Kỳ nghỉ hè sắp đến, giáo viên có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm về năm học đã qua và thiết kế các kế hoạch giảng dạy. Về bản chất, các giáo viên sẽ có xu hướng quay trở lại với niềm tin ban đầu của họ về những cách tốt nhất để truyền cảm hứng học tập cho học sinh – nói cách khác, các giáo viên đang suy ngẫm, xem xét lại và hoàn thiện triết lý giáo dục của bản thân.

Một trường học khi phỏng vấn giáo viên cũng có thể yêu cầu giáo viên đó chia sẻ về triết lý giáo dục và những điều mà giáo viên đã làm để thể hiện triết lý giáo dục đó.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ triết lý giáo dục của bản thân tôi và tôi cảm thấy rất tò mò. Không biết liệu có giáo viên nào có chung niềm tin và triết lý giảng dạy với tôi hay không?

Dưới đây là những điều mà tôi muốn chia sẻ:

  1. HỌC TẬP LÀ NHU CẦU THIẾT YẾU CỦA HỌC SINH

Học sinh muốn và cần được học tập, điều đó cũng nhiều như việc chúng cần thức ăn, quần áo và nơi ở. Công việc chính mà một giáo viên phải làm là đáp ứng nhu cầu cơ bản đó, bằng cách tạo ra những trải nghiệm học tập hấp dẫn và phù hợp mỗi ngày. Món quà tuyệt vời nhất mà giáo viên có thể mang lại cho học sinh là thúc đẩy chúng vượt khỏi những giới hạn của bản thân, trải nghiệm và thành công trong học tập.

  1. HỌC SINH PHẢI LÀ NGƯỜI THAM GIA TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP

Học sinh sẽ học tốt nhất thông qua việc thực hành và tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Giáo viên nên coi học sinh là những người chủ động và tham gia tích cực vào quá trình học tập, hãy cung cấp cho chúng các kỹ năng, như:

– Học như thế nào

– Cách ghi chép

– Cách ghi nhớ

– Cách thể hiện bản thân hiệu quả

Những kỹ năng này sẽ giúp học sinh học tập hiệu quả. Ngoài ra, học sinh cần được khuyến khích khám phá và nghiên cứu các thông tin vượt ra ngoài giới hạn của bài học và sách giáo khoa.

  1. HỌC TẬP LÀ HOẠT ĐỘNG ĐÒI HỎI SỰ THAM GIA CỦA TẤT CẢ CÁC BỘ PHẬN CỦA CƠ THỂ

Cách tốt nhất để thu hút học sinh tham gia vào tiết học là có một kế hoạch quản lý lớp học hiệu quả và một giáo án được chuẩn bị tốt, dựa trên các hoạt động có mục đích, có liên quan được thiết kế để nâng cao kiến thức và kỹ năng của học sinh và thúc đẩy học sinh muốn tìm hiểu thêm. Giáo viên nên thiết kế các hoạt động học tập lấy học sinh làm trung tâm và hướng đến học sinh, bao gồm khám phá, học tập qua trải nghiệm với các chuẩn mực cao về học thuật.

  1. HỌC SINH CẦN PHẢN HỒI ĐÚNG LÚC ĐỂ CÓ THỂ CẢI THIỆN VIỆC HỌC

Giáo viên cần thu thập thông tin về kết quả học tập của học sinh để điều chỉnh môi trường học tập và hướng dẫn chúng cách đạt được các mục tiêu bài học, phù hợp với nhu cầu học tập của cá nhân. Giáo viên quản lý mục tiêu bài học, xác định xuất phát điểm của học sinh khi bắt đầu và sau bài kiểm tra để xác định sự tiến bộ của học sinh cũng như hiệu quả giảng dạy của giáo viên.

  1. HỌC SINH CẦN HỌC TẬP THEO NĂNG LỰC, NHU CẦU VÀ PHONG CÁCH HỌC TẬP ĐA DẠNG

Giáo viên cần tổ chức các bài học để hướng đến các năng lực cốt lõi, thực hiện thành công kế hoạch và sau đó đánh giá việc học của học sinh. Một giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập thú vị khiến học sinh học tập tích cực. Giáo viên nên có cách chiến thuật dạy học phân hóa để có thể dạy tất cả học sinh với những năng lực và trình độ khác nhau đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh để chúng thúc đẩy bản thân lên cấp độ tiếp theo.

  1. HỌC SINH CẦN THÔNG TIN, KIẾN THỨC VÀ CÁC KỸ NĂNG

Học sinh cần được quyền tiếp cận với “các nguồn kiến thức” – điều này cũng quan trọng như việc giảng dạy theo chương trình cố định. Học sinh cần “làm chủ” và chiếm lĩnh các kiến thức và kĩ năng hơn là việc chỉ ghi nhớ và tái hiện. Việc tiếp cận thông tin cần dựa vào nhu cầu của học sinh. Hãy nhớ rằng, các kiến thức mà học sinh “muốn tìm hiểu” bao giờ cũng có giá trị hơn những thông tin “bắt buộc phải ghi nhớ.”

  1. HỌC SINH CẦN CÔNG CỤ VÀ SỰ HỖ TRỢ

Học sinh nên biết nguyên tắc hoạt động của bộ não trong quá trình ghi nhớ. Học sinh cần có các kỹ năng và chiến thuật để có thể làm việc hiệu quả ở các cấp độ khác nhau theo thang cấp độ nhận thức của Benjamin Bloom. Học sinh nên nhận thức được sở thích học tập của riêng mình, và giáo viên cần hỗ trợ tạo ra một kế hoạch để phát triển các kỹ năng của người học. Các công cụ giáo dục là phương tiện để đạt được các mục tiêu học tập. Ví dụ, công nghệ được sử dụng phù hợp có thể giúp tăng cường khả năng học tập của học sinh và khả năng giảng dạy, truyền cảm hứng và tạo động lực của giáo viên.

Hãy chia sẻ triết lý của bạn trong phần bình luận dưới đây. Ngoài ra, tôi rất muốn nhận được thông tin phản hồi về những điều tôi đã phân tích ở trên.

Ben Johnson

https://thuviengiangday.com dịch