Tôi đã thử làm một thí nghiệm, yêu cầu một em học sinh làm một bài kiểm tra cuối kì sau khi ôn tập, em đó đã giành được điểm A một cách dễ dàng. Nhưng sau một mùa hè dài với các hoạt động vui chơi, không có sự ôn tập  tôi thực sự muốn biết em học sinh đó còn nhớ được bao nhiêu kiến thức?

Như đã dự đoán, những gì mà em học sinh nhớ được là rất ít. Như vậy từ một học sinh xuất sắc, em chỉ có thể đạt điểm C trong cùng một bài kiểm tra. Em ấy không thể nhớ các các sự kiện lịch sử phức tạp mà chỉ đọc qua một lần, cũng không kết nối một cách hiệu quả những luận điểm chính về vấn đề và nguyên nhân dẫn đến các sự kiện. Lí giải cho điều này là bởi, quá trình học tập đã không được tiến hành một cách sâu sắc ngay từ đầu.
Để hiểu rõ hơn tại sao điều này lại xảy ra, tôi đã nói chuyện với Mark A. McDaniel, tác giả của cuốn sách: “Khoa học của học tập thành công” và là giám đốc trung tâm nghiên cứu tổng hợp về Nhận thức, Học tập và Giáo dục(CIRCLE) tại đại học Washington University. Và dưới đây là những điều mà chúng ta có thể làm để giúp cho việc học của học sinh trở nên lâu bền hơn:

  1. Kết nối với nội dung ý nghĩa
    Học sinh không thể tìm ra một lí do nào để ghi nhớ các sự kiện khi chúng chẳng có chút ý nghĩa hay mối liên hệ nào đối với bản thân chúng. Trong nhiều năm, tôi đã thất bại trong việc khuyến khích việc kết nối giữa những trải nghiệm và mối quan tâm/thích thú của học sinh với nội dung học tập. Khi McDaniel nói với tôi và giới thiệu về “Các kĩ thuật nhằm khơi dậy sự hứng thú của người học để mang những kiến thức trước đây và những trải nghiệm cá nhân giúp cho việc học trở nên ý nghĩa hơn đối với học sinh”. Bây giờ tôi thực sự thành công với vai trò của giáo viên lịch sử khi bản thân tôi luôn cố gắng để kết nối những điều học sinh quan tâm về những tin tức hằng ngày ngày như: các cuộc bầu cử và các cuộc biểu tình phản đối được kết nối với những chính sách của quốc gia.
  2. Hạn chế việc ghi nhớ theo kiểu học thuộc lòng
    Trước kia, tôi cũng từng khuyên khích học sinh của mình khắc sâu các sự kiện vào tâm trí bằng cách đọc và và đọc lại các đoạn văn bản. Sau này nhìn nhận lại, đây thực sự là lời khuyên ngu ngốc. McDaniel nói với tôi rằng việc đọc đi đọc lại đến mức quen thực và thường xuyên với một văn bản thực sự là một cách không hiệu quả. Nó đưa đến sự hiểu nhầm về thực chất của quá trình học tập. “Học sinh đang nhận được tín hiệu khiến chúng nghĩ rằng chúng BIẾT nhiều hơn những gì chúng có thể LÀM”. Điều này giúp chúng ta giải thích hiện tượng học sinh quên rất nhanh gần như là toàn bộ kiến thức chỉ qua mùa hè. Nó cũng giải thích tại sao một số học sinh, dù có học tập chăm chỉ và siêng năng như thế nào cũng vẫn thể hiện sự kém cỏi trong các bài kiểm tra, đánh giá.
  3. Khuyến khích sự tự đánh giá bản thân
    McDaniel khuyến khích một số kĩ thuật có thể thúc đẩy việc học và ghi nhớ. Ví dụ, giáo viên nên nhắc nhở học sinh để chúng thường xuyên nhìn nhận lại bản thân chúng, như McDaniel nói “có một ảnh hưởng trực tiếp trong nỗ lực cải thiện những sai lầm mà học sinh gặp phải trước đó và việc nhìn nhận lại những sai lầm cũng giúp học sinh hiệu chỉnh tốt hơn những điều mà chúng biết và không biết”. Thực hiện theo lời khuyên này, tôi thường xuyên yêu cầu học sinh giải thích to với chính chúng (và đôi khi là với những học sinh khác) về cách thức và lí do mà các chủ đề cũng như các thuật ngữ kết nối với nhau. Tôi cũng đưa ra những hướng dẫn học tập chi tiết cho các bài kiểm tra và bài tập, với nhiều thời gian để học sinh đánh giá việc học của chúng và tìm kiếm thêm sự giúp đỡ. Vào năm học sau, tôi sẽ lưu ý hơn những lời khuyên của McDaniel bằng cách đưa ra những khảo sát thường xuyên nhưng ngắn gọn, yêu cầu học sinh đánh giá việc học của chúng sau mỗi một bài học hoặc một chủ đề lớn.
  4. Hãy để học sinh tự tìm ra vấn đề
    Để cải thiện việc học và ghi nhớ, McDaniel cũng gợi ý rằng, giáo viên chỉ cần chỉ ra những vấn đề mà học sinh đang làm sai (hoặc hiểu chưa đúng), mà không cần cung cấp những hướng dẫn quá chi tiết. “Nếu bạn muốn giải quyết những vấn đề mà học sinh đang gặp rắc rối bằng cách đơn giản chỉ ra cho học sinh thấy chính xác điều mà chúng đã làm sai, nghĩa là học sinh sẽ không bao giờ biết cách làm thế nào để tìm ra vấn đề của chính mình”. McDaniel yêu cầu tôi cần phải cải thiện ở khía cạnh này, đặc biệt là những phản hồi về công việc của học sinh. Đôi khi, học sinh nhìn thấy có quá nhiều quá nhiều dấu mực đỏ trong bài làm và chúng cho rằng đó là một sự sỉ nhục/ đánh giá thấp sự cố gắng của chúng. Tôi đã tìm ra một bí quyết thành công hơn rất nhiều bằng cách để học sinh của tôi tự xác định và chữa lỗi sai cho các bạn trong lớp mà không biết đó là ai.
  5. Đưa ra những đánh giá thường xuyên
    Khi mới vào nghề, tôi đã thất bại khi không nhận ra được rằng đánh giá nên được sử dụng như một cách thức để tạo nên sự tiến bộ của việc học – không đơn giản chỉ để kiểm tra xem bao nhiêu dữ liệu mà một học sinh có thể nạp vào trong đầu chúng. Hơn nữa, trước kia tôi đưa ra ít đánh giá những với mỗi một đánh giá (bài kiểm tra) thường mang một khối lượng kiến thức khá nặng. Không có gì ngạc nhiên, học sinh của tôi rất sợ khi phải nhìn thấy điểm số cuối cùng và không xem lại những lỗi mà chúng mắc phải. McDaniel nói rằng các đánh giá thường xuyên giúp học sinh giảm sự lo lắng về điểm số, như ông nói “chúng ta không phải đang kiểm tra, mà chúng ta đang giúp học sinh học tốt hơn”. Đây là chiến thuật củng cố việc học và cải thiện việc ghi nhớ các thuật ngữ được lâu bền, dù các đánh giá có quen thuộc hoặc lạ lẫm như thế nào đi nữa, nó có lẽ chỉ là những câu đố vui đối với học sinh.
  6. Không trừng phạt gay gắt các sai lầm
    Giống như đã nói ở trên, trong hầu hết các trường hợp, tôi cho học sinh cơ hội để làm lại toàn bộ hoặc một phần bài kiểm tra, cho dù chúng nhận được điểm gì đi nữa. Tôi gần như không lo lắng về vấn đề tiếp nhận các khái niệm của mỗi cá nhân học sinh – chỉ cần chúng nố lực học tập. McDaniel củng cố triết lí của tôi và nói “Tôi nghĩ văn hóa của lớp học và dạy học cần phải thay đổi, rằng những sai lầm cần được xem như một cơ hội để bản thân bạn hoàn thiện và điều chỉnh”. Điều này chắc chắn khiến giáo viên phải làm việc vất vả hơn, nhưng nó rất đáng để nỗ lực vì học sinh sẽ cảm thấy an toàn trong việc mắc lỗi và biết đứng dậy từ những sai lầm.
    Còn bạn thì sao? Làm thế nào mà bạn giúp việc học trở nên có ý nghĩa và bền lâu đối với học sinh? Chúng tôi rất mong muốn lắng nghe những ý tưởng của bạn bằng cách chia sẻ qua những bình luận phía dưới.

David Cutler

Nguyễn Văn Vương – TGD dịch