Tôi nhớ rất rõ lúc mới bắt đầu vào nghề, tôi được tham gia một buổi tập huấn chuyên môn và đã cảm thấy choáng ngợp trước các phương pháp giảng dạy mới. (Lúc ấy tôi đã muốn ngay lập tức áp dụng tất cả phương pháp đó vào lớphocj.) Nhưng, sau khi những ánh hào quang của ngày hôm đó qua đi, bình tĩnh ngồi suy ngẫm lại về những chiến thuật đó, tôi nhận thấy rằng “có rất nhiều điều tuyệt vời, nhưng liệu rằng tôi có thể áp dụng được tất cả các phương pháp giảng dạy đó?

Giáo viên chúng ta thường tìm cách đổi mới và sáng tạo trong công việc, đó là điều khá hiển nhiên. Vì vậy chúng ta luôn muốn được thử những điều mới mẻ, luôn muốn trang bị đầy túi “bí kíp” dạy học của mình. Nhưng điều quan trọng là tập trung vào mục đích và mục tiêu của việc dạy học chứ không phải là vào số lượng các phương pháp. Vì vậy điều có ý nghĩa quan trọng hơn những phương pháp giảng dạy mới lại là lý do tại sao chúng ta áp dụng chúng trong tiết học

Các nghiên cứu nói gì?


Điều này thôi thúc tôi đến gặp nhà nghiên cứu giáo dục John Hattie, người đã viết bài Bài học trực quan cho giáo viên: Tối đa hóa tác động đến học tập. Thông qua nghiên cứu này, ông mong muốn giúp các giáo viên nhìn thấy và hiểu rõ hơn về việc học tập qua con mắt của học sinh.

Hattie đã có hơn 15 năm nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh phổ thông. Ông đã phát hiện mối quan hệ giữa kết quả học tập của học sinh và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Ở bài viết này tôi xin được đề cập đến 5 phương pháp giảng dạy hiệu quả:

1. Sự rõ ràng trong mục tiêu bài học của giáo viên

Khi một giáo viên bắt đầu một bài học hoặc một dự án với học sinh, giáo viên cần làm rõ mục tiêu và mục đích học tập, cùng với đó là những tiêu chí rõ ràng về sự thành công cụ thể của học sinh trong bài học hoặc dự án đó. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu giáo viên trình bày một ví dụ hoặc một mô hình cụ thể để học sinh có thể hình dung được về các sản phẩm cuối cùng của bài học.

2. Các hoạt động thảo luận trong lớp học

Các giáo viên cần thường xuyên bước xuống bục giảng và tạo điều kiện cho toàn bộ học sinh trong lớp học tham gia vào các hoạt động thảo luận. Điều này cho phép học sinh học hỏi lẫn nhau. Và đồng thời đó cũng là cơ hội tuyệt vời cho giáo viên có thể tiến hành đánh giá quá trình (thông qua quan sát) về những khái niệm học sinh đã nắm vững và những nội dung chúng vẫn chưa thực sự hiểu đúng.

3. Phản hồi

Làm thế nào người học biết được chúng đang tiến bộ mà không có những phản hồi thường xuyên và nhất quán từ giáo viên? Cùng với phản hồi cá nhân (trên giấy hoặc bằng lời) giáo viên cần cung cấp những nhận xét cho cả lớp học về những bằng chứng cho thấy sự tiến bộ của cả lớp học và những lĩnh vực cần thiết khác. Mặt khác, học sinh cũng cần có các cơ hội được đưa ra nhận xét của mình để giáo viên từ đó có thể điều chỉnh quá trình học tập, các tài liệu hướng dẫn và phương pháp giảng dạy tương ứng.

4. Đánh giá quá trình

Để cung cấp cho học sinh phản hồi hiệu quả và chính xác, giáo viên cần đánh giá thường xuyên dựa trên các mục tiêu học tập hoặc sản phẩm của bài học (đánh giá tổng kết). Chuyên gia Hattie khuyến cáo rằng, các giáo viên dành cùng một khoảng thời gian để đánh giá quá trình tương đương với thời gian dành cho các đánh giá tổng kết.

5. Các chiến lược suy ngẫm và tự nhận thức

Học sinh có cơ hội lập kế hoạch và tổ chức, theo dõi công việc của mình, định hướng việc học của chính mình, và tự suy ngẫm dựa trên quá trình học tập. Khi chúng ta cung cấp cho học sinh thời gian và không gian để suy ngẫm những gì đã học và tạo cơ hôi để học sinh bộc lộ những suy nghĩ của riêng chúng, sự tự nhận thức của học sinh tăng lên. Điều này khiến cho việc ghi nhớ kiến thức trở nên sâu sắc hơn.

Hãy hợp tác với Đồng nghiệp…


Các giáo viên giỏi là những người luôn nghiêm túc trong quá trình tự học. Hãy dành thời gian với một, hoặc hai hoặc ba đồng nghiệp, và chia sẻ về những kinh nghiệm hoặc những phần thực hành giảng dạy tốt nhất trong lớp học của bạn. Hãy thảo luận về những vấn đề đang diễn ra trong lớp học của bạn: môi trường học tập, các đối tượng học sinh của bạn là ai, chúng cần gì, chúng đã biết những gì, v.v.

Xem thêm:

6 bài học trên hành trình đi tìm giải pháp học tập hiệu quả cao cho học sinh

7 ý tưởng hiệu quả cho việc chuyển đổi mô hình học tập ngày nay

Làm thế nào để bạn có thể mang 5 chiến thuật giảng dạy hiệu quả trên đến với lớp học của mình và chia sẻ nó với đồng nghiệp? Vui lòng chia sẻ trong phần bình luận bên dưới.

Rebecca Alber

https://thuviengiangday.com dịch