Một môi trường lớp học tốt luôn đòi hỏi phải có sự sáng tạo – điều khiến cho các bài học và công việc học tập trở nên thú vị. Yếu tố sáng tạo được tích hợp trong chương trình giảng dạy sẽ giúp học sinh học hỏi những điều mới, cải thiện năng lực giao tiếp và các kĩ năng cảm xúc và xã hội. Các lớp học sáng tạo sẽ làm thay đổi cách học sinh học tập và cách chúng áp dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống thực.
Trong bài viết này, chúng ta hãy xem tầm quan trọng của sự sáng tạo trong lớp học ngày nay và lợi ích của nó.
- Giúp học sinh học với niềm vui: Các lớp học sáng tạo tạo cơ hội cho học sinh học tập trong niềm vui. Các hoạt động giảng dạy như kể chuyện, diễn kịch, thiết kế mô hình… sẽ giúp học sinh học tập mà không cảm thấy bị áp lực. Học sinh sẽ có cơ hội tương tác với các bạn, nhận được sự hỗ trợ từ giáo viên, được thể hiện bản thân, được lắng nghe và chia sẻ. Chính điều đó khiến cho việc học không còn cảm giác nhàm chán, nặng nề.
- Tự do thể hiện quan điểm: Không giống như các phương pháp giảng dạy truyền thống, các lớp học sáng tạo cho học sinh cơ hội thể hiện bản thân. Cho dù đó là cuộc tranh luận hoặc thảo luận trong lớp học hoặc các chuyến đi thực địa, học sinh có cơ hội bước ra khỏi vùng an toàn và thể hiện bản thân. Việc có cơ hội được thể hiện sẽ mang lại cho học sinh cảm giác hạnh phúc và động lực học tập.
- Phát triển cảm xúc: Sự sáng tạo rất quan trọng đối với sự phát triển cảm xúc của học sinh. Học sinh phải học cách tương tác và thể hiện bản thân trước các bạn xung quanh. Sáng tạo cho học sinh tự do khám phá môi trường xung quanh và học hỏi những điều mới. Học sinh sẽ luôn thích một khung cảnh lớp học giúp chúng khám phá tự do mà không có bất kỳ ranh giới nào. Khi học sinh có thể thể hiện cảm xúc thật của mình một cách sáng tạo trong lớp học, chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn.
- Tăng cường khả năng tư duy: Sáng tạo có thể kích thích khả năng tư duy tưởng tượng ở học sinh. Đó là lý do tại sao giáo viên thúc đẩy các hoạt động như câu hỏi mở, hoạt động nhóm, các buổi thảo luận, tranh biện. Một số giáo viên khéo léo sử dụng các kỹ thuật này để dạy những bài học khó để khiến học sinh học một cách vui vẻ và dễ dàng. Các câu hỏi mở sẽ mở ra một thế giới tư duy giàu trí tưởng tượng và học sinh có thể đưa ra những câu trả lời sáng tạo.
- Giảm căng thẳng và lo lắng: Việc học tập theo cách truyền thống sẽ khiến học sinh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Hãy tưởng tưởng việc học sinh phải cố gắng học thuộc để trả bài trong giờ kiểm tra bài cũ hay việc học sinh phải đi học thêm để có thể giải được những bài tập khó, đó quả thực là những điều khiến học sinh cảm thấy vô cùng căng thẳng. Sự sáng tạo, cảm giác vui vẻ này giúp học sinh thư giãn và giảm bớt sự lo lắng, từ đó chuẩn bị tốt cho các kỳ thi. Chính vì vậy, giáo viên nên thiết kế các hoạt động thực hành thay vì chỉ dạy lý thuyết, nên vận dụng đa giác quan trong quá trình học tập, khuyến khích các hoạt động thảo luận và linh hoạt trong cấu trúc giờ học.
- Tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề: Các hoạt động động não sẽ kích thích các kỹ năng giải quyết vấn đề ở học sinh. Sáng tạo thực sự có thể thay đổi cách học sinh tiếp cận một vấn đề, suy nghĩ sâu và giàu trí tưởng tượng hơn. Với cách này, học sinh có thể đưa ra được nhiều giả thuyết và giải pháp khác nhau, được thử, sai là làm lại để từ đó thực sự làm chủ quá trình học tập của bản thân.
- Cải thiện sự tập trung và sự chú ý: Khoảng chú ý hoặc tập trung trung bình của một học sinh ở bậc tiểu học chỉ khoảng vài phút, đối với các lớp trên cũng không quá 10 phút. Các phương pháp giảng dạy truyền thống thường gây nhàm chán khiến học sinh cảm thấy buồn ngủ, mất tập trung. Các chiến lược giảng dạy sáng tạo sẽ cải thiện sự tập trung và sự chú ý của học sinh, từ đó khiến thời gian dành cho việc học trở nên hiệu quả hơn.
- Giúp học sinh giao tiếp tốt hơn: Một môi trường lớp học sáng tạo mở ra cho học sinh một thế giới giao tiếp. Học sinh có thể thực hiện việc thảo luận cởi mở và chủ động. Điều này cũng kích thích kĩ năng giải quyết vấn đề trong nhóm và cảm giác gần gũi với nhau. Các cuộc tranh luận trong lớp học không chỉ giúp học sinh suy nghĩ sáng tạo mà dạy học sinh kĩ năng lắng nghe và thấu hiểu những quan điểm khác của người khác. Điều này giúp học sinh cởi mở với nhau và trở thành người có kĩ năng giao tiếp tốt hơn.
- Theo đuổi theo đam mê: Việc tìm được điều là niềm đam mê và theo đuổi nó chính là yếu tố tạo nên thành công trong cuộc sống. Trong các lớp học sáng tạo, học sinh được học tập với các hoạt động học tập đa dạng dựa trên thế mạnh của người học. Học sinh có cơ hội theo đuổi niềm đam mê của bản thân cho dù đó là âm nhạc, khiêu vũ, thơ ca, vẽ hoặc các loại hình nghệ thuật khác. Điều này mang lại học sinh cảm giác hạnh phúc, tự do và thoải mái để sáng tạo.
- Cơ hội trong tương lai: Những người sáng tạo thường có lợi thế hơn hẳn trong tương lai so với những người có kỹ năng học tập đơn thuần. Nhất là trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến mạnh mẽ như ngày nay, kĩ năng sáng tạo sẽ giúp học sinh có khả năng thích ứng và khẳng định mình, tạo ra sự khác biệt của bản thân trong cuộc sống. Chính các lớp học sáng tạo là nơi nuôi dưỡng và chuẩn bị điều đó cho học sinh.
- Tư duy đổi mới: Câu hỏi mở và thảo luận trong lớp là hai chiến lược giảng dạy sáng tạo phổ biến giúp học sinh phát triển tư duy đổi mới. Học sinh có cơ hội suy nghĩ nghiêm túc hơn các chủ đề và đưa ra những ý tưởng sáng tạo. Các lớp học sáng tạo luôn đòi hỏi học sinh phải làm việc và tư duy tích cực để tạo nên những ý tưởng và sản phẩm mới chứ không phải là lặp lại một cách máy móc các kiến thức trong sách. Đó cũng là nơi mà học sinh được rèn luyện tư duy đổi mới trước khi bước vào cuộc sống.
- Thúc đẩy việc học tập suốt đời: Một người có tư duy sáng tạo luôn có mong muốn học những điều mới. Đó chính là kĩ năng học tập suốt đời. Nó giúp học sinh luôn tích cực tham gia vào các hoạt động học tập không chỉ trên lớp mà cả ngoài cuộc sống. Nói cách khác, chính các lớp học sáng tạo sẽ dạy học sinh các kĩ năng cần thiết của việc học tập suốt đời.
Trong hai bài diễn thuyết trên TED talk, đó là “Liệu trằng trường học đã giết chết sự sáng tạo” và “Làm thế nào để có thể thoát khỏi thung lũng chết của giáo dục” Sir Ken Robinson đã nêu lên tầm quan trọng của sáng tạo trong nền giáo dục ngày nay. Để làm được điều đó, có lẽ chúng ta cần phải thực hiện rất nhiều công việc, nhưng trong đó quan trọng nhất vẫn là người giáo viên – người có thể tạo dựng được môi trường học tập sáng tạo – người thực hành các phương pháp giảng dạy sáng tạo – người là hình mẫu và truyền cảm hứng cho học sinh về sự sáng tạo.
https://thuviengiangday.com