Bốn năm trước, tôi được gặp John Hattie, điều này đã thay đổi tầm nhìn của tôi trong vai trò là một nhà giáo dục. Hattie đã khiến tôi nghĩ về bản thân mình như một tác nhân thay đổi, để có thể áp dụng các công cụ hướng dẫn học sinh thành công trong môn toán.

Để làm điều này, tôi phải tạo ra một lớp học nơi học sinh của tôi biết chính xác những gì chúng đang học, chúng đã đạt, chưa và những bước tiếp theo của quá trình học tập.

MỤC TIÊU HỌC TẬP

Một số giáo viên không đánh giá cao các mục tiêu bài học và việc đặt mục tiêu học tập cho học sinh. Nhưng tôi muốn mọi người hãy cân nhắc vấn đề sau: Làm sao chúng ta có thể mong đợi học sinh thành công nếu giáo viên không cho học sinh biết chính xác những gì chúng ta kì vọng.

Bây giờ tôi bắt đầu bài học với một mục tiêu rõ ràng. Tôi có thể xác định một cách chính xác kỹ năng và kiến ​​thức mà tôi hướng đến để học sinh của mình đạt được. Ví dụ, tôi có thể nêu được 3 điểm khác biệt giữa hình vuông và hình thoi. Sự chính xác của mục tiêu học tập làm sắc nét và sắp xếp kế hoạch bài học hợp lý, và cho phép tôi tạo ra các đánh giá định hướng kế hoạch của mình trong tương lai.

Tuy nhiên, lợi ích chính của việc sử dụng các mục tiêu học tập là cho phép học sinh đo lường được kết quả của quá trình học tập. Đối với tôi là một giáo viên toán, không thú vị hơn là chứng kiến ​​học sinh tham gia vào một cuộc thảo luận, và sử dụng ngôn ngữ toán học một cách hiệu quả trong hoạt động này.

Sau khi chia sẻ mục tiêu học tập, tôi dành khoảng hai đến ba phút để truyền đạt tất cả các mục tiêu học tập đến học sinh. Tôi sử dụng chính các mục tiêu này để tiến hành một cuộc thảo luận ngắn gọn về những gì đã học được trong buổi học ngày hôm nay.

Đây là cơ hội để tôi kiểm tra lại học sinh về các thuật ngữ, từ khóa và các kiến thức đã học. Nó cũng cho phép học sinh thể hiện hiểu biết về các khái niệm được đề cập và đưa ra những ý tưởng mới cho bài học tiếp theo.

KIỂM TRA VÀ ĐÁNH GIÁ

Khi theo dõi khả năng nắm kiến thức của học sinh, tôi đặt câu hỏi để kiểm tra mức độ phù hợp với mục tiêu học tập. Các điểm kiểm tra cho phép tôi đánh giá những điểm mà học sinh cần giúp đỡ. Nó cũng cho học sinh cơ hội để biết được sự tiến bộ thông qua các mục tiêu học tập.

Tôi thường sử dụng cách đánh dấu bằng bút màu cho phép học sinh tập trung vào những mục tiêu quan trọng nhất cần cải thiện.

Mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh tự điều chỉnh. Vì vậy, sau mỗi bài kiểm tra, tôi cho học sinh cơ hội để đánh giá sự tiến bộ của chính mình bằng cách sử dụng phiếu tự đánh giá dựa trên các mục tiêu đã được thống nhất.

Trong một bài học, tôi thường tạo ra nhiều cơ hội để tự đánh giá từ đó mang đến cho học sinh dữ liệu để đánh giá việc học của chính chúng, học hỏi từ những sai lầm và cải thiện để chuẩn bị cho đánh giá xếp loại cuối cùng .

LÀM LẠI

Tất nhiên, một số học sinh vẫn gặp khó khăn để đạt đến thành công. Do đó, tôi cho phép học sinh được sử dụng nhiều thời gian hơn. Khi một học sinh đạt điểm dưới mức yêu cầu trong đánh giá, tôi yêu cầu học sinh đó đến gặp tôi sau giờ học và cùng học sinh xem lại các khái niệm mà học sinh vẫn đang gặp khó khăn.

Phần quan trọng nhất của quá trình này là giúp học sinh nhận rõ những sai lầm của mình và tìm cách giải quyết vấn đề một cách chính xác. Nếu có thời gian, tôi sẽ cho học sinh cơ hội làm một đánh giá mới để tiếp tục ghi nhận sự tiến bộ của chúng. Tuy nhiên, phần lớn tôi sử dụng các hình thức trao đổi chuyên sâu với một học sinh hoặc một nhóm nhỏ để giúp chúng củng cố các mục tiêu học tập, đảm bảo rằng học sinh có đủ những kỹ năng cần thiết để có được sự tiến bộ.

HỒ SƠ HỌC TẬP

Trong phần đánh giá cuối cùng, tôi yêu cầu học sinh thực hiện một số công việc dùng làm bằng chứng để chứng minh kết quả học tập.

Bằng chứng này thường bao gồm 3 yếu tố cơ bản. Yếu tố đầu tiên yêu cầu học sinh nộp một hoặc nhiều điểm kiểm tra để chứng minh sự tiến bộ trong kết quả học tập. Những bài thi này được kèm theo phần giải thích, nêu rõ hành trình của học sinh để hiểu sâu hơn. Yếu tố thứ hai là một phần của các bài tập về nhà hoặc bài tập lớp mà học sinh tham gia trong cuộc thảo luận nhóm hoặc nhóm nhỏ. Yếu tố cuối cùng, học sinh viết về một khái niệm mà giáo viên đã đề cập, giải thích cách vận dụng nó trong cuộc sống và liên hệ với các kiến thức khác.

Trên đây là những cách cơ bản giúp các học sinh có thể tự đánh giá và phát triển kĩ năng tự đánh giá trong quá trình học tập. Bạn đã áp dụng kĩ thuật nào? Hiệu quả của nó ra sao, hãy chia sẻ cùng chúng tôi trong phần bình luận bên dưới!

Michael Giardi

Nguyễn Hữu Long dịch