Giáo viên cần giúp học sinh hiểu rằng thái độ học tập góp phần tạo ra sự tích cực và hiệu quả trong quá trình học tập. Áp dụng lí thuyết về siêu nhận thức cho cả hai khía cạnh cảm xúc và nhận thức trong học tập có thể giúp học sinh tập trung nỗ lực hướng đến phát triển bền vững kiến thức và kĩ năng.
Trong các bài viết trước, chúng tôi khám phá ra những lợi ích của thái độ lạc quan thực tế khi học sinh tham gia vào quá trình học tập. Những lợi ích này tiếp tục tồn tại cho đến tuổi trưởng thành. Nghiên cứu trong lĩnh vực kinh doanh cho thấy những người có thái độ tích cực thì làm việc hiệu quả hơn, năng động hơn và nhiều khả năng thành công trong công việc. Hơn nữa, người lạc quan có những mối quan hệ cá nhân và công việc tốt hơn, thậm chí sức khoẻ thể chất của họ tốt hơn người có xu hướng bi quan.
Các tác nhân ảnh hưởng đến thái độ học tập
Một giả thuyết chung cho rằng xu hướng lạc quan hay bi quan được quy định bởi gien di truyền. Thật vậy, nghiên cứu của nhà tâm lý học Sonja Lyubomirsky và các đồng nghiệp cho thấy rằng khoảng một nửa “mức độ cư xử tốt” ở con người, nguồn sản sinh ra sự tích cực hay tiêu cực, là do DNA. Tuy nhiên, học sinh có thể học cách kiểm soát những tác động quan trọng khác đến thái độ của mình, qua đó, chú ý nhiều hơn vào những kết quả tích cực. Hãy giải thích với học sinh rằng mỗi người trong chúng ta có thể gia tăng mức độ tích cực và cư xử tốt bằng cách kiểm soát ba tác nhân sau:
Suy nghĩ
Ở một mức độ đáng kể, chúng ta quyết định được việc mình sẽ trở thành ai. Bằng cách có ý thức duy trì thái độ tích cực, chúng ta có thể suy nghĩ lạc quan hơn về kinh nghiệm học tập và năng lực của mình để nỗ lực đạt được mục tiêu.
Hành vi
Tất nhiên, chúng ta không thể thành công chỉ bằng niềm tin. Một viễn cảnh lạc quan phải được hỗ trợ bởi hành động tích cực và nỗ lực không ngừng. Học tập có thể là một quá trình gian nan nhưng những người tiếp tục cố gắng, theo dõi việc học của mình và điều chỉnh khi cần thiết sẽ gặt hái được thành quả lâu bền, đồng thời có phản hồi tích cực, thúc đẩy sự tiến bộ.
Hóa chất của não bộ
Bộ não sản xuất ra các chất gọi là chất dẫn truyền thần kinh để phản ứng với cả chức năng bên trong lẫn kích thích bên ngoài tác động đến các giác quan của chúng ta. Các chất có liên quan đến tâm trạng tích cực bao gồm dopamine, serotonin và oxytocin. Một phương pháp để não tăng cường sản xuất ra các chất dẫn truyền thần kinh này là thông qua hoạt động thể chất. Do đó, hãy xếp lịch học các môn khó vào sau giờ Thể chất và giờ nghỉ để có thể giúp học sinh chuyển hóa các hóa chất tích cực vào việc học. Liên kết sức mạnh của cơ thể và não là một chiến thuật siêu nhận thức hữu ích cho học sinh. Nhắc nhở họ rằng mỗi khi gặp bài khó, có thể thử chạy bộ hoặc tập thể dục, sau đó, quay trở lại với một bộ não tràn đầy năng lượng.
Mô hình CIA – tiếp cận việc học một cách tích cực
Để tận dụng tối đa sức mạnh của mình trong việc định hướng não bộ vào kết quả học tập tích cực, có thể giới thiệu với học sinh cái mà chúng ta gọi là mô hình CIA, viết tắt của điều khiển (control), tác động (influence) và nhận thức (acknowledge).
Điều khiển
Bằng cách nhận thức được suy nghĩ và hành động – tức là hiểu những gì mình đang nghĩ và làm – chúng ta sẽ thay đổi chúng theo hướng tích cực và hiệu quả. Ví dụ, khi học sinh cảm thấy những suy nghĩ của mình đang có chiều hướng tiêu cực hoặc gây xao nhãng, họ có thể điều khiển để hướng đến việc đạt được mục đích học tập của mình.
Tác động
Ở giai đoạn này, chúng ta nên ý thức được nhiều tác nhân có thể hướng chúng ta theo cả chiều tích cực và ngược lại. Chúng ta nên tập trung vào những tác nhân có thể gia tăng sự lạc quan và duy trì niềm tin vào năng lực của bản thân để thành công, dù có khó khăn và phải nỗ lực không ngừng. Một số học sinh có thể tự cho rằng mình không thông minh như các bạn hoặc không có khả năng cải thiện một số môn học nhất định. Bạn đã bao giờ nghe thấy một học sinh nói “Em học dốt Toán” hoặc “Em đọc rất kém”? Hãy phủ nhận một cách tinh tế đối với những đánh giá tiêu cực này, nhắc nhở học sinh rằng các em có thể trở nên tốt hơn, thậm chí giỏi Toán và Tập đọc nếu tiếp tục rèn luyện. Như vậy, học sinh sẽ đạt được sự tiến bộ lâu dài và tự tin rằng mình có thể thành công.
Nhận thức
Cuối cùng, điều hữu ích là chúng ta nhận ra những lĩnh vực còn hạn chế của mình. Như đã nêu trên, khoảng một nửa mức độ lạc quan hay bi quan của chúng ta được quy định bởi gien di truyền. Ngoài ra, chúng ta ít kiểm soát được các tình huống tiêu cực và những người thích chú ý vào nhược điểm. Tuy nhiên chúng ta có thể hướng sự chú ý vào các khía cạnh nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Khi ấy, chúng ta có thể vượt qua những trở ngại và sự tiêu cực.
Thông điệp dành cho học sinh là đừng tốn công sức vào các tình huống và yếu tố khó kiểm soát hoặc tác động. Ví dụ, nếu một học sinh trong nhóm học tập không làm việc, họ không thể kiểm soát hành vi đó nhưng họ có thể dời sự chú ý của mình sang việc học tập. Bằng cách khẳng định với học sinh rằng có thể thay đổi thái độ của mình về học tập và cuộc sống, hướng dẫn họ phát triển các công cụ siêu nhận thức để thực hiện việc đó, chúng ta đang trao cho học sinh quyền tự định hướng và theo đuổi một con đường tích cực.
Đặng Thanh Hiền dịch
Tác giả Marcus Conyers Donna Wilson, đồng sáng lập các chương trình giảng dạy dựa trên nghiên cứu về não bộ tại Đại học Nova Southeastern