“Nước miếng thấm trong trang sách”. Đó là một trong những ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về những năm tháng là học sinh ở trường trung học. Chắc là tôi không thể nhớ được số lần tôi ngủ gật – úp mặt vào cuốn sách giáo khoa – trong các tiết học, nhất là tiết Lịch sử.

Ngày hôm nay – với tư cách là một giáo viên tôi muốn chia sẻ một vài điều về sách giáo khoa.

Tôi không nói về việc sử dụng sách giáo khoa là nên hay không nên, vì đương nhiên nó phải có vai trò nhất định thì người ta mới sinh ra và sử dụng nó. Trên thực tế vẫn có rất nhiều giáo viên sử dụng sách giáo khoa một cách thành công. Là một giáo viên, tôi phải nói rằng sách giáo khoa đã làm được rất nhiều thứ:

– Làm cho cuộc sống của tôi/giáo viên dễ dàng hơn bằng cách cung cấp cho tôi những thông tin, câu hỏi và cả nhưng gợi ý để dạy học sinh.

– Sắp xếp các nội dung bài học theo một trình tự, chi tiết và cụ thể để có thể tạo nên sự thống nhất và đồng bộ trên quy mô cả lớp.

– Giúp cho tôi và các đồng nghiệp đang làm công việc giảng dạy có thể “giữ vững lập trường”, dạy đúng và đủ theo những gì mà Bộ giáo dục yêu cầu.

Đại loại có thể nói là như vậy. Và trong cả ba vai trò trên, sách giáo khoa phục vụ giáo viên khá tốt, giúp được giáo viên khá nhiều. Nhưng, thật không may, sách giáo khoa lại không có tác dụng tốt đối với học sinh – nhất là học sinh ngày nay. Thậm chí, nếu nhìn từ phương diện tích cực hóa người học, lôi cuốn sự tham gia của học sinh vào các hoạt động học tập thì có lẽ, sách giáo khoa lại đang là lực cản.

Tại sao lại như vậy?

Về phương diện nội dung, có thể nói sách giáo khoa nói chung, sách giáo khoa Lịch sử nói riêng là một kho kiến thức khổng lồ. Nó thực sự là một phương tiện cần thiết của công việc giảng dạy của thế kỉ trước (hoặc cũng có thể trong những năm đầu của thế kỉ XXI) khi mà mạng internet chưa phát triển, các nguồn tài liệu học tập bị giới hạn, sách giáo khoa là phương tiện duy nhất giúp học sinh tiếp cận tri thức và là công cụ để tư duy hay thực tế hơn nữa là để học và làm bài thi. Nhưng ngay hôm nay, khi lượng tri thức vượt xa so với sách giáo khoa hàng vạn lần, học sinh đều có khả năng đọc và tìm kiếm thông tin, vậy có cần thiết phải giới hạn việc học tập lại trong những khuôn khổ của một cuốn sách. Đó là chưa kể, rất nhiều nội dung trong sách giáo khoa đã xa lạ, khó hiểu, thiếu sự cập nhật và chẳng mấy liên quan đến trải nghiệm của học sinh.

Về phương diện giáo dục, sách giáo khoa nói chung và sách giáo khoa lịch sử nói riêng không phải là phương tiện giúp truyền cảm hứng và tạo động lực cũng như phát huy trí tưởng tượng của học sinh. Nếu sách giáo khoa thực sự là có đủ sức truyền cảm hứng và mọi người đều muốn đọc chúng, thì có lẽ giờ đây, chúng đã trở thành The best seller. Nhưng dường như mọi thứ không phải như vậy.

Bởi lẽ, thành công trong học tập của học sinh phụ thuộc vào sự nỗ lực của giáo viên. Trong khi đó, sách giáo khoa lại đang làm cho công việc, cuộc sống của tôi (với tư cách là một giáo viên) trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Có lẽ, sau khoảng 5 năm giảng dạy, chúng ta đều thuộc làu những dòng trong sách giáo khoa. Còn gì hấp dẫn và thú vị hơn khi giáo án “30 năm vẫn dùng tốt”, các mục đã có sẵn, các ý đã rõ ràng, câu hỏi chỉ có vậy, thi cử cũng chỉ có thế. Và thế là, việc dạy học xoay quanh những gì được viết trong sách, không còn là thử thách với giáo viên nữa. Lâu dần, dạy mãi, làm mãi chúng ta cũng chẳng còn muốn thay đổi bất kì điều gì được viết trong sách giáo khoa. Còn người học của chúng ta thì lại đang phát triển không ngừng. Chúng cần được chủ động hơn trong quá trình học tập, được làm hơn là được nghe, được hiểu hơn là ghi chép, được trải nghiệm hơn là học thuộc lòng.

Cái tai hại cũng chính nằm ở chỗ đó, vì thông tin đã có sẵn nên việc học của học sinh bị biến thành việc đọc lại sách giáo khoa. Cho dù giáo viên có cho học sinh làm việc nhóm, thảo luận, phân tích ý nghĩa hay tìm hiểu diễn biến,… tất cả mọi con đường đều dẫn đến việc học sinh đứng lên cầm theo quyển sách giáo khoa và ĐỌC LẠI. Thậm chí, nhiều giáo viên còn đưa nguyên cả nội dung của sách giáo khoa lên PPT bài giảng, công việc của học sinh chỉ là chép lại. Tôi nhớ, có lần khi dự giờ một giáo viên, khi cô đặt câu hỏi và gợi ý cho học sinh tư duy, học sinh đó đã nói, đằng nào cũng có trong sách giáo khoa, sao Cô không cho chúng em ghi luôn đi còn hỏi làm gì? Thế nhưng, cũng có đồng nghiệp nói rằng, khi tôi đặt câu hỏi ngoài sách giáo khoa thì học sinh lại không thể trả lời được? À thì đúng rồi, sách giáo khoa có cung cấp cơ sở dữ liệu và cơ sở để trả lời những câu hỏi bên ngoài sách đâu.

Trên thực tế, trong những năm vừa qua, tôi đã làm việc khá vất vả để loại bỏ sách giáo khoa khỏi các lớp học của mình. Lịch sử thế giới ư? – không có sách giáo khoa. Lịch sử Việt Nam ư? – cũng không có sách giáo khoa?. Học sinh của tôi ban đầu nhao nhao lên để hỏi, thầy ơi, sách giáo khoa ở đâu ạ? Câu trả lời của tôi là – Không có sách giáo khoa em ạ? Hậu quả sau đó là gì? Thực ra chẳng sao cả, học sinh tham gia tích cực hơn mà không cần biết sách viết gì, nói gì, cần ghi nhớ gì. Học sinh được tiếp cận trực tiếp với các nguồn tư liệu, được tham gia các hoạt động trải nghiệm, được thảo luận và suy nghĩ bằng chính tư duy của chúng. Và điều quan trọng nhất là không còn nước dãi thấm trên trang sách.

Nhưng nếu không dùng sách giáo khoa thì dùng cái gì bây giờ, dạy dỗ sẽ ra sao? Đúng, sẽ là một khó khăn – thậm chí là khó khăn rất lớn khi chúng ta phải từ bỏ sách giáo khoa để tự biên soạn tài liệu giảng dạy, tự thiết hoạt động học tập và trải nghiệm cho học sinh để có thể hình thành được các kiến thức, kĩ năng. Làm thế nào để có thể biên soạn được các tài liệu mới cho học sinh, làm thế nào để có thể thiết kế các hoạt động học tập khác thay cho việc Hỏi – Đọc sách – trả lời – giảng bài – ghi chép? tôi sẽ dành một bài viết khác để thảo luận về nó. Còn trong bài viết này, có lẽ tôi chỉ muốn mọi người hiểu cho một điều rằng, sách giáo khoa không phải một công cụ duy nhất để giảng dạy và học tập. Vậy thôi!

https://thuviengiangday.com