng việc học sẽ bao quát cả bên ngoài lớp học nếu nó được tổ chức thông qua các mạng cảm giác, thể chất, tình cảm và nhận thức.

  1. Nỗi sợ và áp lực làm việc học sa sút.

Sự tiến hoá đã định hình trí não của chúng ta sẽ cảnh báo nhầm và gây ra nỗi sợ bất cứ khi nào ta cảm thấy cần thiết. Nỗi sợ hãi làm cho chúng ta kém thông minh vì sự kích thích của amiđal – nó xảy ra như là một phần của phản ứng sợ hãi – cản trở chức năng tiền tuyến. Nỗi sợ hãi “đóng băng” suy nghĩ của chúng ta, dẫn đến “ám ảnh cưỡng chế” – sợ hãi bất cứ điều gì mới.

Các tình huống căng thẳng kích hoạt sự giải phóng hormone gây áp lực cortisol, điều này cản trở sự phát triển thần kinh. Sự căng thẳng kéo dài làm suy yếu khả năng học hỏi, khả năng duy trì sức khoẻ thể chất của chúng ta.

Thành công trong học tập của học sinh phụ thuộc vào khả năng làm giảm căng thẳng bằng cách nào đó. Việc đưa các kỹ thuật kiểm soát sự căng thẳng vào chương trình giảng dạy là một ứng dụng rõ ràng của khoa học thần kinh đối với giáo dục, có thể cải thiện tình trạng học tập, tình cảm tinh thần và sức khoẻ thể chất. Giáo viên có thể sử dụng sự ấm áp, quan tâm chăm sóc của mình, tích cực tạo ra một trạng thái tinh thần làm giảm sự sợ hãi và làm tăng chất dẫn truyền thần kinh cũng như việc học tập.

  1. Chúng ta phân tích những người khác nhưng lại không phân tích chính mình: sự ưu tiên trong phóng chiếu.

Bộ não của chúng ta phát triển nhằm chú ý đến hành vi và cảm xúc của người khác. Không chỉ là một quá trình phức tạp, nó còn diễn ra rất nhanh, hình thành kinh nghiệm của chúng ta về người khác trong thời gian mili giây, thậm chí trước cả khi chúng ta nhận thức một cách tự giác về sự hiện diện của chúng. Chúng ta tự động tạo ra một giả thuyết về những gì người khác nghĩ – những ý tưởng của chúng ta về những gì họ biết, động cơ của họ có thể là gì, và những gì họ có thể làm tiếp theo. Kết quả là, chúng ta nhanh chóng nghĩ rằng mình biết về người khác vì chúng ta chậm nhận thức được động cơ và sai lầm chủ quan của mình.

Nghĩ về người khác và cố gắng đặt mình hoàn cảnh của người đó có thể giúp chúng ta hiểu bản thân và tăng khả năng đồng cảm. Các bài tập đơn giản hướng dẫn học sinh kiểm tra xem họ nghĩ gì và cảm nhận gì về người khác có thể đúng đối với bản thân họ và mở ra một con đường tự nhận thức, thấu cảm và thấu hiểu. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh kiểm chứng cuộc sống của các nhân vật lịch sử và các nhân vật trong sách, trong phim để giúp họ có được cái nhìn về sức mạnh trực giác, động cơ và sai lầm nhận thức của chính họ.

  1. Học tập nâng cao bằng cách khắc họa bức tranh toàn cảnh, sau đó cho học sinh tự khám phá các chi tiết.

Khi các vấn đề được trình bày ở mức độ trừu tượng cao hơn, việc học có thể được tích hợp vào các lược đồ lớn hơn giúp tăng cường khả năng ghi nhớ, học tập và tính linh hoạt trong nhận thức. Bắt đầu với các khái niệm chính và liên tục nhắc lại cho học sinh trong một bài giảng giúp tăng cường sự hiểu biết và trí nhớ, một hiệu ứng tăng tiến khi học sinh tạo ra các loại hình và cách thức tổ chức thông tin riêng. Đan xen các tư liệu vào các phân đoạn có ý nghĩa để học sinh dễ ghi nhớ hơn và cải thiện hiệu quả thực hành, đồng thời thêm các hoạt động gợi mở trong quá trình phân tích.

Nói đến việc khám phá những chi tiết, hãy nhớ rằng não chúng ta tiến hoá để học hỏi thông qua việc khám phá và thử nghiệm. Điều này đúng với việc học hỏi, thích nghi với môi trường xã hội và vật lí. Do đó, việc sử dụng những gì mình học được để cố gắng giải quyết các vấn đề trong thế giới thực và điều chỉnh các hành vi hoặc ý tưởng của chúng ta dựa trên kết quả làm tăng khả năng duy trì các kỹ năng và thông tin. Chúng ta được sinh ra để khám phá, và giáo viên biết tận dụng điều đó có thể thành công hơn trong lớp học.

Đặng Thanh Hiền dịch

(Nguồn:https://greatergood.berkeley.edu/article/item/nine_things_educators_need_to_know_about_the_brain)