Quá trình học tập có thể bị cản trở bởi những khó khăn mà giáo viên cảm thấy bất lực khi tìm cách giải quyết: quy mô lớp học, khối lượng công việc chung và thời gian giảng dạy. Đối với mỗi giáo viên, đây là những điều mà chúng ta thực sự quan tâm. Vì vậy, hãy dành thời gian nghiên cứu để có cái nhìn sâu hơn về từng thách thức mà giáo viên gặp phải và những giải pháp cụ thể cho các vấn đề đó.
THÁCH THỨC VỀ QUY MÔ LỚP HỌC
Các lớp học lớn là một khó khăn mà nhiều giáo viên phải đối mặt. Các nghiên cứu đã chỉ ra tác động của quy mô lớp học đối với thành tích học tập của học sinh, nhất là đối với học sinh ở giai đoạn đầu tiểu học. Quy mô lớp học nhỏ sẽ hỗ trợ được các học sinh trong quá trình học ngôn ngữ và các kĩ năng học tập. Tuy nhiên John Hattie nhận thấy rằng, mặc dù quy mô lớp học nhỏ tác động tích cực đến việc học tập nhưng không phải là toàn bộ. Điều quan trọng hơn là chuyên môn của giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Với kinh nghiệm giảng dạy và làm việc với các giáo viên ở cả các thành phố, vùng ngoại ô và các vùng nông thôn, tôi có thể khẳng định rằng, quy mô lớp học trở thành một thách thức với các giáo viên mỗi ngày lên lớp.
Các giải pháp để áp dụng dạy học phân hóa trong lớp học đông:
- Chuyển đổi hướng dẫn cả lớp thành các nhóm học tập nhỏ. Làm việc với 40 hoặc 50 học sinh cùng một lúc có thể khiến giáo viên cảm thấy quá sức. Dạy học phân hóa thông qua nội dung có thể được thực hiện bằng cách chia học sinh thành các nhóm học tập nhỏ gồm bốn hoặc năm bạn. Giáo viên giao các nhiệm vụ học tập dựa trên mức độ sẵn sàng của học sinh. Các nhóm sẽ phát triển khả năng hỗ trợ lẫn nhau trước khi yêu cầu sự trợ giúp của giáo viên. Các chiến lược hiệu quả khi dạy học theo nhóm nhỏ bao gồm:
- Kĩ thuật mảnh ghép
- Nhóm nhỏ – bài học được chia nhỏ
- Các trạm học tập
- Làm việc theo cặp đôi
- Sử dụng nhiều phương thức làm việc, tập trung vào các trải nghiệm. Học sinh cần cơ hội để hiểu nội dung bài học thông qua sự suy ngẫm. Mỗi học sinh cần có thời gian, yêu cầu và những thử thách cụ thể. Điều này giúp học sinh tập trung vào chủ đề chúng đang xử lý. Nhiều học sinh có năng lực tốt hơn sẽ có cơ hội tiến lên phía trước. Một vài ví dụ cho chiến thuật này:
- Sơ đồ hóa
- Talk show
- Hội thảo Socrates
THÁCH THỨC VỀ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC
Khối lượng công việc của giáo viên là một vấn đề khác nhưng lại có liên quan rất lớn đến việc dạy học phân hóa. Một giáo viên trung học có thể dạy khoảng 200 học sinh trong 5 lớp, với 40 học sinh mỗi lớp. Một khối lượng công việc lớn có thể làm cho giáo viên khó đáp ứng được nhu cầu của tất cả các học sinh. Khi khối lượng công việc càng lớn, các mối quan hệ càng trở nên quan trọng. Biết được tên của học sinh và năng lực, sở thích, phong cách học tập của chúng là điều cần thiết để có thể áp dụng phương pháp dạy học phân hóa.
Các giải pháp dạy học phân hóa để giải quyết vấn đề này:
- Thẻ hồ sơ học tập: Làm quen với tất cả học sinh từ sự chia sẻ của chính bản thân chúng. Sử dụng các thẻ này để tạo ra các nhóm linh hoạt.
- Các quy tắc: Các nội quy này do chính học sinh tạo để có thể xây dựng một môi trường học tập tích cực, nơi chúng nhận được sự hỗ trợ. Giáo viên cũng phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đó. Học sinh có quyền xử phạt bất cứ ai trong phòng vi phạm các chuẩn mực đã đặt ra.
- “Tôi ước giáo viên của tôi biết…”: Hoạt động này cho phép học sinh chia sẻ về bản thân một cách riêng tư. Học sinh có thể sử dụng các tờ giấy note, email hoặc viết bài gửi đến cho giáo viên. Những điều học sinh chia sẻ sẽ có tác dụng giúp giáo viên hiểu và có cách hỗ trợ chúng.
THÁCH THỨC VỀ THỜI GIAN
Tôi bắt đầu công việc giảng dạy trong hệ thống các trường công ở Chicago, nơi các lớp học kéo dài 40 phút. Là một giáo viên trẻ, tôi cảm thấy rất khó để tìm ra cách quản lý việc học trong một khoảng hạn chế như vậy. Cảm giác như không có đủ thời gian cho những trải nghiệm học tập dày đặc. Sau này, tôi đã dạy các lớp học dài 100 phút nhưng trong giai đoạn đầu, điều này cũng chẳng khác hơn so với các tiết học dài 40 phút.
Các nghiên cứu về thời gian giảng dạy thường tập trung vào thời lượng của ngày học và thời gian của năm học. Ở đây chúng ta tập trung vào thời gian hàng ngày trên lớp. Chúng ta nên xem làm thế nào để tạo ra trải nghiệm học tập trong khung thời gian để học sinh học tập tích cực thay vì thụ động.
Giải pháp dạy học phân hóa: Phương pháp giảng dạy cũng quan trọng giống như thời gian giảng dạy và số lượng học sinh. Giáo viên cần duy trì sự tham gia của học sinh trong tiết học. Sử dụng nhiều trải nghiệm học tập khiến học sinh chú ý đến việc học hơn. Dưới đây là một số điều có thể cân nhắc:
- Tập trung học sinh vào việc học sâu hơn. Lập kế hoạch những gì học sinh cần biết, hiểu và làm (KUD). Hãy lập kế hoạch cho nhiều hoạt động và trải nghiệm dựa trên nhu cầu khác nhau của học sinh. Bài học nên thử thách học sinh ở cả ba cấp độ, nhớ, hiểu và thực hành. Dành những khoảng thời gian cho hoạt động suy ngẫm không chính thức, trong đó học sinh nhận ra những gì chúng đã hiểu và chưa hiểu từ bài học. Nó có thể là phiếu phản hồi nhanh hoặc nói chuyện với bạn bên cạnh. Học sinh cần có cơ hội để kiểm tra sự mức độ nắm kiến thức trước khi chuyển sang nội dung khác.
- Lập kế hoạch bài học từ quan điểm của người học. Cung cấp các hoạt động mà học sinh cảm thấy có ý nghĩa và hấp dẫn. Nếu học sinh không quan tâm đến nhiệm vụ, chúng sẽ không thể duy trì được sự chú ý. Thực hiện theo Quy tắc Goldilocks: Khung thời gian không quá dài, học sinh không nên hoàn thành quá sớm hoặc bắt đầu muộn. Thời gian chết giữa nhiệm vụ có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi. Nếu khung thời gian quá ngắn, một số học sinh cảm thấy thất vọng vì không thể hoàn thành. Đảm bảo rằng hoạt động đáp ứng một cách thích hợp nhu cầu, sự sẵn sàng của mỗi học sinh.
Hãy chia sẻ chiến lược của bạn để vượt qua những thách thức này, để tất cả học sinh đều có thể tham gia vào quá trình học tập.
https://thuviengiangday.com dịch