Sự tự vấn và khả năng dự đoán – đó là hai trong số những phẩm chất làm giàu đời sống của tất cả chúng ta. Chúng ta tự vấn về những điều lớn lao (Có sự sống trên các hành tinh khác không?), những điều nhỏ bé (Nếu tôi viết thư cho một người bạn đã lâu không gặp, liệu tôi có được hồi âm?, Điều gì sẽ xảy ra nếu ướp gà bằng bia?). Việc dự đoán không chỉ thú vị mà còn tạo cảm giác an toàn (Nếu cái nồi bị rò điện, có lẽ tôi nên bọc lại dây điện). Sự hấp dẫn của việc dự đoán có thể dễ dàng nhận thấy trong trò chơi bóng đá ảo. Nó gần như thay thế những trò chơi thực tế vì sự phấn khích và hứng thú đem lại cho người hâm mộ.

Hai phẩm chất tự vấn và dự đoán này có thể là nền tảng cho việc tạo động lực học tập.

Sức mạnh của sự tò mò

Sức mạnh của sự tự vấn và dự đoán có thể là cơ sở hình thành nên những tiết học tuyệt vời. Những tiết học tốt nhất mà tôi từng chứng kiến bắt đầu bằng việc khơi gợi sự tự vấn thông qua các câu hỏi mà không thể không làm học sinh ngạc nhiên. Những câu hỏi hay có thể gây sự tò mò ở cả những học sinh uể oải nhất. Câu hỏi thú vị thế này không phải tự dung mà có, nó được hình thành qua thời gian. Hãy sưu tầm lấy hai hoặc ba câu hỏi mỗi năm và làm thành bộ câu hỏi bỏ túi cho riêng mình.

Để phát triển các loại câu hỏi này, hãy bắt đầu bằng cách tìm các cặp đối lập và sự kết nối giữa hai thành tố. Ví dụ:

  • Trong câu “Ruồi đậu mâm xôi đậu”, hai từ “đậu” có giống nhau không?
  • Martin Luther King có điểm gì chung với môn đại số?

Hiển nhiên, những câu hỏi tự vấn tuyệt vời phải kết nối với bài học sắp tới. Chúng thực hiện chức năng dẫn nhập, thu hút sự chú ý của người nghe. Nhưng nếu dẫn nhập không liên quan gì với phần sau thì coi như thất bại.

Sự tự vấn dẫn dắt dự đoán. Việc dự đoán không chỉ được yêu thích mà còn là một phần quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực, thậm chí ở mỗi lĩnh vực còn có những danh từ riêng cho nó: trong Toán học là ước tính, trong Khoa học là giả thuyết, trong Tiếng Anh là dự báo. Một từ khác thông dụng hơn đó là “đoán”, và tất cả chúng ta đều thích đoán.

Một trong những khía cạnh tốt nhất của dự đoán trong quá trình tạo động lực là khi đoán, chúng ta không thể ngăn được mong muốn xác nhận đúng sai. Bạn đã bao giờ chơi trò giải đố trên báo mà có đáp án in ở cuối tờ báo chưa? Bất chấp việc phải giở đi giở lại để so đáp án, chúng ta vẫn cứ thích làm. (Đôi khi tôi còn kiểm chứng xem tạp chí có viết đáp án đúng không). Điều đó xảy ra tương tự ở học sinh. Bạn chỉ cần khiến học sinh muốn đoán thôi, sau đó học sinh sẽ có động lực đi tìm câu trả lời đúng. Đó chính là học tập.

Hướng dẫn bằng sự dự đoán

Nếu bạn đặt câu hỏi cho học sinh và nhận được câu trả lời “Em không biết”, hãy cố gắng gây tò mò. Cho dù câu đố có hơi lạc đề thì đó vẫn là bước đầu học sinh tiếp cận với bài học. Khuyến khích học sinh dự đoán sâu hơn có thể dẫn đến một câu trả lời nghiêm túc.

GV: Tại sao táo rụng khỏi cây?

HS: Em không biết ạ.

GV: Em nghĩ thêm chút nữa đi.

HS: Những con chim mang chúng xuống đất.

GV: Tại sao chúng lại mang táo xuống mà không phải cắp lên? Em có đoán ra không?

Tôi nghĩ bạn có thể mường tượng ra cách dẫn dắt học sinh. Bạn cũng có thể ngụy trang cho câu đố của mình theo một cách khác. Dưới đây là một ví dụ hiệu quả, dù có hơi cắc cớ. Tôi khuyên bạn nên thử nó trước khi đánh giá nó. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên.

HS: Em không biết ạ.

Thầy: Nếu em biết, em sẽ nói gì?

Dưới đây là một ví dụ về sự tự vấn và dự đoán trong tiết học Đại số:

  • Bạn nào biết Martin Luther King là ai và tại sao ông ấy là một nhân vật quan trọng?
  • Bạn có biết rằng tác phẩm của ông có cùng nền tảng với môn Đại số? (Một câu hỏi tự vấn)
  • Được rồi, bây giờ hãy chia lớp thành các nhóm và kiểm tra xem học sinh có trả lời được không. (Một câu hỏi dự đoán)

Sau đây là một cách khác để sử dụng dự đoán cả ở trên lớp và bài tập về nhà. Hãy thử nói với học sinh:

Hôm nay, cô không giao bài tập về nhà. Các em không được tìm câu trả lời cho các câu hỏi Đại số trong tờ bài tập về nhà. Không làm bài – chỉ cần đoán. (Các câu hỏi dự đoán) Ngày mai chúng ta sẽ thảo luận về ước tính – một công cụ toán học tuyệt vời. Môn Đại số sẽ vui hơn nhiều.

Khi tôi thử áp dụng phương pháp này, tôi thấy rất buồn cười vì học sinh giả vờ trước mặt tôi là không làm bài nhưng thực ra, các em đã làm bài để khi lên lớp có thể “dự đoán” chính xác. Thật thú vị – học sinh mắc “bẫy” mà không hề biết!

Dĩ nhiên, sự tự vấn và dự đoán có thể được sử dụng độc lập. Tuy nhiên nếu bạn kết hợp cả hai sẽ tạo động lực mạnh mẽ đến ngay cả những sinh viên khó hợp tác nhất.

Richard Curwin

Đặng Thanh Hiền dịch