Bất kể bạn đang dạy môn nào, ở cấp học nào, dù bạn có là giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn, thì có một điều không thể phủ nhận được rằng, nếu bạn không có kĩ năng quản lý lớp học hiệu quả, bạn sẽ không thể tạo nên văn hóa lớp học hiệu quả. Những thay đổi đơn giản có thể dẫn đến những kết quả bất ngờ đối với học sinh của mình.

Dưới đây là bảy chiến lược và ví dụ cụ thể về cách bạn thay đổi từ những lời nói hàng ngày với học sinh. Những chiến lược này được đề xuất dựa trên nghiên cứu trong cuốn “Nói sao cho trẻ chịu học” của Adele Faber và Elaine Mazlish, để giúp thúc đẩy hợp tác và xây dựng văn hóa lớp học tích cực.

  1. Mô tả vấn đề

Đừng bắt học sinh phải đoán ý của bạn. Khi bạn muốn học sinh làm một điều gì đó, hãy nói cho chúng biết. Điều bạn cần làm cô cùng đơn giản là mô tả vấn đề, thay vì buộc tội hoặc đưa ra các mệnh lệnh. Bằng cách này, bạn sẽ đưa cảm xúc cá nhân ra khỏi tình huống và hướng học sinh theo hướng giải quyết vấn đề.

Khi bạn thấy một lớp học mấy trật tự, thay vì nói: Làm cái gì mà ồn ào vậy? Cứ như là đang họp chợ ấy. Tất cả có im lặng ngay không!

Hãy nói: Cô nghe thấy rõ tiếng các bạn đang chạy trong lớp. Tất cả hãy trật tự và ngồi vào vị trí.

  1. Cung cấp thông tin

Khi bạn đơn giản làm công việc cung cấp thông tin mà không xúc phạm hay phán xét, học sinh sẽ ít cảm thấy đề phòng hơn và có nhiều khả năng thay đổi hành vi.

Khi bạn muốn nói: Tại sao điều khiển máy chiếu lại nằm dưới ghế? Anh chị có biết, điều khiển đó đắt tiền lắm không? Anh, chị phải biết giữ gìn tài sản công chứ!

Hãy thử thay đổi lại cách nói: “chiếc điều khiển máy chiếu sẽ không thể hoạt động được nếu nó bị vỡ hay hư hỏng”.

  1. Đưa ra một sự lựa chọn

Không ai thích bị ông chủ lượn lờ ở xung quanh hoặc gửi những lời đe dọa. Hãy đưa ra sự lựa chọn và trao quyền cho học sinh, dạy học sinh cách kiểm soát hành vi của chính chúng.

Khi bạn muốn nói: “Tại sao em vẫn chưa biết được chữ nào trong bài làm? Nếu em không hoàn thành, giờ ra chơi, cả lớp sẽ được ra ngoài còn em thì sẽ phải ở lại lớp.

Hãy thử thay đổi: Thầy thấy em gặp khó khăn khi bắt đầu viết đoạn văn của bạn. Em có muốn đề xuất một ý tưởng với thầy hoặc chọn một chủ đề mới không?

  1. Nói ngắn gọn hoặc dùng ngôn ngữ cơ thể

Bạn đã bao giờ nghe thấy những tiếng ngáp hay rì rầm nói chuyện khi bạn bắt đầu giảng bài hoặc thuyết giảng đạo đức chưa? Đôi khi việc nói ngắn gọn có tác dụng mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích học sinh suy nghĩ về một vấn đề về hành vi và tự chúng sẽ đưa ra giải pháp.

Khi một học sinh nói chuyện, nếu bạn muốn nói: Nếu thầy còn nhìn thấy em nói chuyện một lần nữa, thầy sẽ ghi em vào sổ đầu bài. Em có biết rằng, em sẽ bị phạt vào cuối tuần và thông báo cho phụ huynh không?…

Đơn giản hãy nói: Hùng!Trật tự…!

  1. Mô tả những gì bạn cảm thấy

Trong quá trình dạy học, đừng ngại cho học sinh biết cảm xúc của mình. Hãy bắt đầu bằng từ “Thầy cảm thấy…”, sau đó đơn giản là mô tả cảm xúc của mình mà không tấn công hay xúc phạm học sinh. Tôi chắc chắn là học sinh sẽ có sự thay đổi về hành vi và có cách phản ứng thích hợp.

Khi bạn nói: Hành vi của em không thể chấp nhận được, em không làm bài tập 3 lần trong tuần này, bị ghi tên vào sổ đầu bài,…

Hãy nói: Thầy cảm thấy không vui khi em đã không làm bài tập và vi phạm nội quy của lớp.

  1. Hãy dùng chữ viết thay cho lời nói

Hãy tưởng tượng bạn liên tục phải nhắc học sinh về một vấn đề gì đó, nó sẽ khiến cả giáo viên và học sinh đều khó chịu. Đôi khi chữ viết có giá trị nhiều hơn lời nói.

Khi bạn muốn nói: Góc học tập của bạn thật bừa bộn, sách vở lộn xộn, bút thước vứt bừa bãi,…

Hãy dùng một lời nhắn viết trên mảnh giấy: “Hãy thu dọn chỗ ngồi gọn gàng!”

  1. Hãy vui tươi và hài hước

Đừng qua căng thẳng, đừng lúc nào cũng dùng mệnh lệnh hay quát mắng. Hãy thử một điều gì đó bất ngờ và hài hước.

Khi bạn muốn nói: Ai đang nói chuyện trong lớp đó? Đã nhắc đi nhắc lại, ngồi trong lớp phải giữ trật tự chứ…

Hãy thay bằng giọng hài hước: theo kiểu bắt chước lời của một bài hát “Có một người vẫn yêu một người, đang thì thầm điều gì đó trong giờ…”.

Khi đó mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Vậy đó, là giáo viên không có nghĩa là chúng ta có quyền. Một lớp học tích cực chỉ có được khi cả học sinh và giáo viên cùng nỗ lực tạo dựng và hành động. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, hãy thay đổi từ những điều nhỏ bé, chắc chắn bạn sẽ có một lớp học thực sự hiệu quả.

https://thuviengiangday.com