Tôi không biết bàn làm việc của bạn trông như thế nào sau khi học sinh nộp vở và các bài tập, nhưng bàn làm việc của tôi thì trông giống như một dãy núi. Trên thực tế, tôi phải khởi động, lên dây cót tinh thần để có thể vượt qua cuộc hành trình chấm điểm trước các deadline. Hãy nghĩ những lớp học với 35- 45 học sinh mỗi lớp, 6 tiết mỗi ngày, có thể 3 bài tập mỗi tuần. Làm thế nào để một giáo viên mới hoặc một giáo viên đã có kinh nghiệm có thể xử lý được hết số công việc. Thậm chí chắc là phải thuê them một giáo viên nữa cũng chưa chắc đã hoàn thành.

Và khi quy mô lớp học tăng lên, chúng ta vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Điều quan trọng là cung cấp thông tin phản hồi cho học sinh dưới các hình thức khác nhau. Nó giúp học sinh luôn chú ý đến các “thông điệp” từ giáo viên. Dưới đây chỉ là một số mẹo, một số có thể đã cũ, một số có thể là mới, để giúp bạn trong quá trình đánh giá học sinh.

1. Sử dụng Rubrics cho phản hồi: Sau khi xem con trai ba tuổi của tôi thực hiện hoạt động đánh răng, tôi nói đùa rằng: “Mẹ chắc chắn cao nhất là cho con điểm B.” Nó dừng lại. “Cái gì tốt nhất là điểm B á?”

Tôi sẽ không làm bạn nhàm chán với việc mô tả quan niệm của tôi về thế nào là đánh răng ở mức độ xuất sắc. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng điều đó khiến tôi nghĩ đến việc nhiều học sinh không biết cách đặt câu hỏi. Vì thế, nó thôi thúc tôi sử dụng rubrics. Rubrics không chỉ là về phản hồi tổng hợp, “Đây là cách bạn đã làm”, chúng cũng là một loại phản hồi và là hướng dẫn về “nững gì bạn cần làm.”

2. Chỉ tập trung phản hồi về một kỹ năng – Hãy nghĩ về việc chấm điểm nhưng dựa theo quan điểm của một học sinh: làm sao để việc đưa phản hồi tạo ra tác động lớn hơn. Việc đưa quá nhiều lỗi sai khiến học sinh có cảm giác sợ thất bại và mất động lực. Vì thế hãy chỉ nên tập trung vào một số kĩ năng chính mà học sinh mắc phải và đưa ra phản hồi chi tiết về nó.

3. Chỉ tập trung phản hồi về một phần của bài tập – Chỉ nhận xét về đoạn đầu tiên hoặc chỉ 5 câu hỏi đầu tiên của bài tập. Tốt hơn nữa, cho phép một học sinh chọn những nội dung mà chúng cảm thấy tốt nhất để chứng minh cho mức độ nắm kiến thức của bản thân.

4. Xoay vòng học sinh để đưa ra phản hồi sâu hơn – Chắc chắn mỗi học sinh lần lượt nộp bài tập, nhưng bạn có thực sự cần phải tập trung hết sức vào tất cả 200 học sinh một cách công bằng mỗi lần không? Hãy xoay vòng các nhóm học sinh cùng với sự chú ý của bạn.

5. Huấn luyện học sinh đưa ra phản hồi cho nhau – Dạy học sinh đưa ra các phản hồi cơ bản cho bài làm của nhau. Điều này giúp bạn không phải viết liên tục những nhận xét cơ bản lặp đi lặp lại – những lỗi dễ phát hiện bởi học sinh.

6. “Nhận xét chứ không phải sửa lại” – Carol Jago nhắc nhở chúng tôi rằng đó là công việc của học sinh để sửa lỗi của bản thân. Trên thực tế, việc học sinh xác định các lỗi bằng cách sử dụng các gợi ý do giáo viên cung cấp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Ví dụ: Trong bài luận của bạn, tôi thấy (lỗi chung) xuất hiện x lần. Trong dự án môn lịch sử của bạn, tôi thấy hai lỗi về ngày tháng. Trong bài tập toán của bạn, tôi thấy ba phương trình không có điều kiện của nghiệm.

7. Quy ước các ký hiệu của việc nhận xét, phản hồi – Xác định các lỗi phổ biến nhất mà bạn dự đoán học sinh sẽ mắc. Hãy viết các kí hiệu chấm điểm hay nhận xét của bạn đặt ở ngay lề vở hoặc dính sẵn lên bảng giáo viên để học sinh tự hiểu thay vì phải viết đi viết lại các nhận xét đó. Điều này khiến học sinh sẽ tập trung hơn trong việc giải mã các kí hiệu.

8. Thuê “chuyên gia” chấm điểm – Đôi khi, các bài tập sẽ có sự thay đổi vượt bậc về chất lượng khi học sinh nghĩ rằng ai đó không phải là giáo viên của mình đang chấm bài. Yêu cầu ban giám hiệu tham gia, trao đổi việc chấm bài với các giáo viên khác,… Thỉnh thoảng việc mời người khác chấm điểm sẽ làm học sinh chú ý và cẩn thận hơn.

9. Duy trì trạng thái hồi hộp – Giữ bí mật điểm số cuối cùng của bài tập dưới dạng củ cà rốt treo lủng lẳng cho đến khi tất cả các phản hồi đều được đọc, kiểm tra và chứng minh. Làm cho học sinh giải quyết một số vấn đề trong bài tập dựa trên phản hồi của giáo viên và trao đổi các giải pháp rồi mới biết được điểm số cuối cùng.

10. Ghi chú các Phản hồi – Học sinh sẽ quên ngay những gì bạn nói hoặc các phản hồi của bạn trong bài kiểm tra. Vì thế hãy yêu cầu học sinh ghi chép lại những điều chúng học được từ các lỗi sai.

11. Cho phép học sinh nộp bài sớm hơn deadline. Không có quy tắc nào nói rằng tất cả 200 bài tập về nhà hoặc phiếu học tập phải xuất hiện trước cửa nhà bạn vào cùng một ngày.

12. Và hãy cho học sinh một cách để phản hồi lại bạn. Nếu học sinh tin rằng bạn đang đọc phản hồi của chúng, chúng chắc chắn sẽ đọc phản hồi của bạn. Thực hiện một bản khảo sát, để học sinh điền vào cuối bài, tuần, học kỳ, bất cứ điều gì chúng muốn. Hỏi học sinh hoạt động nào hiệu quả và hoạt động nào thì không. Hãy thể hiện sự thoải mái trước những lời chỉ trích của học sinh và chúng sẽ tự làm việc chăm chỉ hơn.

Trên đây là một số lời khuyên hữu ích giúp giáo viên thoát khỏi quả núi bài vở phải chấm đang đè nặng lên giáo viên cả trong lớp và ở nhà. Bạn cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình với chúng tôi và các đồng nghiệp.

Heather Wolpert-Gawron

https://thuviengiangday.com dịch