Chú thích của biên tập viên: Bài viết này trích từ Xây dựng cộng đồng người học tự giác: Các chiến thuật hỗ trợ học sinh ở trong và ngoài trường học của Larry Ferlazzo, 21/03/2015, đăng trên Routledge.

“Có ba điều cần nhớ trong giáo dục. Điều đầu tiên là động lực học tập. Điều thứ hai là động lực học tập. Điều thứ ba vẫn là động lực học tập.” (cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Terrel Bell)

Khi học sinh cảm thấy được khích lệ trong học tập, họ làm tốt hơn, điều chỉnh hành vi trong lớp và có ý thức hơn về sự tự trọng.

Thật không may, hồ sơ học sinh và trải nghiệm thực tiễn của các nhà giáo dục cho thấy việc thiếu động lực học tập đã ảnh hưởng đến nhiều học sinh và tình trạng này có xu hướng gia tăng qua các năm ở các cấp THCS và THPT. Sự thiếu tinh thần tham gia của học sinh thể hiện qua thái độ không cố gắng hết sức và thường xuyên nghỉ học không lí do, đây là một trong những tín hiệu rõ rệt nhất của việc bỏ học.

Làm thế nào chúng ta có thể đối phó một cách hiệu quả với cơn khủng hoảng động lực học tập này?

Điều kiện phát triển

Một biện pháp khắc phục dựa trên niềm tin chung vào sức mạnh của động cơ bên ngoài đó là điểm thưởng, ngôi sao may mắn… và những hình thức trách phạt tương đương.

Tôi muốn đưa ra một quan điểm khác, được phát triển bởi Ken Robinson, tác giả và diễn giả trong lĩnh vực giáo dục:

Người nông dân và người làm vườn biết rằng họ không thể nuôi lớn một cái cây… mà là cây tự lớn lên. Những gì bạn có thể làm là tạo mọi điều kiện cho sự phát triển của nó.

Một trong những phương thức quan trọng để “tạo điều kiện cho sự phát triển” hoặc “tạo ra một chuỗi tình huống” (theo cách nói của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia) là tập trung vào động lực bên trong (lựa chọn tổ chức một hoạt động tạo ra niềm vui hoặc giúp đạt được một mục tiêu tự thân) thay vì động lực bên ngoài (thực hiện một hành vi để giành phần thưởng).

Trước khi xem xét những điều kiện phát triển đó, chúng ta hãy đọc qua một số nghiên cứu về sự khen thưởng để thấy tại sao chúng ta không nên phụ thuộc vào động lực bên ngoài:

  • Động lực bên ngoài có thể có hiệu quả ngắn hạn trong việc khuyến khích các bài tập có tính bắt chước và tuân thủ nhưng có xu hướng thủ tiêu tư duy sáng tạo và tư duy bậc cao.
  • Động lực bên ngoài, mặc dù có thể có hiệu quả ngắn hạn là đạt được sự tuân thủ nhiệm vụ nhưng lại có xu hướng làm giảm động lực bên trong cho cùng một hoạt động trong thời gian dài (PDF, 4.8MB).
  • Một nghiên cứu gần đây trên 200.000 công nhân cho thấy rằng những người có động cơ bản chất thì tích cực trong công việc gấp ba lần so với những người tập trung nhiều hơn vào phần thưởng bên ngoài.

Tuy nhiên, không có nghĩa là động cơ bên ngoài không đóng vai trò gì ở nhà, trên lớp hoặc nơi làm việc. Thậm chí TS. Edward Deci (một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về động lực bên trong) nhận ra rằng sẽ có những lúc biện pháp “cần câu” là cần thiết nhằm khuyến khích hoặc ngăn chặn một hành vi vì tính cấp bách của tình huống thử thách. Ông đã trả lời phỏng vấn trên tờ The New York Times:

“Nếu bạn đang chịu nhiều áp lực hoặc ở trong một môi trường không tốt thì sự trao đổi sẽ không hiệu quả.” Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đừng để câu chuyện kết thúc ở đó. “Buổi chiều tiếp theo, bạn cần ngồi bình tĩnh ngồi xuống, nói chuyện với mọi người, sau đó thảo luận cách thức để hành vi đó không xảy ra nữa”, ông nói. “Luôn luôn rút kinh nghiệm vào ngày hôm sau.”

Ngoài ra, tác giả Daniel Pink bàn về sự cần thiết của những phần thưởng thiết yếu – sự “bù đắp” cơ bản và công bằng mà tất cả chúng ta cần nhận được để có thêm động lực. Ở trường, điều đó có thể là sự quan tâm của giáo viên, một lớp học sạch sẽ và những bài học hấp dẫn.

Nói cách khác, động lực bên ngoài có vai trò riêng của nó nhưng phải được sử dụng hợp lí.

Động lực bên trong

Nhiều nhà nghiên cứu, nếu không muốn nói là hầu hết họ, chỉ ra bốn thành tố tạo động lực bên trong:

  1. Tự chủ: có khả năng kiểm soát tình hình và bảo đảm việc thực hiện
  2. Năng lực: dự đoán được khả năng thành công của một người
  3. Kết nối: hoạt động giúp họ cảm thấy gắn bó với người khác và cảm thấy được dìu dắt bởi những người đáng kính
  4. Liên hệ: công việc phải thú vị và có giá trị đối với học sinh, hữu ích cho cuộc sống hiện tại và/ hoặc ước mơ tương lai của họ

Một thử thách đặt ra cho các nhà giáo dục là giúp học sinh tự tạo động lực cho bản thân thông qua bốn phẩm chất trên.

Đặng Thanh Hiền dịch