Tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về cách não chúng ta tiếp thu, suy nghĩ và phản ứng. Vì vậy, hãy trở lại với không gian yên tĩnh nhưng sống động khi rèn luyện khả năng tập trung và nghỉ ngơi cho não. Nơi này rất hữu ích cho học sinh và giáo viên nếu như được áp dụng thường xuyên.
Các bài tập rèn luyện khả năng tập trung
Não bộ ưu tiên nhu cầu sống hơn các nhu cầu về học tập và cảm xúc. Bởi vì sức sống mạnh mẽ, chúng ta chú ý đến mọi thứ có tính đe dọa, không an toàn và không quen thuộc. Điều này xảy ra tương tự ở học sinh khi họ lần đầu tiếp xúc với những thay đổi trong giáo dục, bài kiểm tra, kiến thức phức tạp, xung đột cá nhân và các mối quan hệ mang tính thử thách. Những cảm nhận này có thể gây ra trạng thái ức chế thần kinh trong não của chúng ta. Khi xảy ra cơ chế phản ứng “chống lại, bỏ chạy hoặc tê liệt”, chúng ta không còn khả năng suy nghĩ rõ ràng, tập trung và giải quyết vấn đề. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự ổn định tinh thần sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm của chúng ta, giảm nhịp tim và huyết áp đồng thời tăng khả năng phản hồi giúp chúng ta xử lý hiệu quả những thử thách diễn ra hàng ngày. Nhiều giáo viên đã thấy được sự hữu ích của phương pháp trấn an này khi áp dụng vào những thời điểm khác nhau trong ngày, phổ biến nhất là vào đầu buổi sáng và cuối ngày. Những hoạt động này, giống như bất kỳ kỹ năng mới nào, đòi hỏi sự bền bỉ và kiên nhẫn.
- Hít thở
Đứng thẳng lưng, lòng bàn chân áp sáp sàn nhà, hít thở sâu ba lần, hít vào qua đường mũi và thở ra qua đường miệng. Đếm đủ bốn lần hít vào và năm lần thở ra, có sự tạm dừng giữa lúc hít vào và lúc thở ra. Sau ba lần hít thở sâu, chúng ta từ từ xoay đầu sang bên phải khi hít vào và ngửa lên trên khi thở ra. Sự chuyển động này diễn ra chậm rãi, thong thả. Sau hai lần bên trái và hai lần bên phải, chúng ta hít vào trong khi ngửa mặt lên trần nhà và thở ra khi từ từ cúi đầu xuống, chạm cằm vào ngực. Có thể lặp lại những động tác trên hoặc thực hiện kèm thêm động tác mở/ đóng cánh tay hoặc bất kì động tác gì có thể làm trong lúc hít thở.
- Tri giác
Yêu cầu học sinh nhắm mắt và chọn một đồ vật nhỏ trong hộp hoặc túi xách. Có thể là một cái kẹp giấy, bút chì, lõi táo, que, cái lá, cục tẩy, cặp kính, chiêc tất, một đoạn dây… Trong khoảng một phút, học sinh nhắm mắt và tập trung vào vật thể thông qua các giác quan khác của mình. Mặc dù có thể nhận ra đối tượng thì họ vẫn cần tập trung vào cảm giác, cấu tạo, hình dạng, độ sắc cạnh, mùi vị hoặc bất kì điều gì mà họ tri giác được. Sau một phút, học sinh có thể chia sẻ các chi tiết, nói hoặc viết ra những gì họ cảm nhận thấy. Giáo viên cũng có thể viết mô tả về đồ vật vào các mẩu giấy rồi bỏ giỏ. Cuối buổi học, học sinh có thể bốc thăm và đoán xem đó là đồ vật gì.
- Hình dung
Bộ não phản ánh lại những gì chúng ta tưởng tượng như thể đó là một sự kiện có thực. Cảm giác an toàn, thư thái và sự hòa hợp với người khác là những trạng thái tâm lí có thể tạo ra cảm xúc tích cực, tư duy phê phán và giải quyết vấn đề. Trong các bài tập rèn luyện khả năng tập trung, chúng tôi cân bằng cảm xúc của não thông qua những hình ảnh về một nơi chốn thanh bình. Các học sinh ngồi im lặng, nhắm mắt lại trong khi chúng tôi dẫn dắt họ tưởng tượng ra nơi chốn yêu thích của họ. Sau đó, chúng tôi hướng dẫn họ hình dung ra các địa điểm, âm thanh, màu sắc và cảm nhận nơi an toàn của riêng mình. Họ có thể mời bất cứ ai đến đó hoặc nghỉ ngơi và tận hưởng không gian này một mình. Đây là bài tập mà học sinh thích nhất khi thực hành kỹ năng tập trung.
- Âm thanh
Trong hai phút, học sinh nhắm mắt và lắng nghe tất cả các âm thanh xung quanh. Một khi họ đã xác định được một âm thanh, họ sẽ nắm bắt nó theo cách riêng. Chẳng hạn như hình dung ra một cái hộp đựng âm thanh hoặc tưởng tượng về điều gì đó khác. Sau đó, học sinh chia sẻ với nhau những âm thanh họ nghe và nhớ được.
Thư giãn não bộ
Thói quen ru ngủ não bộ. Chúng ta có khoảng tập trung dài ngắn khác nhau tùy theo độ tuổi. Để học tập, kết nối, ghi nhớ và xử lí thông tin, chúng ta phải tỉnh táo và tập trung. Các bài tập sau đây đảm bảo đủ mới mẻ và vui nhộn, gây tò mò cho bộ não của chúng ta.
- Miêu tả món ăn yêu thích của em cho một bạn cùng lớp trong vòng 30 giây, chỉ sử dụng tính từ. Sau khi bạn của em đoán xong, bạn ấy sẽ miêu tả địa điểm yêu thích của mình bằng các tính từ cho em đoán.
- Nhắm mắt và viết tên của mình lên một mẩu giấy, sau đó, đổi sang viết bằng tay kia. So sánh sự khác biệt. Chia sẻ và thảo luận.
- Tạo ra ngôn ngữ mà chỉ em và một bạn khác hiểu. Giáo viên có thể làm mẫu cho học sinh trước khi bắt đầu.
- Tấm thảm bay đang chờ đón các em. Thảm này sẽ đưa em đến với hai người hoặc hai địa điểm quan trọng nhất đối với em. Họ là ai? Điều gì khiến chuyến đi này trở nên quan trọng?
- Đặt một đôi giày lên một chiếc bàn trước cả lớp. Học sinh sẽ có một phút để miêu tả chủ nhân bí ẩn của đôi giày này. Người đó có thể là một người khiến học sinh sợ hoặc tức giận, hoặc chỉ đơn giản là một người khó đoán.
Cho não bộ học tập và tạo cảm xúc tích cực là điều rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển về các mặt xã hội, cảm xúc và nhận thức ở học sinh. Nếu chúng ta biết vận dụng những bài tập này, sự tươi mới và tĩnh tâm sẽ trở thành công cụ đắc lực nhằm cải thiện sức khoẻ và sự hiểu biết của học sinh.
Đặng Thanh Hiền dịch