Các bí kíp làm mẫu

* Thứ hai là thời điểm tốt để đọc và nhắc lại các nguyên tắc. Đây cũng là thời điểm tốt để làm mẫu một sự kỳ vọng có liên quan khác và suy nghĩ về một mục tiêu trọng tâm của tuần. “Hãy suy nghĩ về việc ngồi cạnh một vài bạn mới hoặc mời một bạn mới chơi trò chơi.”

* Thứ Sáu, trong giờ chủ nhiệm (tutor/form time) buổi sáng hoặc “hội nghị bàn tròn”, có thể là thời điểm tốt để cùng nhìn lại thành công. “Tuần này nhiều bạn đã nhớ mang sách và bút chì, sẵn sàng học Toán đúng giờ. Hãy tự thưởng cho mình một tràng pháo tay.”

* Với một số nhóm, có thể cần làm mẫu một hành vi tại một thời điểm. Ví dụ, trước tiên tôi có thể làm mẫu việc giữ trật tự trong lớp học, đưa ra tín hiệu im lặng và rèn cho học sinh biết khi nào dừng thảo luận để lắng nghe chính xác sự chỉ dẫn.

* Có thể giả định một tình huống tại một thời điểm để làm mẫu một kỹ năng có nhiều ứng dụng, chẳng hạn như nhận thức không gian và ranh giới cá nhân. Ví dụ, tôi làm mẫu khoảng cách thích hợp khi đi theo hàng và sau đó, tại một thời điểm khác, áp dụng nó khi ngồi thành vòng tròn hoặc tổ chức một cuộc trò chuyện.

* Đừng quên sử dụng việc làm mẫu khi dạy các kỹ năng xã hội phức tạp hơn. Ví dụ, chúng ta có thể làm mẫu việc tổ chức một cuộc trò chuyện, đặt câu hỏi hay, kiểm soát sự thất vọng, kiên nhẫn chờ đợi hoặc giải quyết một vấn đề.

* Hầu hết thời gian, khi giáo viên làm mẫu, họ đồng thời thực hiện một phản hồi được chấp nhận. Nếu có một cách khác thích hợp để thực hiện một điều gì đó thì càng hữu ích. “Đây là một cách để chọn ra người đi trước. Có bạn nào biết cách khác không?”

Giáo viên đặt tên sự kỳ vọng và thảo luận về mục đích của nó.

“Chúng ta cần vận hành trường học của mình theo cách an toàn cho mọi người. Điều đó có nghĩa là các em được an toàn và chúng ta không làm phiền người khác. Tại sao điều quan trọng là mọi người đều an toàn và không làm phiền các lớp khác?”

“Trong lớp học này, chúng ta giơ tay để phát biểu. Khi giơ tay, chúng ta cho mọi người thời gian suy nghĩ và cũng có thể nghe được những gì mọi người nói. Tại sao em nghĩ điều quan trọng là phải giơ tay?”

“Trong lớp học này, khi ai đó rung chuông, mọi người phải dừng lại và lắng nghe ngay lập tức. Đó là một tín hiệu im lặng. Tại sao em nghĩ rằng tín hiệu quan trọng đến vậy?”

Giáo viên làm mẫu các hành vi và ngôn ngữ cụ thể. Điều quan trọng là phải thực hiện rõ ràng và đặt tên cho tất cả các yếu tố.

“Tôi sẽ xếp hàng, hãy quan sát tôi.” (Một học sinh khác đã được chỉ định trước để tạo mô hình khoảng cách không gian thích hợp). Các giáo viên giả vờ đi đến hàng, giữ im lặng và đứng cách người khác khoảng 6 inch. Cô ấy đứng gần một phút, chờ đợi mà không nói chuyện hay chạm vào người phía trước. “Em thấy những gì?”

“Tôi sẽ làm mẫu giơ tay để phát biểu.” (Giáo viên có thể mời một học sinh đặt câu hỏi đơn giản. “3 + 8 = mấy?” (Câu hỏi của học sinh). Sau đó, giáo viên làm mẫu giơ tay, im lặng và ngồi yên trên ghế. Cô ấy không nhảy ra khỏi chỗ hay hết lên. “Em thấy những gì?”

“Monica (học sinh được mời làm mẫu) sẽ nhẹ nhàng rung chuông. Tôi sẽ dừng lại, nhìn và lắng nghe. Hãy quan sát tôi.” Giáo viên giả vờ mải viết. Chuông kêu vang. Cô cẩn thận đặt cây bút xuống, ngước lên nhìn Monica và chờ đợi Monica đưa ra chỉ dẫn “theo kịch bản”.

Giáo viên và học sinh đặt tên các hành vi được kì vọng, cho biết những gì họ nhận thấy đi kèm mô tả chính xác về hành vi và ngôn ngữ.

“Bạn nào nhận thấy tay tôi làm gì trong khi chờ đợi?”

“Bạn nào nhận thấy tôi đứng cách người khác bao xa?”

“Bạn nào nghe thấy tôi nói gì khi giơ tay?”

Học sinh làm mẫu các kì vọng.

“Bây giờ bạn nào có thể xếp hàng trật tự, duy trì khoảng cách với người phía trước và gióng thẳng hàng?” Số lượng học sinh làm mẫu tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian và nhu cầu.

“Bạn nào có thể làm mẫu giơ tay để trả lời câu hỏi? Ai đặt câu hỏi cho Nicole?”

“Bạn nào biết phải làm gì khi nghe thấy tín hiệu?”

Học sinh thực hành và giáo viên – ngay lập tức và trong suốt cả ngày – củng cố những nỗ lực tích cực để đạt được kỳ vọng.

“Tôi thấy nhiều học sinh nhớ không nói chuyện trong khi xuống cầu thang.”

“Tôi thấy nhiều học sinh giơ tay và chờ giáo viên gọi chứ không nhao nhao lên.”

“Tôi đang xem có bao nhiêu bạn phản hồi tín hiệu trước khi đếm đến 12.”

 Giáo viên tiếp tục nhắc nhở và củng cố kỳ vọng theo thời gian.

“Bạn nào có thể nhắc lại cho cả lớp những gì chúng ta cần làm khi thấy tín hiệu tay?”

“Bạn nào có thể nhắc lại cho cả lớp ý nghĩa của việc giữ trật tự khi xếp hàng?”

“Bạn nào có thể nhắc lại cho cả lớp thế nào là giơ tay phát biểu và giữ ý tưởng trong đầu?”

Việc làm mẫu được lên kế hoạch – hoặc tự phát – khi học sinh quên một hành vi thích hợp.

Các học sinh lớp Năm đang xếp ghế thành một vòng tròn. Một số em kéo ghế gây tiếng ồn và đi lung tung. Đó là một tình huống có vấn đề. Giáo viên rung chuông và ngừng hoạt động. “Em có biết vì sao cô lại bắt em dừng lại không?” Cô ấy hỏi. “Vì chúng em quá ồn ào ạ?” một học sinh gợi ý. “Vì sao lại ồn ào?”, giáo viên tiếp tục. “Chúng em đang kéo ghế của mình.” “Được rồi, bây giờ ai có thể bày cách di chuyển một chiếc ghế thật an toàn và cẩn thận?” Sau khi học sinh làm mẫu, giáo viên hỏi lại:

“Em thấy Isaiah di chuyển ghế như thế nào?”

“Em cần làm như thế nào?”

“Giơ ngón cái nếu các em đều hiểu rồi nhé.” TẤT CẢ ĐỀU GIƠ NGÓN CÁI.

Làm mẫu. Làm mẫu. Làm mẫu. Khi cần thiết, giáo viên làm mẫu nhiều kỳ vọng sau đây:

  • Cách di chuyển an toàn trong lớp học.
  • Cường độ giọng nói thích hợp cho các hoạt động khác nhau (ở sân chơi, làm việc nhóm, im lặng,…)
  • Tín hiệu trật tự.
  • Xếp thành vòng tròn.
  • Lắng nghe tích cực.
  • Gọt bút chì. (làm thế nào và khi nào)
  • Giơ tay.
  • Thu dọn đồ vào ba lô để về nhà.
  • Đọc thông điệp buổi sáng và các thói quen buổi sáng khác.
  • Vào lớp nếu đi học muộn.
  • Vào một lớp học khác.
  • Giữ cửa khi bạn bước xuống hành lang.
  • Lời chào thân thiện với bạn cùng lớp và khách.

KẾT LUẬN

Giáo viên sử dụng phương pháp tiếp cận Lớp học phản hồi không cho rằng trẻ em biết hoặc ghi nhớ cách thức thực hiện các kỳ vọng từ năm này sang năm khác. Việc làm mẫu tạo điều kiện cho trẻ em, ở mọi lứa tuổi và cấp lớp, biết những kỳ vọng, phát triển năng lực và sự tự tin để thành công – ít nhất là hầu hết thời gian.

Có một năm, tôi nhận thấy rằng nhiều học sinh lớp 7 và lớp 8 rất không kiên nhẫn chờ đợi sự chú ý của giáo viên. Thông qua nhiều lần làm mẫu, họ đã học được cách không ngắt lời hay làm gián đoạn hoạt động của giáo viên. Nhưng sau đó, tôi nhận ra học sinh sẽ mất hứng thú học tập sau một lúc phải chờ đợi và thường quên câu hỏi quan trọng. Tôi đã phải làm mẫu cho học sinh cách chờ đợi và giữ các câu hỏi. Một trong những học sinh của tôi đã đưa ra ý tưởng viết các ghi chú dán trên một phần nhất định của bảng. Vì vậy, chúng tôi đã thực hành các bước chờ đợi, viết, dán và nhận được trả lời.

Đặng Thanh Hiền dịch