Phụ huynh thường tỏ ra khó chịu thậm chí là tức giận khi trao đổi với giáo viên về các vấn đề liên quan đến hành vi của con. Hãy cùng tôi đến với một kịch bản quen thuộc dưới đây: Học sinh An đã bắt nạt một học sinh khác, khiến cho bạn tổn thương đến phát khóc. Với vai trò là giáo viên, bạn buộc phải hẹn gặp phụ huynh để cùng trao đổi về hành vi đó của con. Nhưng trước mặt bạn là một phụ huynh với một tâm thế “giương càng” “giơ vuốt” sẵn sàng chống lại bất kì thế lực nào động chạm đến con của họ.
Phải nói rằng, đó thực sự là điều khó khăn cho những người làm công việc dạy học như chúng ta. Nhưng nếu giáo viên sử dụng đúng cách và đúng mức, những khó khăn đó sẽ được hóa giải một cách dễ dàng. Dưới đây là sáu chìa khóa để vượt qua một cuộc đối thoại khó khăn với phụ huynh học sinh:
- Bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một lời chào thân thiện
Xin chào anh, chị, tôi là Minh là giáo viên của con. Anh, chị có sẵn sàng cho cuộc gặp của chúng ta chứ? Theo phản xạ, có những phụ huynh sẽ chủ động chớp lấy cơ hội để xả hết những điều họ đang suy nghĩ. Hãy để cho phụ huynh làm điều đó.
Hãy là người chuyên nghiệp bình tĩnh và để phụ huynh đón nhận những thông tin về hành vi của con (mà trong các cuộc họp như thế này, nó thường không phải là thông tin tốt). Sau đó hãy gửi cho phụ huynh thông điệp của sự hợp tác: “Tôi cần chia sẻ với anh/chị về những gì đã xảy ra với con ngày hôm nay và mong muốn cùng với anh chị tìm cách để hỗ trợ con”.
- Tập trung vào vấn đề
Hãy trao đổi với phụ huynh một cách chính xác về tất cả mọi thứ xảy ra. Phụ huynh cần phải biết đầy đủ mức độ của vụ việc: Hôm nay, An đã chơi cùng với một học sinh khác rất tốt. Sau đó con đã bắt nạt bạn và khiến bạn học sinh đó phải khác. Con đã phải làm việc với giáo viên chủ nhiệm và trợ lý hiệu trưởng về hành vi của mình.
Hãy thận trọng: Bản chất con người rất dễ bị tổn thương. Thông thường chúng ta có thói quen buộc tội và quy kết đối với phụ huynh. Đừng bao giờ làm điều đó, đừng bao giờ cho phụ huynh thấy cảm giác mình đang bị tấn công. Hãy nhớ, mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên sẽ tồn tại nếu chúng ta sử dụng đúng giọng nói với ngôn ngữ phù hợp.
- Hãy nhẹ nhàng và nói với một giọng bình tĩnh
Luôn nhớ rằng bạn đang nói về một đứa trẻ. Đôi khi, sự thất vọng và lo lắng của chúng ta đối với hành vi của đứa trẻ, khiến chúng ta hành động như một luật sư đưa ra những lập luận chặt chẽ để thuyết phục thẩm phán về một bị cáo phạm tội.
Hãy chạm rất, rất nhẹ. Đừng dùng búa tạ, đừng dồn nén quan điểm rồi xả hết trước mặt phụ huynh ngay cả khi bạn làm đúng.
Là con người, không ai cảm thấy thích thú với những lời chỉ trích. Hãy nghĩ về phản ứng của chính bạn khi một ai đó chỉ trích bất cứ điều gì về bạn. Vì vậy, mối quan hệ giáo viên – phụ huynh sẽ không tồn tại khi những lời chỉ trích được đưa ra. Bạn chỉ cần một vài điểm ngắn gọn, nói nhẹ nhàng, để hầu hết các bậc cha mẹ cảm thấy như họ đang nhận được một sự chia sẻ thật lòng. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là bạn né tránh, không dám gọi tên vấn đề về hành vi của học sinh.
- Đặt mình vào vị trí của phụ huynh và xem xét những gì họ đang nghe
Hãy đặt mình vào vị trí của phụ huynh. Nếu một giáo viên gọi để phàn nàn về hành vi của con bạn, bạn sẽ nghĩ gì về giáo viên:
“Cô A đã quát mắng con trong giờ ăn trưa và bắt con phải làm bản kiểm điểm”.
“Cô B luôn tỏ ra ghê gớm khi tiếp xúc với phụ huynh”.
Khi một phụ huynh nhận được một cuộc gọi từ trường về việc con trai họ đánh một đứa trẻ khác. Nó khiến phụ huynh hết sức lo lắng. Sự lo lắng ấy khiến cho chính phụ huynh cũng cảm thấy như thể họ là một trong những nguyên nhân của vấn đề. Trừ khi các bậc cha mẹ hoàn toàn chán nản, thất vọng với con, còn lại, đa số phụ huynh sẽ cảm thấy một chút mặc cảm và tự trách mình về hành vi của con. Dành thời gian cho phụ huynh đặt ra các câu hỏi là cách tốt để bạn không phải nói quá nhiều và khiến phụ huynh cảm thấy thoái mái hơn. Ví dụ:
Anh, chị có câu hỏi nào về những gì đã xảy ra không?
Hãy giữ câu trả lời ngắn gọn và thực tế. Ví dụ:
Phụ huynh: Thưa cô, tôi rất xin lỗi.
Bạn: Tôi biết. Tôi muốn anh, chị có tất cả thông tin để có thể nói chuyện với con vào tối nay.
Phụ huynh: Làm sao để con biết là con đã phạm sai lầm?
Bạn: Con đã bắt nạt bạn trong sân chơi và giáo viên kỉ luật đã bắt gặp. Con cũng đã thừa nhận điều đó.
- Hãy đưa ra các phản hồi tích cực
Hãy suy nghĩ về điều này trước để bạn có sự chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều phụ huynh cảm thấy khó chịu về các vấn đề về hành vi của con. Họ có phản ứng muốn bảo vệ con khỏi sự bất công khi thấy giáo viên liên tục liệt kê những điều con đã làm sai. Hãy cho phụ huynh biết rằng, bạn đã không dán nhãn hay trù dập con và bạn sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ con.
Ví dụ: Mặc dù, An đã không đáp ứng những mong đợi của tôi về việc hợp tác với các bạn trong lớp học. Mặc dù vậy nhưng con vẫn là một học sinh trung thực. Con dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi bạn.
- Gợi mở cho phụ huynh về những việc cần làm
Đây là một bước rất quan trọng để phụ huynh thấy rằng bạn đứng về phía họ và giúp các vấn đề về hành vi không xảy ra trong tương lai. Hãy nhớ rằng, khi bạn trao đổi với phụ huynh về một vấn đề hành vi nào đó, không phải bạn muốn phụ huynh phạt hay mắng con mà điều quan trọng là hỗ trợ con. Hãy hướng dẫn phụ huynh những công việc cụ thể mà họ có thể làm. Ví dụ như, yêu cầu con viết một lời xin lỗi ngắn. Hãy coi đó là một phần của bài tập về nhà tối nay.
Giao tiếp với phụ huynh luôn là một trong những công việc thử thách đối với giáo viên. Hãy cẩn trọng và giữ thái độ hợp tác, chắc chắn bạn sẽ xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh.
Betsy
https://thuviengiangday.com dịch