Đối với học sinh, việc tham gia thảo luận nhóm có thể là một trong những điều khó khăn nhất. Một số học sinh không có động lực, không muốn tham gia chia sẻ trong một nhóm. Tuy nhiên, với hầu hết những học sinh khác, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong cách tổ chức và xác lập sự kì vọng thì giáo viên đã có thể lôi cuốn được học sinh tham gia. Dưới đây là một vài ý tưởng để giúp giáo viên có thể lôi cuốn những học sinh rụt rè bắt đầu tham gia chia sẻ trong các cuộc thảo luận nhóm.

  1. Làm mẫu câu trả lời

Đôi khi trong các cuộc thảo luận, học sinh không hiểu chính xác câu hỏi của giáo viên hoặc không biết câu trả lời mà giáo viên kì vọng là gì. Một cách đơn giản để khuyến khích học sinh thảo luận là đưa ra các mẫu câu trả lời giống như việc hướng dẫn trong các bài thi nói của IELTS. Ví dụ: Theo quan điểm của con thì… Điều đầu tiên là… Tiếp theo là… cuối cùng là… Đôi khi giáo viên có thể đưa ra một ví dụ về câu trả lời để học sinh hiểu được và làm theo. Điều này cho phép học sinh có thể dễ dàng hơn trong việc biểu đạt ý tưởng và nhận thức của mình một cách học thuật đồng thời đỡ cảm thấy e dè, ngại ngùng khi tham gia thảo luận.

  1. Đừng sợ sự im lặng

Hãy chắc chắn rằng bạn không phải là nạn nhân của một sai lầm phổ biến mà các giáo viên thiếu kinh nghiệm hay gặp. Đừng sợ sự im lặng. Khi dẫn dắt một cuộc thảo luận trong lớp và không có học sinh nào trả lời câu hỏi, hãy dành thời gian cho học sinh suy nghĩ và đợi 60 giây trôi qua trước khi phá vỡ sự im lặng. Đôi khi một sự im lặng không phải là do học sinh không biết mà chỉ là chúng đang ngại ngùng, thiếu tự tin, không thoải mái khi thể hiện quan điểm mà thôi. Đối với các học sinh khác, khoảng thời gian im lặng này có thể giúp chúng thu thập ý kiến ​​và lập dàn ý cho nội dung câu trả lời. Nếu giáo viên cố gắng lấp đầy tất cả các khoảng trống trong hoạt động thảo luận, học sinh sẽ không có cơ hội để tham gia vì chúng không muốn làm gián đoạn những gì giáo viên đang nói.

  1. Đừng quá chú trọng vào lỗi sai của học sinh

Hãy cẩn thận trước cách thức mà chúng ta đang sửa chữa lỗi sai cho người học, hãy chú ý đến số lượng và nội dung những lỗi sai mà giáo viên đang chỉ ra cho học sinh. Nếu bạn sửa quá nhiều lỗi, học sinh sẽ cảm thấy mất tự tin và không muốn tham gia. Hãy tập trung sửa chữa một vấn đề chính mà học sinh hay mắc phải trên quy mô cả lớp để chúng không cảm cảm thấy như bị choáng ngợp với những sai lầm. Đồng thời, khuyến khích học sinh rằng ý kiến ​​của chúng luôn được hoan nghênh ngay cả khi các bạn khác trong lớp không đồng ý với con.

  1. Giảm áp lực và sự căng thẳng

Gọi một học sinh không sẵn sàng tham gia thảo luận sẽ chỉ làm tăng nỗi lo lắng của chúng và thường khiến học sinh rút sâu hơn vào lớp vỏ bọc của mình. Bằng cách kiềm chế không gây áp lực lên những học sinh chưa tốt, giáo viên sẽ làm học sinh cảm thấy không còn sợ hãi. Điều này tạo nên một môi trường an toàn và thoải mái để học sinh trao đổi quan điểm.

  1. Cho học sinh biết rằng, sai lầm cũng là một cách học

Đảm bảo rằng học sinh biết chúng có quyền tự do biểu đạt quan điểm, có quyền thất bại trong các cuộc thảo luận nhóm. Điều này không có nghĩa là chúng ta muốn học sinh kém đi mà chỉ là không chỉ trích, trách mắng khi chúng đã phạm phải sai lầm. Khi học sinh biết rằng mình cảm thấy an toàn, được tự do, áp lực của các hoạt động thảo luận nhóm sẽ giảm và do đó học sinh sẽ tự tin, tham gia tích cực hơn.

  1. Cho phép học sinh làm việc cùng nhau

Đôi khi học sinh cảm thấy không thoải mái khi phải ngay lập tức nói trước cả lớp. Hãy cho học sinh có thời gian suy nghĩ (think) sau đó chia sẻ với bạn bên cạnh hoặc thảo luận theo cặp đôi (pair) và cuối cùng mới là nói trước lớp (share). Cách làm này khiến cho học sinh tham gia vào các hoạt động thảo luận nhóm cũng như thuyết trình tốt hơn. Trong một số trường hợp, giáo viên có thể yêu cầu học sinh thảo luận với bạn bên cạnh mà không cần trình bày trước lớp. Khi áp lực chia sẻ trước cả lớp bị loại bỏ, học sinh có thể sẵn sàng tham gia vào nhóm thảo luận hơn.

  1. Hãy suy nghĩ về cách bạn tạo nhóm trong các cuộc thảo luận

Nếu bạn có một số học sinh nói nhiều hơn những học sinh khác và có khuynh hướng áp đặt hoặc chiếm lĩnh toàn bộ cuộc thảo luận, hãy đặt những học sinh này vào một nhóm với nhau. Đặt tất cả các học sinh im lặng trong một nhóm riêng đôi khi cũng là một cách tốt. Bằng cách này, giáo viên buộc học sinh trầm tính hơn phải tham gia vào cuộc thảo luận vì không ai làm thay điều đó cho chúng.

  1. Chú ý đến vị trí ngồi trong nhóm

Đơn giản là vị trí ngồi của học sinh trong một nhóm có thể đóng góp cho quá trình thảo luận. Nếu giáo viên đang tổ chức một hoạt động thảo luận, hãy để những học sinh nói nhiều ngồi ở bên tay trái và bên tay phải ngay cạnh giáo viên. Tương tự như vậy, những học sinh trầm tính sẽ ngồi đối diện trực tiếp ở phía trước giáo viên. Nếu giáo viên không phải là người dẫn dắt cuộc thảo luận, hãy có một người hướng dẫn cho mỗi nhóm và sắp xếp chỗ ngồi của học sinh theo cách tương tự. Số lần tiếp xúc bằng mắt mà mỗi học sinh nhận được từ giáo viên hoặc người hướng dẫn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thảo luận.

Những ý tưởng trên không thể ngay lập tức giải quyết được các vấn đề trong hoạt động thảo luận nhóm nhưng nó sẽ giúp giáo viên đi đúng hướng để lôi cuốn sự tham gia của học sinh.

Điều đầu tiên trong hoạt động thảo luận là hãy làm mẫu cho học sinh và cho học sinh thời gian để xây dựng ý tưởng của riêng chúng. Sau đó bằng cách tạo ra một bầu không khí thảo luận an toàn, tích cực, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái học khi phải chia sẻ trong các nhóm. Cuối cùng, bằng cách nhóm và sắp xếp các học sinh một cách có mục đích sẽ tạo ra một môi trường tự nhiên, trong đó học sinh cảm thấy sẵn sàng chia sẻ. Tôi hi vọng những lời khuyên này sẽ giúp giáo viên cải thiện việc học sinh tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp học và học sinh sẽ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ trong lớp. Cuối cùng, vẫn là thái độ và sự chủ động tham gia của học sinh vì giáo viên không thể buộc học sinh tham gia nếu họ không muốn. Mặc dù mất thời gian, mặc dù vất vả để chuẩn bị nhưng các giáo viên hãy cố gắng làm những điều có thể làm cho lớp học để thảo luận trở nên thực sự có ý nghĩa với học sinh và công việc giảng dạy của chúng ta!

– Nguyễn Hữu Long –