“Một cuốn sách, một cây bút, một đứa trẻ và một giáo viên có thể thay đổi cả thế giới”

Giáo viên là người có ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh. Một người giáo viên hiệu quả có khả năng truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê và ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều đứa trẻ. Họ có thể khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, giúp học sinh giải phóng tiềm năng, nuôi dưỡng sự tò mò và cả khát khao được khám phá.

Để tạo một người giáo viên có thể tạo nên những tác động lâu dài như vậy, cần phải có những kỹ năng gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những phẩm chất tạo nên người giáo viên hiệu quả:

  1. Sự kỷ luật

Kỷ luật là một kỹ năng quan trọng của người giáo viên hiệu quả. Nó được coi là kĩ năng không thể thiếu để quản lý lớp học và giảng dạy thành công. Kỷ luật của bạn sẽ đảm bảo các hành vi tích cực trong lớp học được khuyến khích và hạn chế các vấn đề về hành vi của học sinh.

Kỉ luật không phải là trừng. Thay vào đó, nó là một cách quản lý và hướng dẫn học sinh thực hiện đúng các nội quy và quy trình trong lớp học. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh.

Sự kỉ luật không chỉ là đối với học sinh trong quá trình quản lý lớp học, đó còn là cách mà giáo viên nghiêm khắc với chính bản thân mình. Luôn kiên định và nhất quán với các tình huống trong quá trình quản lý lớp học, kiên định với những gì mình đã theo đuổi và dũng cảm thử thách bản thân với những điều mới mẻ.

  1. Kĩ năng quản lý lớp học

Là một giáo viên hiệu quả, việc duy trì được những bảo hành vi tốt của học sinh là công việc quyết định thành công của lớp học. Một giáo viên chỉ được coi là hiệu quả khi họ biết cách xác lập nội quy, xây dựng các quy trình, biết truyền đạt nó đến với học sinh và đảm bảo học sinh có thể thực hiện đúng những gì mà giáo viên kì vọng.

Bên cạnh đó, người giáo viên hiệu quả còn có thể xây dựng được những mối quan hệ tích cực với học sinh. Đó được coi là nền tảng tạo nên một nền văn hóa lớp học tích cực, nơi học sinh thực sự được làm chủ quá trình học tập, có sự tự chủ và ý thức trách nhiệm với bản thân cũng như với tập thể lớp.

Quản lý lớp học, còn là khả năng giáo viên tổ chức, sắp xếp không gian lớp học hiệu quả để hạn chế tối đa sự gián đoạn, đồng thời thúc đẩy học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động học tập.

  1. Kĩ năng dự giờ

Là giáo viên, ai cũng đã từng trải qua những năm đầu đi dạy, công việc dự giờ là một phần không thể thiếu. Việc dự giờ và quan sát lớp học là điều mà giáo viên cần phải rèn luyện. Nó được coi như một kĩ năng cần thiết của người giáo viên hiệu quả.

Trong quá trình dự giờ, giáo viên cần biết cách quan sát đồng nghiệp tổ chức tiết học, xây dựng ý tưởng, triển khai các bước của quá trình dạy học, cách thay đổi nhịp độ tiết dạy cho phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh, cách áp dụng các chiến thuật dạy học phân hóa để thích hợp với các phong cách học tập khác nhau.

Trong quá trình dự giờ, giáo viên cũng cần nhận ra những điểm tích cực, những điểm hạn chế của đồng nghiệp. Giáo viên luôn phải biết đặt ra câu hỏ tại sao cho mỗi tình huống xảy ra trên lớp học. Khi dự giờ, giáo viên cũng cần đưa ra những giải pháp của bản thân để có thể cải thiện được hiệu quả của công việc giảng dạy.

  1. Kĩ năng lôi cuốn sự tham gia của học sinh

Một người giáo viên giống như một nghệ sĩ trên sân khấu, một người diễn viên tài năng sẽ biết cách lôi cuốn khán giả về phía mình. Một giáo viên hiệu quả sẽ biết thu hút sự tham gia của học sinh. Để trở thành một giáo viên hiệu quả, bạn phải làm chủ được các chiến thuật, các kĩ thuật dạy học đảm bảo học sinh tham gia vào các hoạt động mà bạn tổ chức, lắng nghe những gì mà bạn nói, thực hiện những nhiệm vụ mà bạn yêu cầu.

Để làm được điều đó, giáo viên không chỉ hiểu rõ sở thích, các tính, phong cách, năng lực của học sinh mà còn phải rèn luyện khả năng tư duy linh hoạt, óc hài hước, sự sáng tạo, luôn mang đến những ý tưởng mới mẻ cho lớp học.

  1. Kĩ năng giao tiếp với phụ huynh và học sinh

Một người giáo viên hiệu quả luôn giao tiếp hiệu quả với học sinh và phụ huynh. Đó là khi giáo viên luôn có khả năng truyền đạt rõ ràng, chính xác những kì vọng đến với học sinh và phụ huynh, đồng thời nhanh chóng nhận ra những vấn đề khúc mắc và kịp thời giải quyết.

Khả năng giao tiếp, còn thể hiện trong cách sử dụng ngôn từ, cách kiểm soát cảm xúc và khả năng hạn chế những xung đột và mâu thuẫn trong quá trình làm việc.

Để có được điều đó, giáo viên cần xác định rõ tâm thế, và vị thế của mình trong quá trình giao tiếp. Hãy nhớ rằng, phụ huynh và học sinh, họ là đồng minh và là đối tác của quá trình dạy học. Cùng với đó, giáo viên cũng lựa chọn được những hình thức giao tiếp thường xuyên và phù hợp như: trao đổi trực tiếp, sử dụng email, tin nhắn điện thoại, hay qua sổ liên lạc…

  1. Kĩ năng giảng dạy

Đây có thể coi là kĩ năng không thể thiếu đối với một giáo viên hiệu quả. Một người giáo viên hiệu quả luôn làm chủ các phương pháp, chiến thuật giảng dạy, có thể áp dụng linh hoạt trong từng tình huống và mang lại kết quả cao nhất, giúp học sinh đạt được mục tiêu bài học.

Kĩ năng giảng dạy hiệu quả bao gồm rất nhiều những kĩ năng nhỏ khác như kĩ năng thuyết trình, kĩ năng tổ chức bài giảng, kĩ năng nắm bắt tâm lý học sinh, kĩ năng kiểm soát thời gian, kĩ năng giao tiếp và đặt câu hỏi…

Một người giáo viên hiệu quả còn là người luôn bắt kịp các phương pháp giảng dạy mới, mang lại những hơi thở mới cho các hoạt động của lớp học, giúp học sinh áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, phát hiện được những tiềm năng của bản thân và có được niềm đam mê đối với tri thức.

  1. Là chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy

Là giáo viên, bạn cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy của bạn, là một giáo viên hiệu quả, điều này càng đỏi hỏi cao hơn nữa. Giáo viên phải làm chủ các kiến thức bộ môn, nắm chắc mục tiêu đầu ra của chương trình giảng dạy, có khả năng xây dựng và thiết kế chương trình giảng dạy và tìm kiếm những nguồn tài liệu học tập mới phù hợp với học sinh giúp học sinh đạt được mục tiêu của bài học.

Khi giáo viên thực sự là chuyên gia trong môn học mà họ đang giảng dạy, họ có thể thu hút được sự quan tâm từ người học, tạo nên sự tin tưởng đối với học sinh. Nó khuyến khích học sinh tìm hiểu sâu, có niềm đam mê với việc học, thúc đẩy học sinh suy nghĩ và đặt ra các câu hỏi về những nội dung học tập.

  1. Kĩ năng quản lý thời gian

Các giáo viên hàng ngày phải đối mặt với một khối lượng công việc khổng lồ từ giảng dạy đến sổ sách, giấy tờ, chấm điểm, liên hệ với phụ huynh, tổ chức các sự kiện của lớp học và trường học,… một người giáo viên hiệu quả cần có kĩ năng quản lý thời gian hiệu quả, có thể cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và thời gian cho công việc, cân bằng giữa thời gian dành cho chuyên môn và thời gian cho các hoạt động, sự kiện, cân bằng giữa thời gian trong lớp học với việc giải quyết các vấn đề về hành vi của học sinh. Một giáo viên hiệu quả, sẽ luôn quản lý thời gian một cách hiệu quả mang lại kết quả tốt nhất.

Kĩ năng quản lý thời gian còn được thể hiện trong việc xây dựng bài giảng, và tổ chức hoạt động dạy học, giáo viên cần cân nhắc thời gian, đơn vị kiến thức, các phương pháp và năng lực của học sinh để phân bố thời gian cho tiết học phù hợp, đảm bảo không bị cháy giáo án.

  1. Kĩ năng lập kế hoạch

Cũng giống như kĩ năng quản lý thời gian, kĩ năng lập kế hoạch là một phần của người giáo viên hiệu quả. Bạn cần lập kế hoạch cho cả một năm học, kế hoạch cho từng tuần, từng tiết học. Bạn cần lập kế hoạch cho mỗi khối, mỗi lớp học và cả những đối tượng học sinh đặc biệt. Bạn cần lập kế hoạch cho các sự kiện, kế hoạch giao tiếp với phụ huynh, kế hoạch cho cuộc sống cá nhân… Kĩ năng lập kế hoạch được thể hiện rõ nhất qua cách bạn đặt mục tiêu cho từng công việc. Bạn sẽ làm gì? Trong bao lâu? Làm bằng những công cụ gì? Kết quả đầu ra bạn mong muốn là gì? Kế hoạch dự phòng nếu bạn không hoàn thành?…

  1. Đam mê và tích cực

Công việc giảng dạy vốn có nhiều áp lực, bạn sẽ không thể trở thành một người giáo viên hiệu quả nếu thiếu đi sự đam mê và một năng lượng sống tích cực. Khi bạn chọn công việc làm giáo viên, có nghĩa là bạn đã chọn công việc dựa vào đam mê của bản thân, bởi lẽ chẳng ai muốn lựa chọn một công việc vất vả với mức thu nhập không cao, chẳng ai muốn phải tiếp tục làm việc sau khi đã trở về nhà hay phải cảm thấy lo lắng vì các vấn đề của học sinh… Niềm đam mê không những giúp bạn có thể tồn tại, duy trì công việc mà còn có khả năng lan tỏa nó đến với học sinh. Sẽ có những khi, bạn cảm thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi nhưng chính niềm đam mê với công việc của bạn đã lôi cuốn học sinh ở lại với tiết học.

Niềm đam mê cũng mang lại cho bạn một thái độ sống tích cực, bạn sẽ trở thành hình mẫu cho học sinh, bạn luôn nhìn nhận học sinh, phụ huynh và công việc giảng dạy ở những điểm tích cực, Bạn thấy hạnh phúc với công việc mà mình đang làm, cảm nhận được giá trị của cuộc sống và luôn nhiệt tình trong mọi tình huống.

  1. Sự vui vẻ, hài hước

Tôi không muốn nói rằng, để trở thành một người giáo viên hiệu quả bạn phải trở thành một diễn viên hài trên sân khấu. Nhưng rõ ràng, bạn phải công nhận một điều rằng, học sinh luôn yêu thích thậm chí là thần tượng các giáo viên vui vẻ và hài hước. Những người có khả năng biến những điều nhàm chán trở nên thú vị, biến những lỗi ngớ ngẩn trên lớp học thành một điều hài hước, vui nhộn cho cả lớp. Nếu bạn sinh ra với khiếu hài hước bẩm sinh, thì chúc mừng bạn, bạn đã có một phần phẩm chất của người giáo viên hiệu quả rồi đó. Nếu bạn không phải là người có khả năng hài hước, điều đó cũng không sao, bạn có thể bắt đầu tiết học bằng một nụ cười, bạn có thể mở đầu bài giảng bằng một câu chuyện vui. Điều đó sẽ làm cho học sinh hứng thú hơn, và bạn sẽ được yêu quý nhiều hơn.

  1. Sự kiên nhẫn

Một người giáo viên hiệu quả sẽ luôn có trong mình một sự kiên nhẫn. Nó như một đức tính giúp giáo viên có thể thành công trong cuộc sống và công việc. Bạn cần phải kiên trì giải quyết một vấn đề của một học sinh khi nó cứ lặp đi lặp lại. Bạn cần phải kiên nhẫn để có thể nói chuyện với phụ huynh đang tức giận như muốn hét vào mặt bạn. Bạn cần sự kiên nhẫn để thấy rằng, công việc mình đang làm là một chặng hành trình dài, cần có nhiều thời gian mới có thể tạo nên được sự thay đổi. Bạn cần sự kiên nhẫn để có thể ở lại với công việc và có được niềm vui, sự đam mê… Vâng, vậy đó, kiên nhẫn sẽ giúp bạn trở thành một người giáo viên hiệu quả.

Tôi vẫn nói, dạy học là một đặc ân, là một ơn gọi mà mỗi người giáo viên có được. Để trở thành một giáo viên đã khó, để trở thành một giáo viên hiệu quả còn khó hơn rất nhiều lần. Nhưng tôi tin, bạn có thể trở thành một giáo viên như vậy, bởi vì bạn đã có và mang trong mình rất nhiều phẩm chất mà tôi đã liệt kê ở trên. Chúc bạn luôn hạnh phúc và thành công!

Nguyễn Hữu Long