Là giáo viên, ngoài công việc giảng dạy, chúng ta còn phải dành thời gian cho việc chuẩn bị giáo án, tài liệu giảng dạy, giao tiếp với phụ huynh, các công việc hành chính, giấy tờ. Những công việc này gần như chiếm hết toàn bộ thời gian trong ngạy, vậy còn thời gian nào để phát triển chuyên môn? Nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng việc đầu tư phát triển bản thân cả về chuyên môn cũng như kĩ năng làm việc sẽ giúp bạn trở thành một người giáo viên hiệu quả và có một cuộc sống cân bằng, hạnh phúc. Dưới đây là một số ý tưởng đơn giản để có thể tích hợp phát triển chuyên môn vào công việc giảng dạy hàng ngày (mà không mất quá nhiều thời gian) để có thể tạo nên sự thay đổi của chính bản thân và học sinh..

  1. Hợp tác chia sẻ ý tưởng cùng đồng nghiệp

Việc hợp tác, trao đổi ý tưởng với một trong những đồng nghiệp sẽ giúp cả hai có cơ hội  phát triển chuyên môn thường xuyên. Việc dự giờ đồng nghiệp cũng sẽ cung cấp cho bạn những ý tưởng mới, những ý tưởng mà bạn có thể chưa từng nghĩ ra. Ngoài ra, mỗi giáo viên đều có một phong cách giảng dạy riêng, việc cộng tác với một giáo viên khác sẽ giúp bạn hoàn thiện phong cách giảng dạy của bản thân. Nhưng đừng giới hạn việc chia sẻ, trao đổi chuyên môn trong một hoặc một vài người. Nếu bạn có thể, hãy khuyến khích tất cả giáo viên ở trường cùng chia sẻ ý kiến. Hãy dùng bảng thông báo trong phòng giáo viên hoặc phòng hội đồng là nơi trưng bày và chia sẻ các ý tưởng hay nhất của bạn. Tốt hơn hết, hãy dành thời gian dự giờ (thực sự) và hỗ trợ việc giảng dạy trên lớp, bạn sẽ không chỉ nâng cao khả năng chuyên môn của mình mà còn có thể tìm thấy một người bạn đồng cảm, chia sẻ với những niềm vui và nỗi buồn trong công việc.

  1. Viết nhật ký “Ngày hôm nay tôi,…”

Tôi không biết liệu bạn có bao giờ viết nhật ký giảng dạy hay không, nhưng việc ghi nhật ký giảng dạy có thể giúp bạn trở thành một giáo viên tốt hơn mà không làm bạn mất quá nhiều thời gian. Nếu bạn dành năm phút mỗi ngày để ghi lại những điều “đặc biệt” xảy ra trong ngày, có lẽ khi bạn chuẩn bị kế hoạch bài học cho ngày mai, bạn sẽ rút ra những kinh nghiệm quá giá. Hãy dành một chút thời gian vào cuối ngày để ghi lại những loại hoạt động bạn đã làm, những hoạt động nào có hiệu quả, những hoạt động nào thất bại, cách học sinh phản ứng với cách quản lý lớp học của bạn… Sau khoảng một tháng, hãy nhìn lại những gì bạn đã viết. Khi bạn suy ngẫm, bạn có thể thấy rất nhiều điều thú vị cũng như cả những bài học cho bản thân. Hoạt động này cũng giúp bạn trở thành một nhà giáo dục thực sự khi liên tục suy ngẫm những thực hành giảng dạy của bản thân và thu thập phản hồi từ phía người học. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn duy trì thói quen mang theo một cuốn sổ nhỏ và ghi lại bất kỳ điều gì tôi thầy cần thiết. Nó thực sự đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều trong công việc.

  1. Bảng suy ngẫm “Tốt” “Không tốt” “Cần thay đổi”

Một trong những công cụ tốt nhất mà tôi đã sử dụng để đánh giá việc giảng dạy của mình là suy ngẫm và đánh giá ở 3 mức độ “Tốt” “Không tốt” “Tồi tệ”. Tôi thường làm công việc suy ngẫm này vào sau một chương hoặc một học kỳ, nhưng cũng có tôi thực hiện nó sau một bài học cụ thể để nhìn lại và xác định điều gì hiệu quả, điều gì chưa hiệu quả và điều gì tôi sẽ thay đổi vào lần tiếp theo. Hoạt động này thực sự khá đơn giản. Hãy lấy một tờ giấy, vẽ ba cột với tiêu đề mỗi cột là “TỐT” “KHÔNG TỐT” “ĐIỀU THAY ĐỔI”. Trong cột đầu tiên, hãy viết mọi thứ có đã làm tốt, hoặc có hiệu quả cao: có thể là hoạt động trên lớp, một bài học, cách sắp xếp lớp học, một ý tưởng xuất sắc, một chuyến đi thực tế thành công hay bất cứ điều gì. Trong cột thứ hai, hãy lập danh sách mọi thứ không hiệu quả: Một bài kiểm tra có quá khó không? Một hoạt động có quá lộn xộn không? học sinh đã không hiểu bài giảng hoặc các ví dụ tôi đã sử dụng? Trong cột thứ ba, hãy viết mọi thứ mà bạn sẽ thay đổi vào lần tới. Những thay đổi này có thể liên quan đến cả phần tốt và phần chưa tốt trong bài học của bạn hoặc một ý tưởng mới bạn sẽ thực hiện. Một khi bạn đã viết ra nó, hãy dán nó trước bàn làm việc để ở một nơi dễ quan sát. Lần sau, mỗi khi chuẩn bị giáo án hay làm điều gì đó, bạn hãy nhìn lại nó.

  1. Hỏi học sinh của bạn

Học sinh chính là vị giám khảo công minh nhất, người có thể đưa cho bạn những phản hồi có giá trị về những điều mà bạn đã làm tốt, cũng như những điều bạn cần thay đổi để việc giảng dạy được hiệu quả hơn. Có rất nhiều cách để bạn có thể làm việc này. Bạn có thể dùng một mẫu phiếu khảo sát sau mỗi một chương/học kỳ. Hay đơn giản hơn, trong phần củng cố cuối giờ học, hãy hỏi học sinh về những điều chúng hứng thú, những điều chúng chưa rõ và những điều chúng muốn bạn thay đổi. Cũng có khi, bạn hãy nói chuyện thẳng thắn với học sinh về những điều chúng cảm thấy về bạn và việc giảng dạy của bạn… Để làm được điều đó, bạn cần có đủ sự chân thành, cầu thị, một trái tim rộng mở và bao dung. Bạn cũng cần có đủ sự chính trực, dũng cảm, và năng lực để đánh giá chính xác về những điều học sinh góp ý.

  1. Cam kết với bản thân

Có lẽ cách tốt nhất để đảm bảo sự phát triển chuyên môn cho bản thân là tận tâm với nó. Có một sự thật đáng tiếc là nếu bạn không nghiêm túc trong việc phát triển bản thân để trở thành một người giáo viên hiệu quả thì đừng bao giờ mong muốn có được một tiết học hiệu quả. Hãy ưu tiên nâng cao kỹ năng và kiến thức của bạn với tư cách là một giáo viên hiệu quả. Hãy dành thời gian cho việc suy ngẫm về công việc, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé trong mỗi giờ lên lớp chắc chắn bạn sẽ thành công.

Táo Giáo Dục

Bạn có thể tham khảo các khóa học phát triển chuyên môn của chúng tôi trên website: https://taodaotao.com/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *