Là giáo viên, mỗi lần đặt câu hỏi cho học sinh bạn có ngay lập tức gọi học sinh trả lời hay ngưng lại đôi chút, vài giây hay một phút để cho học sinh có thời gian suy nghĩ? Phản ứng của học sinh khi đó ra sao? chất lượng câu trả lời mà các thầy cô thu được thế nào? Bao nhiêu giáo viên đã từng tự hỏi bản thân về vấn đề này?

Những nghiên cứu từ những năm 1970 đã cho thấy rằng, việc dành thời gian chờ đợi (khoảng vài giây) cho học sinh suy nghĩ sau khi đặt câu hỏi sẽ giúp nâng cao chất lượng của câu trả lời.

Sau đây là một vài chiến lược để cung cấp thêm thời gian suy nghĩ sau khi đặt câu hỏi và nâng cao chất lượng của câu trả lời nói riêng, chất lượng học tập nói chung:

  1. Thời gian chờ đợi: 5 đến 15 giây để chờ đợi học sinh suy nghĩ và sắp xếp ý tưởng để có thể đưa ra câu trả lời- đó là một khoảng thời gian rất quan trọng. Không phải học sinh nào cũng có thể suy nghĩ nhanh, nhạy, chính xác. Thêm vào đó, chất lượng của câu trả lời là điều mà giáo viên cần chứ không phải việc ai trả lời nhanh nhất. Vậy nên, việc cung cấp thời gian cho học sinh suy nghĩ là điều không nên bỏ qua.
    John McCarthy, một nhà cố vấn giáo dục đã chia sẻ rằng, ông thường tự đếm nhẩm trong đầu từ 1-15, thì kết quả thường là chưa đến 10 giây học sinh của ông đã có câu trả lời. Nếu như học sinh vẫn không có câu trả lời nào sau 15 giây, lúc đó hãy gọi một học sinh trả lời, đừng đợi sự xung phong của các em.
  2. Thời gian suy nghĩ: Đối với những câu hỏi đòi hỏi phải có sự phân tích, tổng hợp để hiểu về một khái niệm nào đó, thì việc dành cho học sinh thời gian để suy nghĩ từ 20 giây đến 2 phút là điều giáo viên cần phải cân nhắc. Giáo viên có thể  yêu cầu học sinh viết xuống giấy (chỉ viết từ khoá/từ chính, chứ không viết câu dài), hoặc yêu cầu học sinh suy nghĩa trong im lặng, hoặc  thảo luận cùng bạn bên cạnh.
    Nếu với những câu hỏi dạng này mà giáo viên vẫn nhận được câu trả lời ngay lập tức của học sinh, điều này có nghĩa là câu hỏi quá dễ hoặc không mang tính thử thách đối với học sinh.
    Sau thời gian suy nghĩ, giáo viên có thể mới bất kì học sinh nào trong lớp đứng lên để chia sẻ câu trả lời của bản thân.
  3. Dạy kỹ năng suy ngẫm: Hướng dẫn học sinh tư duy, có khả năng và thực hành và suy ngẫm là điều không thể thiếu trong quá trình học tập. Có thể việc im lặng trong một vài giây là điều không thoải mái, không dễ dàng đối với cả giáo viên lẫn học sinh. Có nhiều khi, việc dừng lại này chẳng đem đến kết quả gì hoặc học sinh chẳng suy nghĩ được gì, nhưng đó là điều cần thiết nên làm.
    Trong thực tế, khi học trò được hướng dẫn và cung cấp thời gian để thực hành suy ngẫm, đồng thời được thực hành việc suy ngẫm thường xuyên, kết quả học tập có thể được cải thiện một cách đáng kể.
  4. Dạy học sinh cách để điều khiển một cuộc trao đổi, trò chuyện: Thiết lập một môi trường mà ở đó học sinh có thể thoải mái tham gia vào các cuộc trao đổi, thảo luận xoay quanh một chủ đề, đề tài cụ thể, đó chính là khởi đầu của việc xây dựng văn hoá thảo luận, làm việc nhóm. Học sinh qua đó cũng sẽ trở thành những người chủ chính thức, người điều động cuộc thảo luận theo đúng đề tài và mục tiêu đề ra.
    Nên nhớ rằng, các em cần được trao quyền để được thảo luận, không có sự xét đoán, hay dở đúng sai trong cuộc thảo luận, mà chỉ có sự chia sẻ học hỏi trong tôn trọng và thân ái.
  5. Lấy học sinh là trung tâm của việc học: Chúng ta đều muốn học sinh trở thành trung tâm của quá trình học tập. Vì thế, việc tôn trọng những năng lực, trình độ và phong cách học tập của học sinh là yếu tố cốt lõi đầu tiên. Việc dành thời gian để chờ đợi, để suy nghĩ và cả thời gian để trả lời là một yếu tố quan trọng và cũng là một nghệ thuật để học sinh có cơ hội thể hiện bản thân. Vì chẳng có tiêu chí học tập hiệu quả nào lại căn cứ vào việc học sinh phải ngay lập tức trả lời câu hỏi của giáo viên trong vòng chưa đầy một giây!

Cuộc sống không phải là một trò chơi trong vòng 30 phút với những câu hỏi và câu trả lời trong vòng 1 giây. Và ngay cả khi đó là sự thật thì mỗi người cũng phải tự nâng cao yêu cầu để bản thân phải hoàn thiện hơn khi được mài dũa trong việc biết dành thời gian suy tư cách chín chắn cho những câu hỏi mang tính thách thức của cuộc sống.

Vì thế, hãy cho các em thời gian để suy nghĩ và thời gian để trả lời các thầy cô ạ!

Trần Thị Thanh Hiếu

Tham khảo: McCarthy, J 2018, Extending the silience, EduTopia.