Khi chúng ta nghĩ về việc dạy một lớp học mới, điều đầu tiên ta nghĩ ngay trong đầu là kiến thức của bài học đó mà chúng ta phải chú ý trong suốt quá trình dạy học. Mục tiêu giảng dạy của chúng ta là giúp học sinh sẽ thực hành thành thạo các kiến thức, kĩ năng sau khi kết thúc bài học. Tuy nhiên, hãy để ý đến điều này: Hầu hết giáo viên có thể dạy học, nhưng làm thế nào để bạn có thể tạo ra được sự khác biệt. Điều gì bạn có thể làm để biến bài học của mình thành công một cách trọn vẹn và hoàn hảo? Những “yếu tố nhỏ” dưới đây sẽ giúp cho bài học trở nên tuyệt hơn!

1.1 Dạy học theo ngữ cảnh và với các ví dụ thực tế

Hầu như tất cả chúng ta đều sử dụng sách giáo khoa, nhưng vấn đề ở đây là sách giáo khoa chứa đầy những nội dung không có liên quan gì đến học sinh. Tại sao chúng phải quan tâm đến một nhân vật “Xuân tóc đỏ” hay các nguyên tố hóa học? Tại sao học sinh lại không được học về một thị trấn thực sự, một địa điểm chúng có thể cùng gia đình ghé thăm một thời điểm nào đó mà thay vào đó là một thị trấn ở một quốc gia nào đó mà chúng chẳng thể nhớ nổi tên?

Nếu bạn muốn tìm hiểu về hai thành phố và so sánh những điểm giống và khác nhau, hãy dùng bản đồ thực tế và thông tin chính xác mà bạn có thể tìm thấy trên mạng. Hãy sử dụng thông tin học sinh quan tâm để luyện tập thay vì sử dụng thông tin hư cấu nào đó. Bất cứ khi nào có thể, hãy sử dụng nhân vật thực tế thay cho nhân vật hư cấu, và đừng quên điều đó phải nằm trong giới hạn cho phép.

1.2 Phục vụ cho nhu cầu của học sinh

Đôi khi, những cuốn sách giáo khoa đưa ra các hoạt động không phù hợp với lớp bạn giảng dạy. Điều này thường xuyên xảy ra với lứa tuổi mới lớn, khi mà một số tài liệu có thể quá dễ hoặc quá người lớn. Đừng ngại thực hiện một số điều chỉnh để làm cho tài liệu đó hoạt động đúng theo nhu cầu của học sinh

Điều này cũng đặc biệt hữu ích để giúp học sinh có thể ghi nhớ. Ví dụ với một nhóm học sinh mong muốn cải thiện kỹ năng viết về tiếng anh thương mại, hãy tưởng tượng bạn mới dạy xong về một chương là chủ đề tiếng anh khách sạn. Sau đó yêu cầu bài tập về nhà của học sinh là viết mail để phỏng vấn các cơ sở của khách sạn đó. Và bạn có thể để học sinh luyện tập kỹ năng viết mail của chúng.

1.3  Ghi nhận sự nỗ lực của học sinh

Học sinh, đặc biệt là những học sinh ở bậc THPT, thường chưa tự giác, dễ dao động và cảm thấy chưa hài lòng với những nỗ lực của họ. Chữa lỗi sai là một phần tất yếu của bài học, nhưng đừng quên khen ngợi những nỗ lực của họ, cho dù họ chỉ đạt được thành tích nhỏ.

Một cách tuyệt vời để giúp học sinh nâng cao sự tự trọng là kết thúc mỗi bài học với câu “bạn đã học được gì hôm nay?”. Câu hỏi đơn giản này là cách tuyết vời để học sinh ôn lại những hoạt động trong ngày và xem lại chúng đã làm được bao nhiêu trong số các mục tiêu đó.

1.4 Tận dụng các phong cách học tập hoặc khả năng đặc biệt

Bạn đã bao giờ dạy những học sinh có tài năng và khả năng khác thường chưa? Cho dù đó là tài năng về âm nhạc hay nghệ thuật siêu phàm, kĩ năng viết hoặc nói đặc biệt? Một cách tuyệt vời để chúng ta có một bài giảng thành công là kết hợp các phong cách học tập, sở thích của học sinh với bài giảng.

Tại sao lại phải mở đĩa CD nghe một đoạn hội thoại khô khốc khi học sinh của bạn rất nhạy cảm với các bài hát nước ngoài?

Nếu bạn có một nhóm học sinh thích nghiên cứu, chế tạo các thiết bị, hãy cho những học sinh này các đồ thủ công để hấp dẫn chúng tham gia vào việc học.

1.5 Tận dụng sở trường và sở thích của học sinh

Cũng liên quan đến tài năng, nhưng chỉ khác một chút là sử dụng sở thích của học sinh để tăng động lực và sự tham gia. Nếu hầu hết học sinh trong lớp đều thích đọc chuyện “Chạng vạng”, thì hãy dùng các nhân vật để thực hành và mô tả về vật lý, nói về thời tiết ở thị trấn Forks, thực hành với câu điều kiện như “Nếu được lựa chọn, em có muốn trở thành ma cà rồng không?”, hay so sánh các loại sinh vật siêu nhiên với nhau (người sói, ma cà rồng…) bên cạnh đó, chỉ cần biết Bella, Edward là ai là bạn có thể hòa nhập được với học sinh của mình.

1.6 Dạy về văn hóa

Dạy học không đơn giản là truyền đạt một đơn vị kiến thức mà còn là dạy học sinh về cách tư duy, lý do tại sao, như thế nào, và chỗ nào người ta nói như vậy. Ví dụ, ngày lễ tạ ơn là gì và nó bắt nguồn như thế nào. Đây là điều chắc chắn sẽ thu hút mối quan tâm của học sinh. Hãy so sánh lễ tạ ơn ở các quốc gia, các nền văn hóa khác nhau. Học sinh đã quen với việc ăn tối lúc 8 giờ chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết người Mỹ thường ăn tối lúc 6 giờ.

Sẽ mất thêm thời gian để bạn chuẩn bị giáo án và bạn có thể quen với việc tìm kiếm các tài liệu trong sách giáo khoa, sách tham khảo. Nhưng bất cứ thời gian nào bạn bỏ ra cũng sẽ có giá thị khi bạn thấy học sinh của mình tham gia tích cực vào bài học và thực hành những nội dung đã học. Chúng tôi không nói bạn phải vứt sách giáo khoa đi, mà chỉ cần thực hiện những thay đổi nhỏ ở một vài chỗ sẽ khiến bạn nhận ra nhiều điều khác biệt to lớn.

CLAUDIA PESCE

https://thuviengiangday.com dịch