Đôi khi việc học không phải là trải nghiệm thú vị với học sinh và trong nhiều trường hợp điều đó cũng đúng với cả giáo viên. Với một đứa trẻ, lớp học, nội dung bài học, giáo viên và những yếu tố khác không khiến chúng cảm thấy hứng thú, bị lôi cuốn, không kích thích chúng tham gia tích cực vào giờ học. Để giải được bài toán đó, người giáo viên cần phải tạo được động lực cho học sinh, khuyến khích chúng chủ động tham gia.
Dưới đây là một số chiến lược giúp giáo viên có thể làm được điều đó
- Hãy rõ ràng về mục tiêu
Nếu bạn thực sự muốn tạo động lực cho học sinh hãy giúp chúng xây dựng các mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể. Hãy cho học sinh biết một cách chính xác về điều chúng phải làm và làm như thế nào để có thể đạt được mục tiêu đó. Giáo viên hãy học cách viết mục tiêu theo nguyên tắc SMART và hướng dẫn học sinh cách tự đặt mục tiêu cho mình.
- Mỗi học sinh đều có sở thích riêng
Lớp học của bạn có bao nhiêu học sinh thì có bấy nhiêu sở thích và tính cách khác nhau. Điều đó cho thấy, việc dạy theo một cách sẽ không khiến học sinh cảm thấy hứng thú. Chính vì vậy, hãy tìm hiểu những sở thích của học sinh và tạo ra các hoạt động dạy học phù hợp với sở thích của chúng. Ví dụ, một số học sinh thích thảo luận trong các nhóm trong khi một số khác có thể muốn hoạt động cá nhân và tự đọc các tài liệu liên quan đến bài học.
- Phần thưởng là yếu tố góp phần tạo động lực
Nếu bạn thực sự đang tìm kiếm động lực cho học sinh thì đừng bao giờ quên các phần thưởng. Hãy xây dựng một hệ thống phần thưởng tương những với những hành vi tích cực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học sinh. Hãy tổ chức các buổi trao thưởng, tôn vinh, ghi nhận những thành tích của học sinh. Chắc chắn nó sẽ khiến học sinh có thêm nhiều động lực học tập. Các phần thưởng dành cho học sinh khá đa dạng. Đó có thể là lời khen, giấy chứng nhận hoặc những món quà nhỏ như sách, bút, sô-cô-la,…. Hãy nhớ, mục đích chính của phần thưởng là thúc đẩy học sinh làm việc chăm chỉ hơn để đạt được mục tiêu chứ không phải là công cụ để mặc cả với học sinh.
- Làm công việc của bạn sự nhiệt tình và trách nhiệm
Nếu bạn nỗ lực 100% trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, chắc chắn điều đó sẽ có tác động đến học sinh và thúc đẩy chúng nỗ lực hơn nữa trong học tập. Hơn nữa, tình yêu, niềm đam mê và nhiệt tình trong khi giảng dạy sẽ là nguồn cảm hứng để học sinh học tập tích cực hơn. Nó cũng giúp học sinh tin rằng việc nỗ lực và đạt được thành tích thực sự không phải là điều quá khó khăn.
- Phản hồi cũng là một yếu tố quan trọng
Khi bạn đang theo dõi học sinh làm việc đừng quên cung cấp và đưa ra các phản hồi kịp thời cho tất cả những nỗ lực mà chúng đã bỏ ra. Điều này sẽ cho học sinh biết những sai sót và những điểm chúng cần phải cải thiện. Khi học sinh có thể nhận ra sai lầm, sửa chữa và có được sự tiến bộ, học sinh sẽ nhận thấy bản thân đang có sự phát triển. Đó chính là nguồn gốc tạo nên động lực trong quá trình học tập.
- Hãy tạo ra niềm vui và sự hài hước
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng chán ghét sự nhàm chán và đơn điệu. Học sinh sẽ học tập tích cực hơn nếu chúng có thể tìm thấy niềm vui trong các hoạt động học tập. Đồng thời, học sinh cũng cảm thấy hứng thú hơn khi được học với các giáo viên vui vẻ, có óc hài hước. Nếu có được hai điều này, trường học sẽ thực sự là nơi thân thiện và học sinh sẽ có động lực để học hỏi nhiều hơn.
- Hãy giúp học sinh khơi dậy động lực bên trong
Với tư cách là một giáo viên, không phải lúc nào chúng ta cũng là người thúc đẩy. Các yếu tố như lời khen, phần thưởng chỉ góp phần tạo nên động lực bên ngoài, muốn học sinh duy trì được động lực bền lâu hơn, chúng ta cần giúp học sinh xây dựng động lực học tập từ bên trong. Đây cũng là hình thức tạo động lực mạnh mẽ nhất, vì nó giúp học sinh có thể vượt qua giới hạn của bản thân và đạt được những kết quả cao hơn. Động lực bên trong có thể đến từ việc tìm hiểu ý nghĩa thực sự của việc học, đến từ mong muốn phát triển và hoàn thiện bản thân,…
Động lực không phải là thứ tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Vai trò của người giáo viên là phải khơi dậy được động lực học tập cho học sinh (cả động lực bên trong và động lực bên ngoài). Chỉ bằng cách đó, công việc giảng dạy của giáo viên và việc học tập của học sinh mới trở thành một trải nghiệm hấp dẫn và thú vị.
https://thuviengiangday.com