Dạy học phát triển năng lực đã nhận được nhiều sự chú ý của giáo viên và các nhà trường trong những năm qua. Sự chuyển biến sang mô hình dạy học phát triển năng lực ngày càng chứng minh được những lợi thế dựa trên sự linh hoạt về cách tổ chức lớp học và tính thực tiễn của nó.
Điểm độc đáo của dạy học phát triển năng lực là, nó không bị cố định về thời gian học tập và cách tổ chức lớp học truyền thống. Theo cách tiếp cận này, học sinh được học và làm việc theo tốc độ của riêng mình để thể hiện sự thành thạo các năng lực cần thiết cho nghề nghiệp trong tương lai. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh những lợi ích của dạy học phát triển năng lực đối với học sinh.
- Tính linh hoạt
Các mô hình dạy học phát triển năng lực rất linh hoạt phụ thuộc vào từng cá nhân người học. Không có lịch trình cứng nhắc như trước, thậm chí trong một số mô hình phát triển, học kỳ và không gian lớp học còn bị xóa bỏ. Thay vào đó, học sinh thể hiện mức độ làm chủ năng lực thông qua một hệ thống các dự án học tập và đánh giá thường xuyên. Dạy học phát triển năng lực, linh hoạt ở chỗ nó cho phép học sinh được tham gia vào một môn học ở lớp cao hơn nếu có đủ năng lực.
- Nhịp độ học tập
Trọng tâm của dạy học phát triển năng lực là kết quả cuối cùng về năng lực chứ không phải thời gian ngồi trên lớp học. Điều này cho phép học sinh kiểm soát nhịp độ học tập của bản thân và không bị giới hạn bởi một lịch trình có sẵn. Ngay khi học sinh thành thạo năng lực ở một cấp độ, học sinh có thể hoàn thành các đánh giá, được chứng nhận và bắt đầu chuyển sang các năng lực cao hơn. Học sinh có thể học với nhịp độ chậm hoặc nhanh theo mong muốn của bản thân. Học sinh cũng có thể hoàn thành các môn học vào các thời điểm khác nhau (mà không nhất thiết là phải vào cuối năm học). Đây là một lợi thế rất lớn cho những học sinh ở các bậc học cao hơn.
- Sự tham gia
Một trong những điểm mạnh nhất của dạy học phát triển năng lực là tăng sự tham gia của học sinh. Học sinh sẽ tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập vì chúng được giao quyền sở hữu đối với việc học của bản thân. Học sinh được trao quyền kiểm soát thời gian, địa điểm và phương pháp học tập. Dạy học phát triển năng lực cũng thúc đẩy học tập theo hướng cá nhân hóa và chấp nhận nhiều phong cách học tập khác nhau. Nó biến việc học trở thành một trải nghiệm cá nhân. Trải nghiệm này sẽ làm tăng sự tham gia của học sinh vì các nội dung của bài học được thiết kế hướng đến sự phù hợp của từng cá nhân.
- Tiết kiệm chi phí
Các chương trình dạy học phát triển năng sẽ tiết kiệm được chi phí dành cho giáo dục. Trước đây, các trường học phải đầu tư chi phí cố định, hàng năm cho việc dạy và học. Nhưng bằng sự linh hoạt của chương trình và việc thay đổi nhịp độ học tập, nó sẽ giúp các trường tiết kiệm được các chi phí đó. Đối với một số chương trình, tài liệu môn học được cung cấp thông qua các phần mềm, hoặc tương tác trực tuyến, đó cũng là cách để giảm chi phí dành cho các nguồn học liệu.
- Phát triển các kĩ năng
Một trong những lợi ích chính của dạy học phát triển năng lực là giúp học sinh hình thành các kỹ năng và phát triển năng lực trong thế giới thực. Các chương trình được thiết kế hướng đến các năng lực cần thiết cho một nghề nghiệp cụ thể trong tương lai. Kết quả là học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ sẵn sàng làm việc và có chuyên môn trong các lĩnh vực chúng lựa chọn. Đối với nhiều học sinh, dạy học phát triển năng lực là con đường trực tiếp đến sự nghiệp thành công. Các công ty, các nhà tuyển dụng cũng đánh giá cao các chương trình dạy học phát triển năng lực vì chất lượng nguồn lao động ngày càng được cải thiện.
Trên đây là những lợi ích cơ bản của dạy học phát triển năng lực đối với học sinh. Những lợi ích đó sẽ giúp cho các mô hình dạy học phát triển ngày càng được nhân rộng và được sự đón nhận của giáo viên, học sinh và cộng đồng.
Tham khảo bộ tài liệu HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC – LÝ THUYẾT ĐẾN CÁC BƯỚC THỰC HIỆN
Gil Gruber
https://thuviengiangday.com dịch