Bạn biết đấy, học sinh vẫn luôn nghĩ như “học sinh”, chúng luôn cần phải có một “điểm số” nhất định để “vượt qua một khóa học”. Và trong một số trường học, điểm số có thể là cần thiết để cung cấp cho học sinh những bằng chứng cho quá trình học tập. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất đó là việc học sinh phải HỌC tốt hơn và học sinh phải cảm thấy tin tưởng vào bản thân chúng. Bài kiểm tra chỉ là cách dành cho giáo viên – và cho học sinh để xem học sinh đã học được bao nhiêu, chiếm lĩnh kiến thức thế nào trên chặng đường học tập.
Vì vậy, bạn nghĩ rằng việc kiểm tra sẽ diễn ra ở đâu, bạn nghĩ học sinh sẽ làm việc như thế nào? Dưới đây là 7 cách để thiết kế các bài kiểm tra giúp giáo viên đạt được điều đó.
7 chìa khóa để tạo nên những trải nghiệm hiệu quả
- Hãy nhớ sự khuyến khích
Nếu khuyến khích được coi là công cụ tạo động lực học tập hiệu quả đối với học sinh bạn nên thiết kế một bài kiểm tra hướng tới việc thúc đẩy học sinh tiếp tục làm việc. Bài kiểm tra nên thử thách học sinh nhưng không nên quá khó. Một số giáo viên tự hào trong việc đưa ra các bài kiểm tra khó cho học sinh. Nhưng đây là một trong những lý do tại sao học sinh không cảm thấy được khuyến khích tiếp tục học tập thậm chí là từ bỏ.
- Bao gồm nhiều loại bài tập
Đừng quá tập trung vào các bài kiểm tra trắc nghiệm. Hãy để bài kiểm tra bao gồm một số câu trong số đó là dạng nối, ghép hay điền vào chỗ trống hoặc các bài tập phù hợp. Một số học sinh giỏi tính toán, nhiều học sinh lại có năng khiếu trong cách trình bày, có học sinh giỏi về các bài viết nhưng nhiều học sinh lại thích vấn đáp và trình bày miệng…
- Điều chỉnh theo cấp độ và độ tuổi của học sinh
Những học sinh ở lớp dưới sẽ làm rất tốt với các bài kiểm tra nhiều lựa chọn và các bài tập phù hợp bao gồm hình ảnh minh họa. Đối với học sinh lớn nên đọc và viết nhiều hơn. Hãy thử các loại khác nhau phù hợp với trình độ và độ tuổi của học sinh.
- Suy nghĩ về các mục tiêu đánh giá
Bạn muốn đánh giá điều gì? Mục tiêu học tập có rõ ràng và rõ ràng cho mỗi nhiệm vụ không? Ví dụ, bạn định đánh giá khả năng nhớ kiến thức hay muốn tập trung vào năng lực tư duy. Bạn muốn đánh giá kiến thức hay kĩ năng hay thái độ của học sinh? Hãy thiết kế các bài kiểm tra gắn liền với mục tiêu đánh giá và cho học sinh biết được những nội dung bạn đang muốn đánh giá chúng.
- Đừng ném chúng một quả bóng khó đỡ
Thật tuyệt vời khi bạn sáng tạo với các loại câu hỏi và nhiệm vụ mới cho học sinh, nhưng nhớ là đừng bao giờ cung cấp cho học sinh một nhiệm vụ mà chúng chưa bao giờ thực hiện trước khi kiểm tra. Học sinh có thể bị nhầm lẫn hoặc không hiểu các hướng dẫn, và chắc chắn khi đó bạn sẽ chẳng đo được năng lực nào của học sinh ngoài sự hoang mang.
- Sử dụng tình huống có thực, không gian, bối cảnh, nhân vật ngoài đời thực
Nếu bài kiểm tra bao gồm một đoạn ngắn để đọc hiểu, hãy biến nó thành tiểu sử của một người thực, ví dụ, một diễn viên, nghệ sĩ, hoặc ca sĩ mà họ ngưỡng mộ. Nếu đó là một mô tả về một nơi, hãy sử dụng một địa điểm có thực, không phải là một vùng đất hư cấu không tồn tại. Hãy nhớ rằng, khi đó học sinh đang học cách giao tiếp trong thế giới thực.
- Đừng chỉ dừng lại ở việc cho điểm, hãy quay trở lại bài kiểm tra
Đây là yếu tố quan trọng nhất, một trong những cơ hội học tập hiếm có. Thông tin phản hồi bạn đưa ra cho mỗi học sinh sẽ là một cơ hội học tập thực sự, một đánh giá thực sự về điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, những gì chúng đã thực sự học và những gì họ cần để tiếp tục nỗ lực làm việc. Nếu bạn đưa ra phản hồi đúng cách – bằng cách đề cập đến cả điểm mạnh và điểm yếu của học sinh – sẽ giúp học sinh rất nhiều trong việc nâng cao kết quả học tập.
Trong suốt cả năm, bạn đã mang đến cho học sinh rất nhiều kinh nghiệm học tập có ý nghĩa. Trải nghiệm kiểm tra cũng là một trải nghiệm như vậy. Thay vì học một cái gì đó mới, học sinh có thể nhìn thấy được những gì chúng đã học được và chúng đã đi được bao xa trong công việc học tập.
Nếu bạn có bất kỳ lời khuyên nào trong quá trình làm bài kiểm tra cho học sinh, hãy chia sẻ cùng chúng tôi?
CLAUDIA PESCE
https://thuviengiangday.com dịch