Chúng tôi tin rằng bạn sẽ thành công!
Bạn muốn kiểm chứng điều đó? Tất nhiên rồi! Đây là nền giáo dục của thế kỷ XXI; kiểm tra là mốt thời thượng. Bài kiểm tra về tư duy tích cực khá đơn đơn giản. Khi đọc bài viết này, hãy ghi lại những điều “tiêu cực”. Nào chúng ta bắt đầu thôi.
Một giáo viên có thể bắt đầu ngày học với một trong những suy nghĩ sau đây:
- A) Những đứa trẻ này đang khiến tôi phát điên. Tôi biết rằng hôm nay họ sẽ gây rắc rối, và chắc chắn là như vậy. Tôi dám cá rằng ngày mai các học sinh sẽ đi học muộn, ngồi vào chỗ chậm như một đàn ốc sên, và cư xử thô lỗ mỗi khi tôi yêu cầu chúng làm điều gì đó. Tôi thậm chí không thể bắt đầu vì bao nhiêu thứ lộn xộn chen ngang như thế. Y như cái rạp xiếc vậy.
- B) Hôm nay sẽ vui đây. Đúng, một số học sinh sẽ nhìn tôi như một kẻ lập dị nhưng… tôi vẫn vui. Tôi tin rằng hôm nay, họ sẽ hoạt động tốt – ý tôi là, họ không viết hay như nhà văn nhưng tốt hơn hôm qua. Tôi có thể nói nhỏ nhẹ chứ không phải gào lên. Đó sẽ là một ngày tốt lành.
Lớp nào trong hai lớp này, giáo viên sẽ bị ngắt lời nhiều hơn và học sinh mất tập trung hơn? Câu trả lời: Tôi không biết và bạn cũng thế. Như tất cả chúng ta đều biết, hai trường hợp có thể giống nhau. Nhưng đó không phải là câu hỏi thực sự.
Lớp nào thì giáo viên sẽ khó chịu hơn? Chúng tôi có thể trả lời câu hỏi này với một sự tự tin nhất định. Giáo viên A. Tại sao?
Bạn để tâm đến những gì bạn tìm kiếm trong cuộc sống.
Xu hướng xác nhận. Hiệu ứng Tetris. Cả hai khái niệm này đều rất quan trọng. Tóm lại, bằng cách hướng não của chúng ta tập trung vào một loại kích thích nào đó, chúng ta tăng khả năng tìm ra những kích thích tương tự. Khi đó, chúng ta tập trung nhận thức niềm tin hiện tại của mình hơn (ví dụ: Tôi nghĩ Kurt là người thích đùa, vì vậy tôi sẽ chú ý đến khuynh hướng hay đùa của anh ta thường xuyên hơn). Thêm vào đó, trong khi chú ý một loại chi tiết, chúng ta có thể hoàn toàn bỏ lỡ một cái khác.
Giáo viên có thường xuyên bắt đầu một kinh nghiệm với sự chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất? Cũng giống như khi chúng ta đến gặp hiệu trưởng hoặc giám đốc với tâm thế sẵn sàng hứng lấy những lời chỉ trích. Chúng ta tổ chức các cuộc họp cha mẹ học sinh để hứng lấy sự đổ lỗi. Chúng ta tăng xông và hứng lấy những điều ấy để tự khủng bố tinh thần mình. Chúng ta thủ thế và sẵn sàng cãi nhau tay đôi với cố vấn đến dự các cuộc họp.
Nói điều này không phải đề khuyên chúng ta trốn tránh những lời chỉ trích từ hiệu trưởng, sự đổ lỗi từ cha mẹ hay sự gây rối của bọn trẻ. Nhưng liệu chúng ta cũng đang tìm kiếm những điều tốt đẹp cho đồng nghiệp, cộng đồng và lớp học của chúng ta?
Đó được gọi là suy nghĩ tích cực. Dưới đây là 07 cách bạn có thể sử dụng để phát triển nó hàng ngày:
- Chuẩn bị tinh thần tích cực
Trước cuộc họp, khóa đào tạo hoặc hội nghị lần tới, hãy thiết lập một mục tiêu tìm kiếm và viết ra những suy nghĩ tích cực đang hỗ trợ việc giáo dục học sinh. Có thể đó là một đồng nghiệp tận tâm, chưa bao giờ mất đi niềm đam mê giảng dạy, thậm chí sau 40 năm. Có thể đó là một ý tưởng giúp giảm thiểu sự gián đoạn trong giờ học. Cạnh tranh lành mạnh với một đồng nghiệp để xem ai có thể tìm thấy những mặt tích cực nhất.
- Tuyên dương
Thiết lập mục tiêu hàng tuần / hàng tháng để trao giải “Người tốt Việc tốt” cho ai đó (nhân viên, học sinh…) Quan trọng là phải giải thích lý do tại sao người đó được trao giải. Lưu ý: Giữa các cuộc họp, người nhận giải thưởng hiện tại phải tìm người nhận giải thưởng tiếp theo.
- Biết ơn mỗi ngày
Vào một thời gian nhất định trong ngày, hãy viết ra ba điều mà bạn biết ơn. Xác định rõ lý do tại sao bạn biết ơn và kiểm chứng tác động ngắn hạn, dài hạn của việc này. Để hình thành thói quen, bạn thậm chí có thể sử dụng các ứng dụng như Gratitude365.
- Không ngồi lê nói mách
Tôi chắc rằng bạn sẽ nghĩ đến một vài đồng nghiệp luôn luôn nghe ngóng bất cứ ai trong tầm ngắm (bạn thấy họ trong môi trường sống tự nhiên của họ: phòng chờ của giáo viên). Nếu bạn cảm thấy đặc biệt khó chịu, tốt hơn là nên tránh những người này. Nếu bạn không thể (hoặc không nên), hãy lưu tâm hơn trong việc tìm kiếm những phẩm chất tốt ở mỗi người. Nhớ rằng: Nếu bạn cố chứng minh ai đó tiêu cực thì đồng thời, bạn sẽ nhận ra những điểm tích cực ở người đó. Bạn cũng có thể viết một ghi chú để làm một điều tích cực cho các học sinh hoặc nhân viên của bạn sao cho từng người hoặc nhiều cảm thấy điều tiêu cực là không nên.
- Tạo động lực để truyền cảm hứng
Tạo động lực tích cực. Đặt thanh kẹo yêu thích của học sinh lên bàn trước khi bắt đầu buổi học. Tạt qua lớp học và hỏi han đồng nghiệp vài câu. Viết thư cảm ơn phụ huynh về học sinh của họ. Quan trọng nhất, làm những hành động tốt một cách ngẫu nhiên và giấu tên để người nhận không biết ai đã khởi xướng nó. Sự ẩn danh khiến người nhận cảm thấy ai cũng có thể là nguồn tích cực tiềm năng.
- Khởi động bằng sự khích lệ
Nói lời chào một ngày tươi sáng hơn hoặc bắt đầu cuộc họp với những chia sẻ tích cực. Học sinh trao cho nhau những lời khen ngợi (hoặc thả vào hộp để xem sau). Giáo viên chia sẻ “những khoảnh khắc tuyệt vời” họ đã có trong ngày hoặc tuần trước khi tiếp tục học tập hoặc làm việc. Phụ huynh phải liệt kê ba điều họ thích về con mình trước khi bắt đầu cuộc họp. Phát một video đầy cảm hứng, vui nhộn hoặc kể một câu chuyện tích cực vào buổi sáng.
- Hoàn thành bài kiểm tra của bạn (và cho học sinh làm thử)
Bạn có nhớ rằng tôi đã yêu cầu bạn tham gia vào một bài kiểm tra suy nghĩ tích cực không? Đã đến lúc nhận câu trả lời.
Liệt kê tất cả các từ bạn nhận thấy trong bài viết này có sắc thái “Tiêu cực”
Cái gì cơ? Bạn không tìm ra à? Đó là bởi vì tôi viết từ đầu đến giờ là những điều rất “Tích cưc”.
Bạn để tâm đến những gì bạn tìm kiếm trong cuộc sống. Hãy thử điều này với học sinh của bạn để dạy tư duy Tetris:
Yêu cầu học sinh ghi nhớ về mọi điều “tích cực” mà chúng thấy trong tuần tới. Hãy chắc chắn rằng học sinh biết “kỹ năng quan sát của họ sẽ được đánh giá.” Nhắc nhở họ tìm điều tích cực mỗi ngày. Vào ngày nhận kết quả, hãy yêu cầu họ liệt kê tất cả những thứ điều “tiêu cực” mà học sinh đã thấy trong tuần trước. Chắc chắn học sinh ngơ ngác và nhìn bạn đầy hoài nghi, hãy giải thích khái niệm “chúng ta chỉ nhìn thấy những gì chúng ta tìm kiếm.” Dẫn dắt đến một cuộc thảo luận về lợi ích của việc tìm kiếm những điều tích cực – với các bạn cùng lớp, với các lớp học của họ và với cuộc sống hàng ngày.
Lưu ý: Xin vui lòng không chấm điểm học sinh về các quan sát của họ. Nếu bạn làm như vậy, có thể sẽ lại phản tác dụng.
Tư duy tích cực trong thực tiễn
Điều quan trọng cần lưu ý là trong nhiều trường hợp, việc phê bình và đánh giá là cần thiết cho giáo dục. Không phải mọi khiếu nại đều sai lầm. Không phải mỗi ngày sẽ là một bài hát của Mary Poppins. Sự lạc quan không thực tế có thể gây phản tác dụng cho giáo dục, cũng giống như sự bi quan quá mức. Chỉ tìm kiếm những mặt tích cực, chúng ta thực sự có thể bỏ lỡ những vấn đề nghiêm trọng như bắt nạt hoặc bạo lực.
Liệu có nên quá chú tâm vào những mặt tiêu cực? Chúng ta có liên tục “cài đặt” mình để chỉ thấy sự ác ý trong từng khoảnh khắc không? Chúng ta có thể tìm kiếm sự tốt lành trong mỗi ngày, mỗi học sinh, mỗi đồng nghiệp và mỗi thành phần trong cộng đồng của chúng ta không?
Hãy tìm những điều tích cực. Bạn sẽ thấy nó. Và bạn sẽ yêu thích nó.
Chase Mielke
Đặng Thanh Hiền – Táo giáo dục – dịch