Đã bao giờ bạn cảm thấy băn khoăn về triết lí giảng dạy của mình? Con đường mình chọn là gì? Những giá trị nào mà bạn tin tưởng và đi theo? Bạn cam kết như thế nào đối với công việc giảng dạy? Đôi khi trong các cuộc phỏng vấn, hiệu trưởng cũng hỏi bạn về triết lí giảng dạy, lúc đó bạn đã trả lời ra sao? Không dễ dàng để mỗi giáo viên có thể đưa ra một triết lí giáo dục. Những ví dụ này có thể giúp bạn tự đúc kết triết lý giảng dạy cho riêng mình.
Triết lí giáo dục hoặc triết lý giảng dạy, là một phương châm, là con đường dạy học mà tất cả các giáo viên tương lai đều cần phải viết. Con đường này có thể rất khó viết rõ ràng vì bạn phải lựa chọn từ ngữ thật chính xác để bày tỏ quan điểm về giáo dục của mình. Nó phản ánh phong cách giảng dạy và tư duy về giáo dục của người giáo viên. Dưới đây là một số ví dụ mà bạn có thể sử dụng làm nguồn cảm hứng để viết nên triết lí giáo dục của chính bạn.
Ví dụ số 1
Triết lý giáo dục của tôi là mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo, phải có một môi trường giáo dục tạo điều kiện cho các em phát triển về thể chất, tinh thần, tình cảm và xã hội. Mong muốn của tôi là tạo ra một không gian đáp ứng đầy đủ tiềm năng của học sinh. Tôi sẽ cung cấp một môi trường an toàn cho các em được chia sẻ những ý tưởng của mình, thách thức bản thân và vượt qua những giới hạn.
Theo tôi, có năm yếu tố quan trọng giúp ích cho việc học tập: (1) vai trò định hướng của giáo viên; (2) học sinh cần tham gia các hoạt động thực hành; (3) cho học sinh được lựa chọn và để sự tò mò của họ kích thích niềm say mê học tập; (4) học sinh cần được thực hành kỹ năng trong một môi trường an toàn; (5) ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Ví dụ số 2
Tôi tin rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể duy nhất nên các em vẽ “bức tranh” giáo dục của riêng mình với những sắc màu rất khác nhau. Tôi sẽ giúp học sinh thể hiện bản thân và phát huy những gì vốn có của các em, đồng thời biết tôn trọng sự khác biệt của mỗi người.
Mỗi phòng học là một cộng đồng độc đáo. Là một giáo viên, tôi sẽ cố gắng quan tâm, hỗ trợ từng học sinh trong việc phát triển tiềm năng và phong cách học tập của riêng các em.
Tôi sẽ thiết kế một chương trình học phù hợp với sự đa dạng phong cách học, cũng như liên hệ nội dung học tập đến cuộc sống của học sinh. Tôi sẽ kết hợp thực hành, học tập hợp tác, dự án và làm việc cá nhân nhằm thu hút và tạo động lực cho học sinh.
Ví dụ số 3
“Tôi tin rằng một giáo viên có nghĩa vụ giảng dạy tận tâm, dành những điều tốt đẹp nhất cho từng học sinh và cả lớp. Vì vậy, giáo viên tối đa hóa những lợi ích tích cực thông qua nắm bắt những nhu cầu của học sinh. Với sự cống hiến, kiên trì, và làm việc cật lực của tôi, học sinh sẽ ngày một tiến bộ.”
“Mỗi ngày lên lớp, tôi muốn mình luôn có một tâm thế cởi mở, thái độ tích cực và kì vọng cao. Tôi tin rằng mình cần phải mang đến cho mỗi học sinh, cũng như tập thể lớp, sự kiên định, chuyên cần, và sự ấm áp trong khi giảng dạy, hy vọng rằng tôi có thể truyền cảm hứng và khuyến khích phát triển những đặc điểm đó ở các em.”
Ví dụ số 4
Tôi tin rằng một lớp học nên là một cộng đồng an toàn, chu đáo, trong đó, học sinh được tự do nói lên ý nghĩ của mình và được phát triển tốt. Tôi sẽ sử dụng các chiến thuật để đảm bảo cộng đồng lớp học tạo điều kiện phát huy năng lực của học sinh.
Có một số chiến thuật như họp mặt buổi sáng, kỷ luật tích cực, các nhiệm vụ trong lớp học và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Giảng dạy là một quá trình học tập; học hỏi từ học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh và cộng đồng. Đây là một quá trình suốt đời, nơi bạn học những chiến thuật mới, những ý tưởng mới và những triết lý mới. Theo thời gian, triết lí giáo dục của tôi có thể thay đổi và đó là điều bình thường. Nó chỉ cho thấy rằng tôi đã trưởng thành và học được những điều mới.
Tác giả: Janelle Cox
Đặng Thanh Hiền dịch