Bước đầu tiên để giúp học sinh tư duy về bản thân họ có lẽ chỉ là giúp họ nhìn thấy họ là ai và họ đang ở vị trí nào.
Nếu chúng ta thực sự muốn học sinh thay đổi tư duy cho phù hợp, sắp xếp lại tư duy và nghiềm ngẫm thì việc tư duy ấy phải có điểm khởi đầu và kết thúc.
Thông thường, điều này nghĩa là bắt đầu với mục tiêu học tập mà giáo viên đề ra và kết thúc bằng sự đánh giá về những gì học sinh “đã làm được”. Tuy nhiên, tư duy không liên quan gì đến nội dung. Tư duy là một chiến thuật để học nội dung, nhưng chúng cũng có khác biệt.
- Kiểm tra một khung chương trình học tập tự định hướng
Năm 2013, chúng tôi tạo ra một khung chương trình để hướng dẫn học sinh học tập tư định hướng. Ý tưởng là cho học sinh thực sự tư duy về bản thân họ. Có hai giả thuyết củng cố cho quan điểm này về việc học sinh có khả năng sáng tạo và định hướng được lộ trình học tập của chính họ:
- Sự hiểu biết (ví dụ: biết cái gì đáng để học) thì quan trọng hơn là nội dung (ví dụ: nắm rõ các tiêu chuẩn giáo dục).
- Tiến bộ trong công nghệ tạo ra một môi trường có thể hỗ trợ việc theo đuổi sự hiểu biết và làm chủ nội dung (theo thứ tự đó).
Những giả thuyết này không phải là quá sức nhưng so với những hình thức giáo dục hiện có thì thực sự khác biệt. Cách chúng ta lên kế hoạch, cách chúng ta định nghĩa thành công, đưa ra phản hồi và thậm chí cách tổ chức trường học, tất cả đều phản ánh một lối nghĩ: đặt nặng năng lực của học sinh, từ đó, thường xuyên kiểm chứng sự làm chủ nội dung học tập mà họ được cung cấp.
Cho đến giờ, đây là một cuộc tranh luận mệt mỏi nhưng một giả thuyết lại cho rằng giáo dục hiện đại có thể đặc trưng bởi hình thức công nghiệp và cách quản lí của nó. Các động cơ chính của nó là tiêu chuẩn, chính sách và giáo viên hơn là nội dung, các mối liên hệ và sự sáng tạo. Kết quả của nền giáo dục này là phổ quát và không mang tính cá nhân, điều đó tốt cho các kĩ năng nhưng thất bại trong việc tạo sự cộng hưởng cao hơn.
Một động thái để phá vỡ lối mòn kia, đó là hỗ trợ học sinh thiết kế lộ trình học tập của riêng họ, theo các mục: nội dung (học gì), hình thức (học thế nào), và quan trọng là mục đích (tại sao phải học nó). Kết quả cuối cùng, lí tưởng nhất, là học sinh có thể “tư duy về bản thân họ”.
- Dạy học sinh tư duy về bản thân họ: Kiểm tra một khung chương trình học tập tự định hướng
Ý tưởng lớn: Thúc đẩy học tập tự định hướng và có tư duy phản biện. Có 6 phần trong khung chương trình học tập tự định hướng:
- Bản thân: (ví dụ: Tôi có những năng lực gì, dấu hiệu nào cho thấy tôi hiểu rõ những năng lực đó?)
- Nội dung: (ví dụ: Chủ đề / ý tưởng này có những nội dung gì?)
- Triển khai: (ví dụ: Tôi hoặc những người khác biết gì về chủ đề / ý tưởng này?)
- Lên lộ trình: (Những nguồn tài nguyên / chiến thuật tư duy nào tôi có thể sử dụng được?)
- Xác định: (ví dụ: Dựa trên những gì được học, tôi nên chỉnh sửa lộ trình sắp tới của mình như thế nào?)
- Áp dụng: (ví dụ: Những thay đổi nào của bản thân mà tôi nên nhìn nhận như là kết quả của sự hiểu biết mới?)
- Hiểu biết bản thân là một điểm khởi đầu
* Cái gì đáng để học?
Ngoài tất cả những ý tưởng và tình huống bạn tham gia trong một ngày, điều gì đáng học hỏi? Kiến thức, kĩ năng hoặc hiểu biết nào sẽ hỗ trợ bạn thường xuyên? Có gì khác biệt giữa sự giải trí, niềm hứng thú, tính tò mò và đam mê?
Điều này thậm chí được biểu hiện rất rõ trong giáo dục.
Ví dụ: Trong môn Toán, điều gì có giá trị? Toán có thể giúp gì cho bạn?
Nền văn học phong phú có thể cho bạn thấy điều gì?
Nghiên cứu lịch sử có thể cung cấp cho bạn viễn cảnh gì?
Tiếp cận sự vật bằng con đường khoa học có thể tránh được những sai lầm gì?
* Tôi có thể gặp những khó khăn và cơ hội nào?
Nghe chừng là khả thi nếu muốn giải quyết nạn đói trên thế giới hoặc chơi vi-ô-lông ở nhà hát Carnegie, tuy nhiên điều đó có thể hoăc không thể nằm trong tầm với hiện tại của bạn. Ngay ở đây, ngay bây giờ, bạn có thể làm gì để đạt được điều đó?
* Có những vấn đề và giải pháp quan trọng nào mà những người đi trước đã tạo ra?
Sự phụ thuộc lẫn nhau – nhận thức được nơi nào mà chúng ta – như một gia đình, hàng xóm, bang, quốc gia, loài,… đã từng ở; các xu hướng và dạng thức nào nảy sinh trong nghiên cứu mà chúng ta có thể sử dụng để biết được mình đang đi đến đâu?
Chúng ta có những thành tựu tập thể nào – thơ ca, du hành không gian, nhân quyền,…?
Chúng ta có những thất bại chung nào – nạn đói, phân biệt chủng tộc, tổn hại hệ sinh thái,…?
Và khi biết những điều này, tôi nên phản ứng thế nào?
* Tôi là một phần của những quyền công dân và những di sản nào, tư cách thành viên gì cho phép tôi hiểu được những điều đó?
Đây là câu hỏi sau chót cho bước đầu tiên của mô hình học tập tự định hướng và bước cuối cùng: Tôi thuộc về “cái gì” và làm thế nào tôi có thể hoàn thành trách nhiệm của mình thông qua sự hiểu biết và cách ứng xử?
Dưới đây là một vài ví dụ có tính giả thuyết về phản hồi của học sinh.
Tôi thuộc về gia đình “Miller”, một gia đình có truyền thống lâu đời về nhiếp ảnh và hội họa. Vậy tôi nên phản ứng như thế nào?
Tôi sống trong một khu vực mà đã từng “tốt đẹp” nhưng gần đây có thay đổi bởi một số tiếng nói và động thái của người dân. Vậy tôi nên phản ứng như thế nào?
Tôi yêu hip-hop nhưng tôi cũng nhận thấy rằng những xu hướng mới đây đã trộn lẫn hip-hop với nhạc pop đến mức không còn nhận ra được hip-hop. Vậy tôi nên phản ứng như thế nào?
Tôi là một người Mĩ, một người Nigeria, một người Canada. Vậy tôi nên phản ứng như thế nào?
Tôi yêu sách, tôi yêu thời trang, tôi yêu nước sạch. Vậy tôi nên phản ứng như thế nào?
Bố mẹ tôi li hôn, bố mẹ của họ cũng li hôn. Vậy tôi nên phản ứng như thế nào?
Tôi nghèo. Tôi giàu. Tôi lo lắng. Tôi tò mò. Tôi nên phản ứng như thế nào?
Tác giả: Terry Heick
Người dịch: Đặng Thanh Hiền