Nhớ lại hồi tôi còn đứng lớp, hiệu trưởng trường tôi – người mà tôi hiếm khi nói đến – một hôm có đến thông báo với tôi rằng một học sinh lớp Toán mà tôi dạy đã đạt điểm cao nhất trong kì kiểm tra Toán. Tôi đáp: “Mừng cho em ấy. Em ấy xứng đáng!”
Có lần, một thanh tra vào dự giờ lớp tôi. Cô ấy nhận xét rằng đây là một trong những lớp tốt nhất của năm đó. Tôi trả lời: “Vâng, các em ấy rất tuyệt vời”.
Cả hai phản hồi trên đều chính xác nhưng chưa hoàn chỉnh. Chúng là những câu điển hình mà nhiều nhà giáo dục nói về công việc và thành tựu của mình. Vì sao chúng ta lại bối rối khi nhìn nhận sự cống hiến của bản thân?
Tôi nghĩ đến những trường hợp này – cả hai đều xảy ra hơn một thập kỷ trước – trong khi đọc cuốn sách của Peggy Klaus, Brag! Nghệ thuật thể hiện bản thân. Mục đích của cuốn sách là giúp các chuyên gia thể hiện bản thân mà không cần phải “dìm hàng” người khác. Nó xua tan những định kiến về sự khoe khoang; tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng trong quá trình đánh giá hiệu quả. Nó cũng chỉ ra một số tiêu chuẩn văn hoá mà chúng ta gán cho sự tự thể hiện – chẳng hạn như đức khiêm tốn – làm cho rất nhiều người không thoải mái khi làm việc đó.
Tác giả là một nhà tư vấn của tạp chí Fortune 500 nên cuốn sách có vẻ dành cho các chuyên gia trong môi trường kiểu đó. Nhưng khi tôi đọc, tôi nhận ra các nhà giáo dục cũng có thể vận dụng các khái niệm mà cuốn sách đề cập đến. Hầu hết các nhà giáo dục cần phải chia sẻ rõ hơn về công việc của họ. Hãy đọc những điều sau:
Lý do để thể hiện bản thân
- Các nhà hoạch định chính sách thường nói về các nhà giáo dục, chứ không nói với các nhà giáo dục. Tại sao các nhà giáo dục không thừa nhận chuyên môn của mình? Có lẽ là vì họ nói – hay không nói – về thành tích của họ; nếu họ không nhấn mạnh sự thành công của mình thì làm sao các nhà hoạch định chính sách có thể nhận ra được năng lực của họ?
- Vẻ hào nhoáng khoác lên các trường công và nghề dạy học đã gây phản ứng ngược (ở nhiều nơi). Bằng cách giải thích một cách hiệu quả những gì họ làm trong cuộc sống hàng ngày cũng như thảo luận về những gì xảy ra, các nhà giáo dục có khả năng đảo ngược tình thế – giúp bạn bè, gia đình, người quen và những người khác nhìn nhận giáo dục dưới một góc độ mới.
- Cơ hội để phát triển sự nghiệp. Mặc dù sự thăng tiến và lương bổng trong môi trường giáo dục là rất khác so với hầu hết các doanh nghiệp nhưng vẫn có nhiều danh hiệu (như Giáo viên của năm) và cơ hội (như vai trò lãnh đạo của giáo viên) mà những nhà giáo dục có thể phấn đấu đạt được.
Bí kíp để thể hiện bản thân
Vậy các nhà giáo dục phải làm thế nào đây? Klaus đã nói:
“Mỗi chúng ta đều sở hữu một danh mục hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn, những thành công được tuyên dương và ghi nhớ. Bạn hãy bắt đầu bằng cách điểm lại quá khứ và hiện tại, dành thời gian chọn lọc ra những thành tựu tiêu biểu, từ đó, tạo dựng những câu chuyện và thông điệp ý nghĩa và đáng nhớ về bản thân”.
Bà đưa ra một loạt câu hỏi giúp độc giả hồi tưởng lại quá khứ và tạo ra một “hồ sơ thành tựu” (một bộ sưu tập các thành tích, niềm đam mê và sở thích) với những bài học kinh nghiệm (ngắn gọn, ấn tượng) và vài câu chuyện ngụ ngôn (có thể được kể trong nhiều trường hợp khác nhau).
Ngoài ra, bà còn đưa ra một số lời khuyên, một số trong đó tôi đã điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng giáo dục hiện nay, bao gồm:
- Luôn luôn sẵn sàng. Mỗi ngày, hãy tự nhắc nhở bản thân về những điều tích cực mà bạn đang đóng góp cho trường và học sinh. Như vậy, bạn có thể chia sẻ chúng bất kì lúc nào, dù là đang ngồi ở bàn ăn với những người không thể hiểu tại sao bạn muốn đi dạy hoặc đang nói chuyện với một nhà hoạch định chính sách đến thăm trường bạn.
- Đừng để các con số thay bạn nói về bản thân. Sự nhấn mạnh quá mức vào điểm số có thể khiến bạn nghĩ rằng không có gì khác quan trọng hơn. Tuy nhiên việc cho mọi người biết những trở ngại bạn đã vượt qua để giúp học sinh có được kết quả tuyệt vời cũng như sự thành công bên cạnh điểm số sẽ giúp cả thanh tra lẫn công chúng nhìn nhận các nhà giáo dục dưới một góc độ mới.
- Học cách đón nhận lời khen. Mọi người nói chung và các nhà giáo dục nói riêng, khi được khen ngợi, thường phản ứng theo kiểu nói giảm nói tránh hoặc phủ nhận. Thay vào đó, hãy nói “Cảm ơn” với một nụ cười. Klaus nói: “Đón nhận lời khen không có nghĩa là bạn đang khao khát nó mà nói đúng hơn, nó có nghĩa là bạn lịch thiệp và đáng được tín nhiệm”.
Nói tóm lại, chìa khóa để thể hiện bản thân thành công là sự chân thành – chia sẻ về công việc và thành tích của bạn một cách tự nhiên.
Bạn nghĩ thế nào? Các nhà giáo dục có cần thể hiện bản thân thường xuyên hơn? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn với chúng tôi.
Đặng Thanh Hiền dịch