Khi xác định được các năng lực cần hình thành, thiết kế được các hoạt động dạy học phù hợp, vấn đề tiếp theo là cách tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp. So với cách tổ chức hoạt động dạy học truyền thống, việc tổ chức các hoạt động dạy học phát triển năng lực có những điểm khác biệt nào? Có những mô hình tổ chức hoạt động nào trên thực tế lớp học? Đó là những vấn đề mà các giáo viên vẫn còn cảm thấy chưa rõ.

Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu hai mô hình triển khai, tổ chức hoạt động dạy học trên lớp, các thầy cô có thể cân nhắc lựa chọn mô hình phù hợp với đặc trưng của môn học và lớp học mà mình đang giảng dạy.

1.       MÔ HÌNH 1 – BẮT ĐẦU TỪ DẠY KĨ NĂNG/NĂNG LỰC (Diễn dịch)

Mô hình này thể hiện rõ ràng nhất sự khác biệt giữa dạy học truyền thống và dạy học phát triển năng lực. Trong dạy học truyền thống, giáo viên sẽ xuất phát từ các đơn vị kiến thức, coi kiến thức là mục tiêu và đích đến của quá trình dạy học, nhằm giúp học sinh ghi nhớ, hiểu và vận dụng được kiến thức. Giáo viên sẽ bắt đầu từ các thuật ngữ, khái niệm, dùng các phương pháp giảng giải để học sinh hiểu, sau đó học sinh được yêu cầu trình bày, tái hiện kiến thức. Trong dạy học phát triển năng lực, giáo viên sẽ bắt đầu từ các năng lực hoặc các kỹ năng. Giáo viên sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu, gọi tên và chỉ ra các bước để hình thành một kỹ năng cụ thể. Ví dụ: hôm nay chúng ta sẽ học kỹ năng đánh giá nhân vật lịch sử, để có được kỹ năng này chúng ta phải sử dụng các bước sau: thu thập thông tin, tư liệu về nhân vật, so sánh đối chiếu tư liệu, tìm hiểu động cơ, mục đích của nhân vật và đưa ra quan điểm đánh giá cá nhân. Nghĩa là học sinh hiểu rõ lý thuyết về năng lực, nắm rõ được các bước hình thành cũng như các tiêu chí thành công. Sau đó, học sinh mới bắt đầu tìm hiểu về một nhân vật cụ thể (cũng là nội dung bài học). Ví dụ như, Hoạt động cứu nước của Phan Bội Châu…

Như vậy, thông qua các bước như vậy, học sinh vừa có thể trình bày tái hiện được kiến thức, vừa sử dụng được các năng lực đặc thù bộ môn, gọi tên được các năng lực và áp dụng trong các trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình này, giáo viên cần có sự điều chỉnh, cấu trúc lại nội dung của các bài học trong chương trình giảng dạy.

Để tổ chức hoạt động dạy học trên lớp theo mô hình này, giáo viên cần tuân thủ theo các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Giáo viên dạy lý thuyết về năng lực bao gồm gọi tên đó là năng lực nào, năng lực này bao gồm những thành phần nào, các tiêu chí chứng minh khi nào thì học sinh đã làm chủ được năng lực. Ví dụ khi bắt đầu giờ học giáo viên nói với học sinh: “Bài học ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu năng lực phân tích và xử lý tư liệu. Các em sẽ được coi là làm chủ năng lực này khi các em có thể tìm ra được thông tin từ các tư liệu khác nhau và có thể so sánh các tư liệu để nhận ra sự tin cậy tính xác thực và các góc nhìn trong buổi tư liệu.”

Bằng cách gọi tên và mô tả năng lực sẽ giúp học sinh quen với việc tư duy về quá trình tư duy, hiểu và có thể trình bày lại những bước mà mình đã làm. Và nhận ra khi nào mình thực sự đã làm chủ được năng lực và nếu chưa làm chủ được năng lực thì học sinh cũng nhận ra được mình cần phải cải thiện bổ sung ở những tiêu chí nào.

Bước 2: Học sinh sẽ thực hiện các hoạt động do giáo viên thiết kế để hướng đến việc hình thành năng lực mà chúng ta đã đề cập ở trên.

Ở bước này, giáo viên cần làm theo các chuỗi thao tác cơ bản sau để đảm bảo học sinh có thể thực hiện được hoạt động một cách hiệu quả nhất:

  • Giáo viên tập trung chú ý của học sinh
  • Đưa hướng dẫn chi tiết và cụ thể, trong đó có sự phân hóa với các nhóm đối tượng.
  • Học sinh xác nhận nhiệm vụ và hiểu rõ các tiêu chí đánh giá sản phẩm
  • Học sinh thực hiện hoạt động. Giáo viên di chuyển và hỗ trợ các nhóm đối tượng học sinh khác nhau dựa trên các công cụ dạy học phân hóa.
  • Giáo viên giám sát quá trình thực hiện và điều chỉnh nếu cần thiết.

Bước 3: Học sinh trình bày sản phẩm đầu ra và tự đánh giá về chất lượng của sản phẩm suy ngẫm về các năng lực đã được hình thành, hay đơn giản hơn là suy ngẫm về những gì mà con đã được học, các kỹ năng và năng lực đã hình thành sẽ giúp con trong các tình huống khác, trong các môn học khác như thế nào. Những kỹ năng mà con cần phải cải thiện.

Các câu hỏi suy ngẫm phổ biến mà giáo viên nên sử dụng:

  • Con thấy hoạt động có những điểm nào dễ và khó? Vì sao?
  • Hoạt động giúp con hình thành năng lực______________ như thế nào?
  • Con nhận ra mình đã đạt mức độ nào trong thang phát triển năng lực____________?
  • Làm thế nào để con có thể cải thiện năng lực _____________ của bản thân?
  • Con sẽ áp dụng các năng lực____________ trong các trường hợp nào khác?

Bước 4: Giáo viên nhận xét và phản hồi về mức độ làm chủ năng lực học sinh.

Trong giai đoạn này, giáo viên nên đưa ra các phản hồi chi tiết cụ thể về năng lực (mức độ làm chủ, các kỹ năng cần cải thiện, cách thức để cải thiện) dựa trên các bằng chứng cụ thể là sản phẩm học tập của học sinh. Các phản hồi mà giáo viên đưa ra nên được trực quan hóa bằng hình ảnh hoặc thang đo và cần tránh những phản hồi chung chung, vô thưởng vô phạt như: con là tốt, con có cố gắng, con cần chăm chỉ hơn…

  1. MÔ HÌNH 2 – BẮT ĐẦU TỪ HOẠT ĐỘNG (Quy nạp)

Ở mô hình tổ chức hoạt động này, giáo viên sẽ bắt đầu từ việc hướng dẫn học sinh thực hiện hoạt động cụ thể. Các bước hướng dẫn học sinh cũng giống như ở mô hình thức nhất. Tuy nhiên, trọng tâm của phần này lại nằm ở bước suy ngẫm và phản hồi. Nói cách khác, hoạt động này được triển khai theo mô hình quy nạp. Sau khi học sinh thực hiện hoạt động, giáo viên mới cho học sinh suy ngẫm, khái quát lên thành các bước hình thành năng lực và gọi tên năng lực đó.

Vì học sinh chưa được học lí thuyết về năng lực của hoạt động, nên sau đó, giáo viên cần hướng dẫn học sinh chi tiết và cụ thể các bước và ghi lại vào vở. Học sinh cũng cần được thực hành, củng cố, luyện tập trong các nhiệm vụ sau đó hoặc các bài tập về nhà để đảm bảo các kỹ năng được rèn luyện.

Bước 1: Giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành các hoạt động dạy học. Các bước hướng dẫn thực hiện tương tự như ở mô hình thức nhất.

Giáo viên nên xây dựng các bước của hoạt động tương ứng với các bước hình thành kỹ năng để học sinh có thể dễ dàng trong quá trình suy ngẫm, tổng hợp.

Giáo viên nên chuẩn bị một số mẫu phiếu, để học sinh ghi chép trong quá trình thực hiện. Đồng thời là công cụ trong việc dạy học phân hóa.

Bước 2: Thông qua việc trải nghiệm và thực hiện các hoạt động dạy học với sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh suy ngẫm về các kỹ năng năng lực đã hình thành.

Giáo viên giúp học sinh nhận ra và chỉ rõ các bước hình thành năng lực. Khái quát thành chuỗi quy trình, tên gọi để đảm bảo học sinh có thể gọi tên và sử dụng được năng lực trong các trường hợp khác.

Bước 3: Giáo viên nhận xét đánh giá phản hồi về mức độ hình thành năng lực của học sinh so với thang đánh giá năng lực hoặc so với khung năng lực bộ môn.

Ở bước này, giáo viên nên sử dụng các công cụ mang tính trực quan như bảng checklist hoặc các thang, thước đo cụ thể để học sinh suy ngẫm và tự đánh giá mức độ làm chủ năng lực. Học sinh cần chỉ rõ những điểm mình đã làm tốt và những điểm cần cải thiện để có thể làm chủ được các năng lực.

Bước 4: Học sinh thực hành luyện tập và cùng cố các năng lực đã hình thành và phát triển các năng lực mới.

Giáo viên thiết kế các nhiệm vụ học tập tương tự trên lớp hoặc các nhiệm vụ trong bài tập về nhà để học sinh có thể củng cố các kỹ năng, quy trình đã học đồng thời vận dụng năng lực trong các tình huống khác nhau.

Có thể nói, việc hình thành năng lực trong quá trình dạy học là một vấn đề khá mới, khó và phức tạp. Bởi bản thân khái niệm năng lực vốn đã có nhiều cách định nghĩa và đánh giá khác nhau. Điều này đòi hỏi phải có vai trò của các tổ trưởng chuyên môn hoặc các điều phối chương trình để lựa chọn, xây dựng và thiết kế nên các hoạt động dạy học phát triển năng lực. Sẽ còn một khoảng cách nữa để chúng ta có thể thực hiện được hoàn chỉnh mô hình dạy học phát triển năng lực, nhưng với khởi đầu là các hoạt động dạy học và liên tục giúp học sinh suy ngẫm, phản hồi sau mỗi hoạt động, chúng ta sẽ từng bước chuyển từ mô hình dạy học truyền thống sang mô hình dạy học phát triển năng lực. Cũng bằng cách thiết kế và triển khai hiệu quả các hoạt động dạy học phát triển năng lực, chúng ta sẽ tạo nên được những chuyển biến về văn hóa, cấu trúc trường học. Từ đó tạo nên những đổi mới thực sự trong quá trình dạy và học.

Nguyễn Hữu Long

_________________________________________________________________________________________________________

Nội dung trên được trích dẫn từ Bộ tài liệu HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC – LÝ THUYẾT VÀ CÁC BƯỚC THỰC HIỆN do Dự án Đào tạo và hỗ trợ Giáo viên – https://thuviengiangday.com biên soạn. Việc sao chép, hoặc sử dụng nội dung PHẢI được sự đồng ý chính thức từ Dự án và có trích dẫn nguồn đầy đủ .