Phỏng vấn xin việc là điều rất thú vị (tôi thề là như vậy)! Nó cho chúng ta cơ hội mới, đồng nghiệp mới và những thách thức mới sẽ thay đổi con đường sự nghiệp của bản thân. Bạn cảm thấy nó không phải là điều quá khó khăn phải không? Và đây là yếu tố đầu tiên đảm bảo bạn sẽ có được công việc giảng dạy phù hợp. Khi bạn chuẩn bị câu trả lời cho một số câu hỏi phỏng vấn trước khi đặt chân vào văn phòng hiệu trưởng, nghĩa là bạn đã đi được một chặng đường dài. Dưới đây là 18 câu hỏi phỏng vấn giáo viên thường được hỏi. Chúng tôi khuyên bạn nhất là các bạn sinh viên mới ra trường nên nghiên cứu câu trả lời ngay bây giờ. Sau đó, đứng trước gương và bắt đầu tập luyện!
- Tại sao bạn quyết định trở thành một giáo viên?
Câu hỏi tưởng chừng “xưa như trái đất” và nghe rất vu vơ nhưng đừng chủ quan để bị đánh lừa. Nếu bạn không có một câu trả lời rõ ràng mạch lạc thì chứng tỏ bạn chẳng yêu thích gì công việc này? Các trường học luôn quan tâm đến việc bạn có đủ tận tâm để làm phong phú thêm cuộc sống của học sinh và muốn hiểu bạn đã trải nghiệm ra sao trong nghề này. Hãy trả lời với sự trung thực và dưới hình thức một câu chuyện. Hãy vẽ một bức tranh rõ nét về cuộc hành trình đưa bạn vào nghề dạy học.
- Triết lý giảng dạy của bạn là gì?
Câu hỏi này rất khó để trả lời bằng một câu trả lời cụ thể. Thông thường các giáo viên đưa ra các câu trả lời chung chung, nhấn mạnh vào việc em sẽ làm gì cho học sinh, nhà trường,… Thực ra câu trả lời chính là những cam kết của bạn khi bạn làm giáo viên, những giá trị nào là cốt lõi của bạn. Sẽ rất hữu ích nếu bạn viết ra bản tuyên ngôn, sứ mệnh của bản thân mình khi bắt đầu công việc dạy học. Thảo luận về triết lý dạy học của bạn là một cách thể hiện lý do tại sao bạn đam mê, bạn muốn đạt được điều gì và làm thế nào bạn sẽ áp dụng thành công ở vị trí mới, trong một lớp học mới, tại một trường mới.
Tham khảo khóa học: xây dựng triến lý giảng dạy của giáo viên
- Bạn áp dụng phương pháp quản lý lớp học nào nếu bạn được tuyển dụng?
Nếu bạn là một giáo viên đã có kinh nghiệm hãy thảo luận cách bạn xử lý lớp học của bạn trong quá khứ. Cho ví dụ cụ thể về những điều đã làm việc tốt nhất và tại sao. Nếu bạn là người mới, hãy giải thích những gì bạn học được trong trường đại học và khi đi thực tập. Hãy nói rõ cách bạn lập kế hoạch để tổ chức lớp học đầu tiên. Cho dù bạn đã giảng dạy bao năm đi chăng nữa hãy cố gắng tìm hiểu về văn hóa riêng của nhà trường, về những đặc trưng trong quản lý lớp học và kỷ luật. Hãy đề cập đến cách bạn sẽ kết hợp triết lý giáo dục của trường và những kinh nghiệm cá nhân. Nếu bạn không có đủ thời gian hoặc không hiểu rõ về các chính sách của trường, hãy yêu cầu người phỏng vấn giải thích.
Tham khảo khóa học: quản lý lớp học hiệu quả
- Làm thế nào để bạn áp dụng mô hình dạy học phát triển năng lực học sinh?
Bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, các trường học bắt đầu triển khai mô hình dạy học phát triển năng lực. Dường như đây vẫn còn là khái niệm khá mới với các giáo viên. Các năng lực là gì? Có những năng lực nào? Môn học của bạn sẽ phát triển năng lực nào cho học sinh? Minh chứng cụ thể?… và hàng loại những vấn đề khác liên quan đến phương pháp dạy học, đánh giá năng lực, phản hồi cho học sinh,… đó là những vấn đề mà các ứng viên phải tìm hiểu và làm rõ nếu muốn trúng tuyển vào các trường học mới – nhất là các trường song ngữ, quốc tế.
- Kinh nghiệm của bạn trong việc sử dụng công nghệ trong lớp học?
Công nghệ là yếu tố tiên phong trong giáo dục – vì vậy cuộc phỏng vấn là cơ hội để chứng minh những hiểu biết cùa bạn. Nói về lý do tại sao bạn lại cảm thấy hào hứng sử dụng công nghệ với học sinh. Giải thích cách bạn đã tạo ra các website, blog cho học sinh, cách bạn dùng google classroom trong giờ học… Suy nghĩ sáng tạo trên nền tảng công nghệ luôn là điều mà các hiệu trưởng đánh giá cao.
- Làm thế nào để kết nối bài học của bạn với thế giới thực?
Kết nối giữa nội dung bài học và cuộc sống sẽ giúp học sinh hiểu tại sao chúng cần học môn của bạn và tại sao những gì chúng học là hữu ích. Hãy giải thích cách bạn sẽ tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội trải nghiệm, liên hệ với thực tế. Bạn sẽ làm gì? Kế hoạch cụ thể của bạn bao gồm những bước nào? Bạn sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc ra sao? Hãy cho người phỏng vấn thấy được, những điều bạn làm là thực tế chứ không phải là lý thuyết suông.
- Làm thế nào bạn sẽ thúc đẩy phụ huynh tham gia vào lớp học và trong việc học của con mình?
Kết nối nhà trường và gia đình là công việc khó khăn. Hiệu trưởng sẽ dựa vào giáo viên để duy trì kênh thông tin với cha mẹ. Giáo viên thậm chí được coi như “phát ngôn viên” cho trường học, củng cố nền văn hóa, thế mạnh và giá trị của trường trước phụ huynh. Vì vậy, hãy trả lời câu hỏi này với những ý tưởng cụ thể. Chia sẻ cách các bậc phụ huynh có thể tham gia trong lớp học của bạn và cách bạn sẽ duy trì liên lạc thường xuyên và cung cấp thông tin cập nhật về cả sự kiện tích cực và tiêu cực. Sẽ tuyệt vời hơn khi giáo viên chia sẻ các công cụ, nguồn lực cho phụ huynh để hỗ trợ học sinh.
Tham khảo khóa học: Giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với phụ huynh
- Các phương pháp bạn sử dụng để kiểm tra mức độ nhận thức của học sinh?
Việc đánh giá thường xuyên là điều không thể thiếu trong các kế hoạch bài học đạt chất lượng cao, nhưng nếu học sinh không thực hiện theo những hoạt động bạn dự kiến, bạn sẽ làm cách nào để đánh giá được mức độ nhận thức của học sinh trong tiết học? Làm thế nào để bạn có thể đáp ứng nhu cầu của học sinh. Hãy chia sẻ về một trò chơi/ hoạt động cụ thể mà bạn đã làm để đánh giá học sinh trong tiết học, hiệu quả của chúng ra sao?
- Bạn sẽ đánh giá sự tiến bộ của học sinh như thế nào?
Đây là cơ hội để hiệu trưởng có thể biết được kế hoạch giảng dạy của bạn cũng như các phương pháp mà bạn sử dụng để phát triển các kĩ năng, kiến thức và phẩm chất của học sinh. Hãy giải thích các tiêu chí đánh mà bạn đưa ra để hiệu trưởng thấy được tính hiệu quả trong việc nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của học sinh. Cung cấp thông tin chi tiết về cách bạn sử dụng báo cáo, các dự án cũng như những hoạt động cá nhân để xác định được học sinh nào đang gặp khó khăn, học sinh nào có nhiều tiền bộ. Hãy chia sẻ cách bạn thực hiện giao tiếp cởi mở với học sinh của mình để khám phá những gì chúng cần để thành công.
Tham khảo khóa học: Kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh
- Bạn quan tâm gì về trường của chúng tôi?
Tìm hiểu, tìm hiểu và tìm hiểu nhiều hơn trước cuộc phỏng vấn. Google có thể giúp bạn mọi thứ về trường. Họ có chương trình ngoại khó không? có vở kịch cuối năm không? học sinh có phải tham gia vào cộng đồng? Loại hình văn hoá nào mà hiệu trưởng khuyến khích? Sử dụng phương tiện truyền thông và mạng xã hội để xem nhà trường đang tự hào về điều gì, những giá trị nào được quảng cáo nhiều nhất. Sau đó, sử dụng mạng lưới các đồng nghiệp của bạn để tìm hiểu những gì các giáo viên (quá khứ và hiện tại nhân viên) yêu và ghét về trường đó. Bạn cần biết rõ về những điểm mạnh và điểm yếu của trường. Sau đó, hãy chứng minh tại sao bạn muốn làm giáo viên của trường. Bạn sẽ giúp nhà trường như thế nào để đáp ứng những cam kết về tầm nhìn và sứ mệnh.
- Làm thế nào để bạn có thể giải quyết những khó khăn với học sinh “giáo dục đặc biệt”?
Ngày nay, các lớp học bao gồm rất nhiều đối tượng học sinh, trong đó có rất nhiều học sinh “giáo dục đặc biệt” (trẻ tăng động, tự kỉ, chậm phát triển,…), nó đòi hỏi giáo viên phải biết cách đáp ứng nhu cầu giáo dục độc đáo của mỗi đứa trẻ, đặc biệt là những trẻ khuyết tật. Ngay cả khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với những trẻ đặc biệt, hãy tự học về quy trình và làm quen với các phương pháp giao tiếp với trẻ đặc biệt. Hãy chuẩn bị một vài ví dụ về các cách bạn có thể phân biệt hướng dẫn để hỗ trợ các nhu cầu cụ thể của họ.
- Làm thế nào để bạn có thể đáp ứng được nhu cầu của những học sinh xuất sắc?
Lãnh đạo nhà trường không muốn nghe những câu trả lời mang tính lý thuyết về dạy học phân hóa; họ muốn bạn đưa ra một số câu trả lời cụ thể và các ý tưởng mà bạn sẽ thực hiện. Bạn sẽ có những bài tập như thế nào? Nhiệm vụ ra sao đối với những học sinh xuất sắc, luôn hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn các bạn. Bạn sẽ làm thế nào đối với những học sinh lúc nào cũng kêu “tiết học thật nhàm chán”. Hãy chuẩn bị và có kế hoạch chi tiết cho những gì bạn làm nhé!
- Làm thế nào để bạn có thể thu hút những học sinh không chú ý vào tiết học?
Chúng ta phải dạy học trong thời đại cạnh tranh với điện thoại, máy tính, các trò chơi điện tử và các hình thức giải trí khác, làm thế nào bạn có thể giữ cho học sinh luôn tập trung vào các nhiệm vụ học tập, làm thế nào để học sinh cảm thấy hứng thú chỉ với giấy, bút chì và thước kẻ? Chia sẻ các cách động viên, khuyến khích cụ thể, các bài học hấp dẫn mà bạn đã thực hiện hoặc cách mà bạn đã xây dựng các mối quan hệ với học sinh. Bạn cũng có thể chia sẻ câu chuyện về sự thay đổi của một học sinh dưới ảnh hưởng của bạn.
- Bạn có thể phụ trách câu lạc bộ sau giờ học nào?
Mặc nhiều giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể chưa quen với việc phụ trách và tổ chức các câu lạc bộ. Nhưng ở trường học, nhất là các trường học hiện đại, đó là yêu cầu bắt buộc. Khi đó bạn vừa phải là giáo viên, vừa phải đảm nhận vai trò của một huấn luyện viên. Nếu môn điền kinh hay bóng đá, bóng rổ không phải là một trong những thế mạnh của bạn, bạn vẫn có thể phụ trách các câu lạc bộ mang tính học thuật như làm tạp chí, hay câu lạc bộ viết, thậm chí bạn có thể tổ chức các câu lạc bộ dựa trên chính bộ môn mà bạn đang dạy. Và nếu như bạn chưa có bất kì kĩ năng hay hoạt động nào để chia sẻ thì hãy dành thời gian để học nó ngay bây giờ.
- Ba từ mà đồng nghiệp, bạn bè, ban giám hiệu hoặc học sinh miêu tả về bạn?
Tôi khuyến khích bạn nên có sự chuẩn bị trước và có một số từ thật chính xác để mô tả bản thân. Có thể hiệu trưởng của bạn sẽ không muốn nghe những từ như: thông minh hoặc chăm chỉ, nhưng hãy chọn các từ mô tả những đặc điểm nổi bật của bạn – những từ mà khiến bạn sẽ trở thành hình mẫu cho học sinh hoặc những tính cách nổi bật trong công việc giảng dạy. Bạn có thể lựa chọn, xem xét một số từ như đồng cảm, sáng tạo, cẩn thận hoặc hợp tác…
- Kế hoạch phát triển chuyên môn của bạn trong tương lai?
Có thể một ngày làm việc của bạn đã hết, nhưng việc học tập và phát triển chuyên môn thì vẫn tiếp diễn. Hãy sẵn sàng để thảo luận về các chủ đề như kế hoạch phát triển chuyên môn, điểm số của học sinh và phân tích các vấn đề trong lớp học. Đây là thời điểm quan trọng để làm nổi bật những điểm mạnh của bạn. Cho dù bạn tỏa sáng trong việc giảng dạy hoặc có rất nhiều hoạt động lấy học sinh làm trung tâm nhưng hãy cho người phỏng vấn biết bạn có gì để hỗ trợ cho đồng nghiệp của bạn để họ có thể làm được như bạn đã từng.
- Bạn tự hào nhất về điều gì trong CV và tại sao?
Sự kiêu hãnh quá mức có thể sẽ đưa đến một cuộc phỏng vấn thất bại, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần tỏ ra rụt rè trong việc truyền đạt giá trị và những ưu điểm nổi bật của bản thân. Bạn đã giành được một học bổng giá trijw như thế nào? Bạn đã nhận được một giải thưởng cho sự xuất sắc trong giảng dạy? Nói về cách quá trình nỗ lực giúp bạn suy ngẫm và phát triển. Nếu bạn là một sinh viên mới tốt nghiệp trường sư phạm bạn có thể; mô tả kinh nghiệm thực tập giảng dạy và những điều mà bạn đã học được. Những hoạt động cộng đồng như tham gia vào dự án giáo dục hoặc tham gia nghiên cứu cùng với các giảng viên cũng là những điều bạn có thể đề cập trong buổi phỏng vấn.
- Bạn có câu hỏi nào khác không?
Mặc dù bạn có thể trả lời là không và nhanh chóng kết thúc buổi phỏng vấn, nhưng đây lại là cơ hội giúp bạn để lại ấn tượng tốt. Vì vậy, tìm hiểu các thông tin về những thành tích của nhà trường và đặt ra các câu hỏi. Nếu bạn không biết phải hỏi gì, hãy xem qua trang web của trường, kiểm tra mục tiêu, kế hoạch chiến lược hoặc những thành tích gần đây bạn sẽ có những câu hỏi thú vị. Hiệu trưởng có thể sẽ đánh giá cao sự quan tâm tìm hiểu các thông tin của bạn về nhà trường.
Những câu hỏi này sẽ giúp các giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ vững vàng hơn trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn có những câu hỏi nào khác, hãy chia sẻ cùng chúng tôi và cộng đồng giáo viên!
Brandie Freeman
Táo Nhân sự dịch